Bản hùng ca Thượng Đức (2)
* Bài cuối: Đổi thay Thượng Đức
(Cadn.com.vn) - Thay cho những thép gai và chiến hào, Thượng Đức bây giờ đã khoác một lớp áo mới, tràn đầy sức sống.
Ngồi xem công nhân khẩn trương thi công Tượng đài chiến thắng Thượng Đức để kịp cho lễ kỷ niệm 40 năm, ông Trường Kính (thôn Hà Tân, Đại Lãnh) không giấu được niềm vui. Bởi với ông nó như là biểu tượng và minh chứng cho sự đổi thay của quê hương. Ông Kính đã hơn 80 năm sống và gắn bó với quê hương Đại Lãnh, vì vậy vẫn còn nhớ những cơ cực của ngày trước, khi tất cả dân làng đều bị ép vào sống trong khu dồn, trong những túp lều tạm bợ, ruộng đồng bỏ khô khốc vì đạn bom. Ông kể, ngày trước xuống được đến thị trấn Ái Nghĩa thì xem như được ra phố, bởi đường sá cách trở, ghập ghềnh, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. “Chừ thì khác rồi. Chú thấy con đường bê-tông mới mở không, chỉ cần chạy vèo cái là ra đến Đà Nẵng. Nhà xây cũng rất nhiều, chứ không như trước, chỉ toàn nhà tranh vách nứa”, ông Kính khoe.
Thượng Đức bây giờ đã đổi thay nhiều lắm. |
Quả thật, Thượng Đức đã khác xưa nhiều lắm, trên cái nền đất đạn xới, bom cày ngày nào, màu xanh cuộc sống tràn đầy, trên cánh đồng lúa, trên con đường bê-tông mới và trên ánh mắt cười trẻ thơ. Tôi gặp anh Đỗ Minh Long (thôn Hà Tân) khi anh đang vận hành máy xay gạo, thu nhập không nhiều nhưng nghề này cũng đủ nuôi sống gia đình. Thấy tôi hỏi chuyện Thượng Đức, anh hồ hởi tiết lộ: “Tôi được bộ đội cứu sống trong trận Thượng Đức đó”.
Anh kể, trong chiến tranh anh cùng với nhiều thanh niên khác trong làng bị bắt đi lính nghĩa quân, nhưng mãi đến khi quận lỵ Thượng Đức bị Quân Giải phóng tấn công, anh mới biết thế nào là chiến tranh. Chiến sự ác liệt và khi quân đội Sài Gòn bại trận, thì anh Long cũng bị thương vì đạn pháo. “Lúc đó đôi tay tôi bị cháy sém và sau vài ngày thì đã sưng phù vì dòi đục khoét da thịt. Tôi nghĩ mình chết chắc”, anh Long nhớ lại. Lo sợ vết thương một phần, anh Long còn sợ bị lực lượng cách mạng xử tử, bởi trước đó ngụy quyền tuyên truyền rằng “cộng sản” sẽ tắm máu khi đánh vào Thượng Đức. Nhưng sự thật khác xa những gì anh nghĩ.
“Khi tôi bị thương thì được du kích xã đưa đến một nhà dân bỏ hoang ven sông, bên khe Mõm Lợn, làng Hà Tân. Lúc này, cũng có nhiều người như tôi bị thương nằm ở đây và đều nghĩ sẽ bị xử bắn. Nhưng không, tất cả đều được chăm sóc y tế và ăn uống đàng hoàng. Lúc đó vết thương của tôi rất nặng, ai nhìn thấy cũng tránh nhưng có cô du kích, ngày nào cũng đến rửa vết thương, rồi cho tôi ăn. Sau này, tôi mới biết ân nhân cứu sống mình là chị Nguyễn Thị Thanh Hải, người cùng quê. Nhờ sự ân cần của Hải mà tôi sống đến hôm nay”, anh Long kể.
Bây giờ anh Long là người cha của 5 đứa con và trong đó có hai đứa đã đi bộ đội và anh luôn tâm niệm “cố gắng làm việc, để góp phần nhỏ bé cho quê hương”. Ở trên mảnh đất Thượng Đức này, chẳng hiếm những câu chuyện như anh Long. Nếu ngày trước họ đứng hai đầu chiến tuyến, thì giờ họ đang cùng góp sức để xây dựng quê hương, để những địa danh Ba Khe, Hà Sống không còn ký ức chiến trận.
Người dân trong các khu dồn ở Thượng Đức xưa. |
Ngày trước nhắc đến Thượng Đức là gợi về trận giao tranh ác liệt, nhưng bây giờ, Thượng Đức đang được xây dựng để trở thành điểm du lịch. Được xếp hạng di tích cấp Quốc gia vào năm 2000, Thượng Đức ẩn chứa nhiều tiềm năng để thu hút khách du lịch đến với vùng đất lịch sử này. Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT và DL Quảng Nam cho biết, khi Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 304 xây dựng mới Tượng đài chiến thắng Thượng Đức thì ngành văn hóa của tỉnh cũng đã xây dựng một ngôi nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật liên quan đến chiến dịch Thượng Đức để phục vụ du lịch.
“Chúng ta cần giữ lại nguyên vẹn sân bay trực thăng, rồi nạo vét, tôn tạo lại cảnh quan bằng cách tái hiện hầm ngầm, công sự và hàng rào kẽm gai, để thuận tiện cho du khách tìm hiểu vì sao Thượng Đức được gọi cánh cửa thép, là mắt ngọc của đầu rồng. Cùng với những địa danh khác ở H. Đại Lộc, Thượng Đức hoàn toàn thích hợp để mở tour du lịch “trở lại chiến trường xưa”. ông Tịnh nói.
Thượng Đức bây giờ khác xưa nhiều lắm. Ở đó, tôi bắt gặp hình ảnh những người nông dân hăng say trên ruộng đồng, những ngôi nhà ngói mới và mái trường rộn tiếng trẻ. Đã qua quá khứ đau thương, Thượng Đức hôm nay đang tràn đầy sức sống và viết tiếp khúc ca oanh liệt về một vùng đất anh hùng.
Hoàng Anh