Bài toán viện trợ cho Gaza

Thứ hai, 24/05/2021 10:57

Các nhóm nhân đạo mang hàng viện trợ đổ về Gaza và bắt đầu công cuộc tái thiết sau nhiều ngày giao tranh đã tàn phá dải đất này. 

Nhiều người Palestine trở về nhà trong đống đổ nát sau khi ngừng bắn. Ảnh: EPA

Hãng tin CBS ngày 23-5 cho biết, các xe tải chở hàng cứu trợ nhân đạo bắt đầu lăn bánh vào Gaza hôm 22-5 khi người dân bắt đầu trở về nhà, xem xét thiệt hại. Các xe tải từ các cơ quan viện trợ khác nhau, bao gồm cả các cơ quan liên kết với LHQ, bắt đầu chở thuốc men, thực phẩm và nhiên liệu vào Gaza, sau khi Israel mở lại cửa khẩu Kerem Shalom. Tại Israel, nhiều gia đình Do Thái đã ra khỏi các hầm trú bom. Các hạn chế khẩn cấp đã được dỡ bỏ trong khi tất cả các trường học được mở cửa trở lại vào ngày 23-5.

Hàng nghìn người Palestine đã quyết định trở về nhà sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Sau 11 ngày giao tranh, hệ thống hạ tầng cơ sở tại Gaza bị phá hủy nặng nề. 1.800 ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn, trong khi số nhà bị hư hại một phần lên tới 16.800 căn. Trong khi đó, hơn 250 người thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài 11 ngày, hầu hết là người Palestine ở Gaza. Tại Israel, 13 người, bao gồm hai trẻ em và một binh sĩ Israel, đã thiệt mạng, ngành y tế nước này cho biết. Cả Israel và Hamas đều tuyên bố chiến thắng.

Vấn đề hệ quả để lại là Gaza bị thiệt hại nặng nề. Hơn 100.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ ở Gaza và gần 800.000 người không được sử dụng nước máy, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết. Các quan chức Palestine nói sẽ cần hàng chục triệu USD để xây dựng lại vùng đất vốn đã nghèo khó vốn đang bị COVID-19 hoành hành và công cuộc việc tái thiết có thể mất nhiều năm. 

Hiện LHQ cũng đã cam kết giúp tái thiết Gaza. Theo ước tính, các cơ quan trực thuộc LHQ hiện gửi 13 xe tải tới Dải Gaza mang theo lượng thức ăn, nhiên liệu, thuốc men và vaccine ngừa COVID-19 trị giá hơn 18 triệu USD. Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó cũng khẳng định cam kết hợp tác với các cơ quan LHQ trong công cuộc tái thiết Gaza nhưng nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ hợp tác với chính quyền Palestine, chứ không phải Hamas trong vấn đề này". Ai Cập cho biết, nước này đã gửi 130 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đến Dải Gaza để hỗ trợ người dân tại đây. Tổng số hàng hóa cứu trợ lên tới 2.500 tấn, bao gồm lương thực, thực phẩm, thuốc men, quần áo và các vật dụng cần thiết. Ngoài ra, còn có nhiều đồ dùng khác như nệm, chất khử trùng, khẩu trang và sữa bột trẻ em.

Quan chức nhân đạo của LHQ Lynn Hasting cho biết đang tích cực đánh giá và hỗ trợ những thiệt hại cho người dân Gaza và nhấn mạnh: "Hiện chúng tôi đang đánh giá những gì ưu tiên cần hỗ trợ, từ nơi trú ẩn cho đến hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt chúng tôi quan tâm đến hệ thống y tế đã bị hư hại tại Gaza trong xung đột vì đang xảy ra dịch bệnh, hệ thống y tế đang đối mặt với khủng hoảng kép - xung đột và COVID-19". Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tạo hành lang cho những người bị thương được sơ tán. Margaret Harris, phát ngôn viên của WHO, kêu gọi được tiếp cận nguồn cung cấp y tế và nhân viên ngay lập tức, nói rằng các cơ sở y tế ở Gaza có nguy cơ bị quá tải do hàng nghìn người bị thương.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ quốc tế sẽ không có ý nghĩa nếu lệnh ngừng bắn bị phá vỡ, cũng như chưa đạt được một giải pháp bền vững cho cuộc xung đột kéo dài hàng chục năm qua tại Trung Đông. Trong nhiều năm, Gaza đã phải chịu sự hạn chế của Israel và Ai Cập đối với người và hàng hóa qua lại, với lý do cả hai nước đều lo ngại về việc vũ khí sẽ đến tay Hamas. 

Tất nhiên, sẽ cần nhiều thời gian và nguồn lực để có thể tái thiết Dải Gaza. Quốc tế có đủ nguồn lực và tài chính để giúp người dân Gaza, nhưng điều quan trọng là hòa bình cần được duy trì, trước mắt là phải tuân thủ lệnh ngừng bắn vừa đạt được giữa Israel và phong trào Hamas. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến có chuyến thăm Israel và chính quyền Palestine vào tuần tới, như một phần trong nỗ lực của Mỹ thúc đẩy lệnh ngừng bắn tại Gaza.

KHẢ ANH