Bám biển đầu năm, ngư dân Đà Nẵng bội thu

Thứ ba, 12/02/2019 17:57

Trong khi nhiều tàu bạn dành trọn thời gian nghỉ Tết để vui chơi, nghỉ ngơi thì nhiều tàu cá Đà Nẵng chọn cách mở biển nhẹ nhàng sau ngày mồng 1 Tết. Thời tiết thuận lợi, sự chịu khó của ngư dân được biển đền đáp bằng những khoang cá đầy ắp. Một số tàu đánh bắt xa bờ của các tỉnh miền Trung cũng cập cảng Thọ Quang với sản lượng khai thác lớn.

Ngư dân một số tỉnh miền Trung vẫn giữ thói quen đánh bắt xuyên Tết và đạt sản lượng lớn các loại cá có giá trị.

Kể từ ngày Mồng 2 Tết, ngư dân đánh bắt gần bờ của Đà Nẵng hối hả đi về, không kịp nghỉ ngơi vì bội thu mùa ruốc. Tại bờ biển bãi ngang thuộc P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà cũng như âu thuyền, các tàu công suất nhỏ nối chuyến hàng ngày và mang vào đất liền rất nhiều cá hố, chim đen, ruốc và mực cơm. Theo cộng đồng ngư dân, nếu như vụ đánh bắt sau Tết của năm Mậu Tuất tương đối nghèo nàn, không đạt sản lượng thì năm mới Kỷ Hợi này, các tàu đã trúng đậm ngay từ chuyến đi đầu tiên. Anh Nguyễn Văn Hà, ngư dân P. Thọ Quang phấn khởi: "Mỗi chuyến đi từ chiều hôm trước đến rạng sáng hôm sau mang về 2-3 tạ ruốc. Vừa trúng vụ lại được giá, trung bình mỗi lao động thu nhập từ 1-2 triệu đồng sau một đêm. Năm nay biển bù cho năm ngoái". Ngoài hàng chục tấn ruốc cập bãi ngang mỗi ngày, nhiều tàu câu cá hố, khai thác mực cơm, cá lạt, cá chim cũng bội thu với hàng tạ cá mỗi loại sau từng chuyến ra khơi xuyên đêm. Mỗi lần cập bến, cá được thương lái mua để phân phối về các chợ, mang lại hàng chục triệu đồng. Theo đại diện Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, các loại thủy sản của đội tàu đánh bắt gần bờ được tiêu thụ nhanh vì dịp này hầu hết các tàu công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ, khai thác những loài cá có giá trị không ra khơi.

Ngư dân bãi ngang Đà Nẵng trúng đậm mùa ruốc đầu năm.

Theo ông Nguyễn Lại- Trưởng phòng Khai thác dịch vụ, Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, hầu hết đội tàu đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng năm nay không đi xuyên Tết như mọi năm. Sau khi trúng đậm vụ cá thu, cá cờ, cá ngừ từ trước Tết, những tàu công suất lớn sẽ mở biển sau Rằm tháng Giêng. Trong khi đó, nhiều tàu cá của Bình Định, Quảng Ngãi vẫn liên tục nối nhau vào âu thuyền với sản lượng trung bình từ 5-7 tấn mỗi tàu. "Ngư dân một số tỉnh vẫn còn duy trì thói quen đánh bắt qua đêm giao thừa, xông đất liền vào năm mới, trong khi các tàu lớn của Đà Nẵng thường tăng tốc những chuyến biển cuối năm rồi ăn Tết ở nhà, giữa tháng Giêng mới mở biển. Bù lại, tàu khai thác gần bờ của Sơn Trà, Thanh Khê lại liên tục ra khơi và thắng lợi", ông Lại cho hay.

Ngư dân Bình Định, Quảng Ngãi cập cảng Thọ Quang với nhiều loại cá lớn có giá trị.

Theo ông Hoàng Quang Minh - Trưởng phòng Quản lý khai thác thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng, trong khi các tàu làm nghề lưới cản, lưới vây, rê cước của thành phố chưa ra khơi thi đội ghe, tàu xúc ruốc (tập trung phần lớn ở phường Thọ Quang, Mân Thái) khai thác ven bờ đã trúng đậm những ngày đầu năm. Có những tàu trúng lớn đạt từ 500-700 kg/chuyến/ngày, doanh thu từ 20-25 triệu đồng/tàu/chuyến. Sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân lao động từ 2-2,5 triệu đồng/người/chuyến. Ông Minh cho biết thêm, trong năm 2018, tổng sản lượng khai thác của các đội tàu cá Đà Nẵng đạt 37.532 tấn tăng 32 tấn so với kế hoạch năm 2017 và tăng 918 tấn so với tổng sản lượng năm 2017. Nguyên nhân chính là do trong năm 2018 số tàu cá khai thác xa bờ tăng trong khi tàu công suất nhỏ ngày càng giảm. Với thời tiết thuận lợi những ngày đầu năm, các tổ đội tàu lớn Đà Nẵng cũng đã sẵn sàng cho những chuyến đánh bắt ở các ngư trường xa, kỳ vọng năm Kỷ Hợi sẽ vượt sản lượng khai thác của năm Mậu Tuất.

BẢO NAM