Bàn chuyện “Tư lệnh ngành”

Thứ sáu, 15/08/2014 06:47

(Cadn.com.vn) - Từ trước, "Tư lệnh" được hiểu là chức danh chỉ huy đơn vị quân đội trong lực lượng vũ trang. Mấy năm gần đây lại xuất hiện từ mới, đó là "Tư lệnh ngành". Khi nói đến mấy từ này, người ta nhớ đến Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng. Tháng 8-2011, sau khi được QH phê chuẩn vào chức Bộ trưởng, ông Đinh La Thăng cho rằng: "Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành phải cho tôi toàn quyền…".

Nói là làm, ngay trong những tháng cuối năm 2011, Bộ trưởng Thăng hăng hái cho ra đời hàng loạt văn bản: cấm chơi golf đối với lãnh đạo thuộc diện bộ quản lý từ cấp vụ và tương đương trở lên; yêu cầu cán bộ công nhân viên chức trong cơ quan, đơn vị sử dụng xe buýt đô thị tối thiểu một ngày trong tuần; đề xuất thay đổi giờ làm công sở, giờ học các trường trung học phổ thông để giảm ùn tắc giao thông; đề xuất hạn chế xe cá nhân và tăng phí lưu thông ô-tô và xe máy... Các quy định này từng nóng bỏng trên báo chí, các diễn đàn mạng theo xu hướng khen ít, chê nhiều...

Bẵng đi một dạo, quan sát báo chí thấy Bộ trưởng Thăng có vẻ thận trọng hơn. Nhưng trạng thái trầm lắng không được bao lâu thì ông lại xuất hiện gần như mọi nơi mọi lúc và tác động cụ thể đối với hàng loạt hoạt động của ngành GT-VT. Ông đối mặt với nhiều vấn đề nhức nhối: nạn ùn tắc giao thông; công trình giao thông chậm tiến độ, kém chất lượng; tình trạng lộn xộn, giá cả dịch vụ ở các nhà ga hàng không, chậm chuyến, hủy chuyến máy bay; xe quá tải, quá khổ; thói vô cảm, quan liêu của cán bộ phụ trách nhiều đơn vị thuộc ngành; ông xin lỗi người dân, hành khách về sự cố chuyến bay “đi Đà Lạt lại đến Cam Ranh”...

Và không chỉ đối với Bộ trưởng Thăng, mới đây Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cùng Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cũng đã dành gần trọn một ngày ở Ban Tiếp công dân T.Ư, buổi trưa chỉ ăn nhanh với bánh mì để giải quyết các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện chủ yếu liên quan đất đai. Hay như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng đối mặt với hàng loạt vấn đề hóc búa và những phản ứng gay gắt: tiêm nhầm vaccine, tai biến sản khoa, quản lý hành nghề y dược ngoài công lập, dịch sởi... Trước những chỉ trích gay gắt, Bộ trưởng Tiến vẫn bình tĩnh xử lý các vụ việc ngày càng năng nổ, hiệu quả, đặc biệt là những động thái gần đây trong việc chuẩn bị phòng chống dịch Ebola. Ngoài ra còn có rất nhiều hoạt động của các “tư lệnh ngành”  khác mà trong khuôn khổ bài viết này không thể nêu hết, thực sự đã có tác động mạnh mẽ, tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, được đông đảo nhân dân ghi nhận và ủng hộ...

Để hiểu rằng, sự khen chê của nhân dân, của dư luận rất kịp thời và công bằng.

Nhắc tên một số vị Bộ trưởng trên đây, không phải chỉ để khen suông mà cái chính để nói đến một thực tế khác: hiện có một số “tư lệnh ngành”, hoặc lãnh đạo của một số địa phương, đơn vị im hơi lặng tiếng đến mức thậm chí nhiều người rất khó khăn để nhớ đến tên của họ (?). Đã là chính khách, dĩ nhiên sự thận trọng, chín chắn trong phát ngôn, hành động, nói ít làm nhiều luôn là điều cần thiết, song điều đấy không đồng nghĩa với việc khôn khéo vo tròn “cái tôi” để tránh những đụng chạm với các vấn đề khúc mắc thuộc quyền. Lại có những vị khiêm nhường và “nhẹ nhàng, dịu dàng đến mức... không chịu nổi” trước những vấn đề nóng bỏng đang rất cần động thái xắn tay áo lên để giải quyết. Cách hành xử như thế này quả rất đáng quan ngại.

Bởi vậy, chúng ta rất trông mong có những Tư lệnh ngành, những vị đứng đầu địa phương, đơn vị luôn nhiệt huyết, xông xáo, dám làm dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với các vấn đề phát sinh trong cuộc sống để chỉ đạo giải quyết kịp thời, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi người dân, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững!

Nguyễn Đức Nam