Bài toán "thắng và bại"
(Cadn.com.vn) - Áp lực đè nặng lên Nhà Trắng về việc mở cuộc chiến trên bộ ở Syria - như một cách nhằm tăng cường hậu thuẫn Pháp sau loạt tấn công khủng bố Paris, trong đó Tổng thống Barack Obama lo ngại sẽ một lần nữa sa lầy ở đây như chiến trường Afghanistan và Iraq.
Ông chủ Nhà Trắng vẫn luôn cảnh giác với việc tham chiến sâu hơn vào Syria hay Iraq. Nhưng tâm lý chiến có thể đang thay đổi sau loạt khủng bố Paris và những đe dọa của IS sẽ "nhắm các mục tiêu Mỹ" như đã tấn công Pháp. Thật sự, các cuộc tấn công Paris làm bùng nổ những tranh luận mới về những kêu gọi cho việc điều bộ binh đến Syria để nhổ tận gốc một tổ chức khủng bố đang chứng tỏ ngày càng cực đoan và đáng sợ với những kế hoạch tấn công các mục tiêu trên toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ. Nhưng trong khi các cuộc tranh luận về việc triển khai một số lượng lớn quân đội Mỹ được nói đến nhiều, khả năng chuyển đổi chiến lược của Mỹ trong thời gian tới để mở cuộc chiến trên bộ ở Syria là khó xảy ra.
Nguyên nhân đáng kể nhất là Tổng thống Obama vẫn kiên quyết phản đối ý tưởng này, như ông đã khẳng định một lần nữa khi đến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ khi cho rằng, "một lần nữa Washington đang cố gắng giải quyết một vấn đề mà cuối cùng chỉ có thể do chính người dân nước này quyết định được".
Hiện tại, các chuyên gia quân sự Mỹ vẫn bị chia rẽ sâu sắc về ý tưởng "khởi động trên mặt đất" ở Syria - và liệu một động thái như vậy có gây chia rẽ Mỹ và các đồng minh hay không, hay có dẫn đến kết quả sa lầy như ở Afghanistan hay Iraq. Một bên cho rằng, một cuộc xâm lược như vậy sẽ làm sâu sắc thêm những xung đột giữa phương Tây và Hồi giáo, sẽ đẩy Mỹ vào cuộc chiến tranh dân sự sâu, khó chịu, và không thể thắng được.
Bên khác lại khẳng định, Mỹ sẽ chiến thắng. Bản thân ông chủ Nhà Trắng cũng cho rằng, chiến lược hiện tại vẫn mang lại kết quả dù không nhiều như mong đợi. Ngoại trưởng John Kerry, người có chặng dừng chân bất ngờ tại Paris tối 16-11 nhằm thể hiện sự đoàn kết với Pháp, cho biết trước đó rằng, Mỹ "trên đường" để đánh bại IS.
Nhưng thực tế cho thấy, chiến dịch tấn công của liên quân chống IS không có tiến triển. Trong những tháng qua đã xảy ra 4 vụ tấn công khủng bố quy mô lớn ngoài khu vực xung đột Syria-Iraq: các vụ đánh bom Ankara hồi tháng 10, vụ cài bom máy bay Nga qua Ai Cập, các vụ đánh bom ở Beirut, và mới nhất là loạt tấn công Paris.
Ngay cả trước khi ông Obama đến Thổ Nhĩ Kỳ, các cố vấn Nhà Trắng đảm bảo, bất kỳ cuộc thảo luận nào về khả năng "tăng cường" hành động của Mỹ trong sự trỗi dậy của IS cũng sẽ không bao gồm việc triển khai binh sĩ trên bộ. Điều đó có thể vẫn đúng trong ngắn hạn, nhưng giới ngoại giao kinh nghiệm cho rằng, Tổng thống Obama có thể dễ dàng thay đổi quyết định, viện dẫn mối lo ngại khủng bố gia tăng sau loạt tấn công Pháp - một đồng minh thân cận của Mỹ.
Thanh Văn