Bán đảo Triều Tiên lại nóng

Thứ ba, 14/09/2021 13:43

Hãng thông tấn KCNA ngày 13-9 cho biết, Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa hành trình tầm xa mới trong ngày 11 và 12-9, có khả năng tấn công phần lớn lãnh thổ Nhật Bản.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố những hình ảnh về tên lửa hành trình mới. Ảnh: BBC

KCNA nhấn mạnh tên lửa mới là "vũ khí chiến lược có ý nghĩa lớn" và bay hơn 1.500 km trước khi bắn trúng mục tiêu và rơi xuống lãnh hải của Triều Tiên. KCNA không nói rõ tên lửa được phóng thử lần này là loại gì trong khi giới chuyên gia cho rằng, đây là tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ và tên lửa hành trình Hyunmoo-3C của Hàn Quốc.

Triều Tiên đã tạm dừng các hoạt động thử tên lửa kể từ khi sau cuộc gặp gỡ cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Kim Jong-un vào năm 2019. Vụ thử lần này được giới phân tích đánh giá là bước tiến mới trong chương trình vũ khí quân sự của Triều Tiên, cho rằng tên lửa hành trình mới của Triều Tiên tạo ra mối đe dọa lớn. Theo chuyên gia Ankit Panda của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, đây là tên lửa hành trình đầu tiên được Bình Nhưỡng chỉ định có "vai trò" chiến lược, tức là có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, vụ thử lần này không vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ, những nghị quyết vốn đã dẫn đến các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Bình Nhưỡng trong quá khứ. Bởi vì dù Triều Tiên bị cấm dùng công nghệ tên lửa đạn đạo theo các nghị quyết của HĐBA LHQ nhưng tên lửa hành trình không nằm trong các lệnh cấm vận vì được xem là gây đe dọa không lớn so với tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, điều này cho thấy Triều Tiên vẫn có khả năng phát triển vũ khí, bất chấp tình trạng thiếu lương thực và khủng hoảng kinh tế. Vụ thử tên lửa hành trình này mang "ý nghĩa chiến lược khi sở hữu một phương tiện răn đe hiệu quả khác để đảm bảo an ninh nước nhà một cách đáng tin cậy hơn và kiềm chế mạnh mẽ các hoạt động quân sự của các thế lực thù địch", KCNA cho biết.

Theo Yonhap, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 13-9 cho biết  đang hợp tác với giới chức tình báo Mỹ phân tích sâu về cuộc phóng tên lửa hành trình mới của Triều Tiên, nhưng từ chối cung cấp chi tiết, như cuộc thử nghiệm được tiến hành ở đâu và liệu họ có phát hiện cuộc thử nghiệm trước khi nó diễn ra hay không. Trước đó, quân đội Mỹ nói vụ thử cho thấy Triều Tiên "tiếp tục tập trung phát triển chương trình quân sự". Các quan chức cấp cao nhất của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ gặp nhau trong tuần này để thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, vấn đề ở đây là vụ thử này một lần nữa chứng tỏ rằng họ có thể phát triển các loại vũ khí mới và nguy hiểm dù đang phải chịu các lệnh cấm vận nghiêm ngặt của quốc tế. Những tên lửa hành trình này bay thấp và khó bị phát hiện, và tầm bắn 1.500km sẽ khiến phần lớn Nhật Bản nằm trong tầm ngắm. Các nhà phân tích vẫn chưa chắc liệu Bình Nhưỡng có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vào tên lửa hành trình hay không.

Vụ thử diễn ra không lâu sau Hàn Quốc tiến hành các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa SLBM, nhưng chỉ mang đầu đạn thường, từ tàu ngầm mới hạ thủy. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, việc phát triển những tên lửa mới có sức công phá được nâng cao đáng kể, đồng thời cho biết triển khai những tên lửa đánh chặn mới nhằm đối phó các mối đe dọa từ pháo tầm xa. Triều Tiên đã gọi những động thái quốc phòng mới của Hàn Quốc là hành động "nấp sau tấm màn hòa bình" để "mài dao nhằm vào anh em".

Vài ngày trước, Triều Tiên cũng đã tổ chức một cuộc duyệt binh quy mô nhỏ được tổ chức tại Bình Nhưỡng nhằm đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập nước. Cuộc duyệt binh không phô diễn bất kỳ tên lửa đạn đạo cỡ lớn nào, tuy nhiên có sự xuất hiện của những người trong trang phục bảo hộ, đây có thể là dấu hiệu cho thấy một lực lượng đặc biệt được thành lập để giúp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 19-8, Triều Tiên không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào.

KHẢ ANH