CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC:

Băn khoăn khi trẻ vào lớp một!

Thứ năm, 15/10/2015 11:53

(Cadn.com.vn) - 1. Có thể những gì tôi kể dưới đây không phải là chuyện đại trà, nhưng tin chắc, đó không phải là câu chuyện đơn lẻ...

Là út nên cháu tôi được yêu chiều hơn anh chị. Tính tình hiếu động, còn ham chơi (trẻ nào mà chẳng vậy) nên những ngày đầu bước vào lớp một, việc tiếp thu bài vở của cháu có chậm hơn so với chúng bạn. Tuy nhiên, mọi thành viên trong gia đình tôi không lấy đó làm buồn hay lo âu. Bởi tất cả đều xác định, đấy là điều hiển nhiên, vì so với chúng bạn, cháu thua gần một tuổi (sinh cuối năm 2009).

Sau hơn hai tháng làm quen với môi trường lớp một, trong buổi cơm chiều gần đây, cháu làm tôi bất ngờ trước "cuộc thi" do cháu đặt ra. Thường mỗi khi ngồi "giám sát" việc cháu tự ăn cơm chiều, tôi hay dò hỏi về chuyện trường, chuyện lớp, chuyện học có vui không, giờ học nào cháu thích nhất? Ngoài chuyện bạn bè, giờ học nhạc, cháu ít kể chuyện học hành. Có cảm giác, cháu không thích lắm các con số, chữ cái.

Hôm ấy, đang ăn cơm, cháu chợt thông báo với tôi đã học thuộc "5 điều Bác Hồ dạy". Gương mặt cháu sáng lên đầy vẻ thích thú và cất giọng đọc:  "Điều 1: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào". Cứ nghĩ cháu sẽ đọc vanh vách các điều còn lại, không ngờ, cháu dừng lời, đưa tay chỉ về phía tôi với yêu cầu đọc "Điều 2". Hiểu ra đấy là trò chơi của cháu, tôi trả lời ngay và đố cháu đọc "Điều 3". Cứ thế, đến "Điều 5" là phần trả lời của cháu. Lần này, cháu ngắc ngứ: "Cô đọc một từ đi...". Tôi đọc chữ "Khiêm", lập tức cháu nói ngay: "Cháu nhớ rồi!" và đọc trọn vẹn Điều 5. Thấy cháu thích thú với trò chơi này, tôi quyết định kiểm tra xem cháu có thuộc hết "5 điều Bác Hồ dạy" hay không nên đọc lại "Điều 1" rồi đố cháu "Điều 2"- điều cháu đố tôi trong lần thi đầu tiên. Cháu đọc đúng... Càng bất ngờ hơn khi cháu chuyển sang đố hát Quốc ca, Đội Ca, dù cháu chưa thuộc, nhất là "Đội ca"! Lại một lần nữa, cháu làm tôi xúc động. Cháu bắt tôi hát không biết bao nhiêu lần hai bài hát này để cháu hát theo cho đến lúc thuộc lòng mới thôi!

2. Nhưng niềm vui ấy không trọn vẹn. Đến khi tôi chuyển sang đố kiến thức thì mặt cháu không vui. Giở sách "Tiếng Việt", chỉ tay vào từ "cá ngừ" (kèm theo hình vẽ con cá ngừ), tôi yêu cầu cháu đánh vần từ này. Cháu đánh vần khiến tôi hụt hẫng: "a...cá", "ư...ngừ... cá ngừ". Tôi bảo: "Phải đọc như thế này mới đúng nè: "a, c... a... ca sắc cá", "ư, ng... ư... ngư huyền ngừ" rồi mới đọc ghép lại thành từ "cá ngừ" chứ". Thằng bé cãi: "Không! Phải đọc như cháu mới đúng". Tôi không tài nào lay chuyển được nhận thức của cháu trong việc đánh vần. Để kiểm tra chất lượng thực sự của cháu trong việc tập đọc, tôi đố cháu đánh vần tên của cháu và tên của tôi thì cháu không đánh vần được. Cháu yêu cầu: "Cô thử đọc cách đánh vần tên cô đi..."...

Giữa nhà trường và phụ huynh luôn cần có được tiếng nói chung
về phương pháp dạy-học của HS lớp một.

3. Và, đó không phải là lần đầu tiên. Cứ mỗi lần có dịp kiểm tra cách tiếp thu bài vở của cháu, trong tôi lại dấy lên những băn khoăn khó diễn đạt thành lời. Liệu có phải vì quá "sốt ruột" khi thấy cháu chưa đọc thông viết thạo bằng chúng bạn mà tôi âu lo thái quá? Hay do gia đình quyết định không cho cháu học trước chương trình, nên khi bước vào môi trường học lớp một, cháu không theo kịp với các bạn đồng trang lứa? Hay tại cháu non tuổi nên việc tiếp thu bài vở có chậm hơn? Hay tại ở trường, cô giáo dạy quá nhanh hoặc phương pháp dạy đánh vần hiện nay đã đổi mới mà tôi cũng như gia đình không biết để có cách "đồng hành" cùng cháu trong việc ôn tập bài học khi ở nhà?...

Tưởng đâu chỉ có chuyện của nhà mình. Nào ngờ, khi đem câu chuyện này kể với một số phụ huynh có con em đang học lớp một, tôi nhận được không ít sự phản hồi tương tự. Một số phụ huynh cho biết, do phần lớn HS trước khi bước vào học lớp một đã được cha mẹ cho đi học trước chương trình nên các cháu đã đọc thông viết thạo. Điều này khiến cho không ít giáo viên có tâm lý dạy theo số đông HS đã đọc thông, viết thạo. Vì thế, những cháu không học trước chương trình nếu không được cô quan tâm đặc biệt, dễ bị "đuối", không theo kịp chúng bạn.

 Không biết có chủ quan và áp đặt quá không khi nói rằng, phải chăng, đấy chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng HS "ngồi nhầm lớp". Và liệu lỗi nằm ở các cháu tiếp thu chậm hay do giữa nhà trường và phụ huynh chưa tìm được tiếng nói chung về  phương pháp dạy-học của HS lớp một?

Khánh Yên