58 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (4-10-1961 – 4-10-2019):

Bản lĩnh những người lính cứu nạn, cứu hộ

Thứ sáu, 04/10/2019 08:50

Những con người trông rất đỗi bình thường ấy, khi khoác lên bộ quân phục và được giao nhiệm vụ bỗng chốc trở nên mạnh mẽ, phi thường trước những thách thức, khó khăn. Lòng dũng cảm, tinh thần vì nhân dân phục vụ biến những người lính cứu nạn, cứu hộ (CNCH) thành “người hùng” trong mắt của nhiều người.

Đưa nạn nhân trong vụ cháy tại P. Hải Châu 1, Q. Hải Châu ra khỏi vụ cháy.

Giành giật mạng sống từ “tử thần”

Đến bây giờ, Nguyễn Mạnh Long, một trong số 20 công dân Đà Nẵng tiêu biểu năm 2017 vẫn còn nhớ như in cảm giác lúc tìm thấy và cứu 3 nạn nhân trong đám cháy tại P. Hải Châu 1, Q. Hải Châu vào tháng 5-2016. Khi đó, lửa lớn đến mức bức xạ nhiệt khiến cửa kính trong nhà liên tục bị vỡ, mảnh văng khắp nơi, nhưng khi nhận thông tin có người mắc kẹt bên trong, Long cùng 4 chiến sĩ khác vẫn tiến vào bên căn nhà đang nghi ngút khói lửa. “Người ta chạy ra, chúng tôi chạy vào, đó như là bản năng của những người lính cứu hỏa và cứu nạn cứu hộ”, Long chia sẻ.

Công tác cứu người bị nạn được thực hiện khẩn trương, thời gian chỉ được tính bằng giây. Thoát qua được vòng vây của lửa, trong làn khói mờ ảo, Long lần lên tầng 2 và tìm được 1 nạn nhân đưa ra ngoài an toàn. Vừa giao người xong thì anh cùng đồng đội tức tốc quay lên tìm kiếm thêm 2 người nữa đang nằm thoi thóp trong nhà vệ sinh. Trong lúc cố gắng cứu người, Long phát hiện máu chảy ra từ thân dưới của người phụ nữ. Tưởng người đó bị sảy thai, Long dùng hết sức lực bình sinh, cố gắng đưa người phụ nữ ra nhanh nhất có thể. Đến khi đám cháy dập tắt, Long được đồng đội chỉ thì mới biết mình bị mảnh kính cắt ở tay và máu chảy trên người phụ nữ là của chính mình.

Một đêm mưa giữa tháng 12-2018, các tuyến đường của Đà Nẵng ngập sâu trong nước. Nhiều khu dân cư ở khu vực trũng phải bật “báo động đỏ” lúc nửa đêm vì nước dâng cao, không di tản được, tính mạng bị uy hiếp... “Nội bất xuất, ngoại bất nhập” là những gì người ta miêu tả về con hẻm 96 Điện Biên Phủ lúc đó. Giữa dòng nước cuồn cuộn, Đại úy Hoàng Quốc Hải - Đội trưởng đội PCCC&CNCH Thanh Khê cùng đồng đội phải nương nhau lội nước đề phòng nắp cống bị sập để đến hiện trường thật nhanh. Di chuyển hơn 200m, lực lượng cứu hộ đã tìm kiếm được tổng cộng 10 người trong các ngôi nhà và tổ chức đưa 2 trẻ em, 1 người lớn ra khu vực bên ngoài bằng xuồng, số còn lại được hỗ trợ lên vị trí cao hơn. Ở một con hẻm khác trên đường Thái Thị Bôi, các chiến sĩ cũng đã ứng cứu, đưa một người phụ nữ đang mang thai và 2 em nhỏ đang bị cô lập ra khỏi nơi nguy hiểm.

Giải cứu các nạn nhân trong trận ngập lịch sử ở Đà Nẵng vào tháng 12-2018.

Cuộc chiến ngầm nơi đáy sông

Nhiều năm công tác trong lực lượng PCCC nhưng chỉ chuyển về Đội PCCC&CNCH trên sông, được vài tháng, Thượng úy Ông Ích Thành đã cảm nhận được sự vất vả, khó khăn của công việc chữa cháy và CNCH trên sông. Nhận tin có người nhảy cầu tự tử, tiếng chuông báo động vang lên khẩn thiết. Tất cả ôm áo quần, trang thiết bị nhảy lên ca nô dù đang ăn cơm, đang ngủ hay làm bất cứ việc gì. Trên chiếc ca nô tròng trành, các anh vội vã mang các thiết bị chuyên dụng, áo phao để sẵn sàng cho một cuộc tìm kiếm dài hơi. “Có vụ phải oằn mình dưới sông 2-3 ngày liên tục, nhìn dòng nước mà đoán vị trí nạn nhân rồi hụp lặn, lục tìm trong từng đám lục bình lại có khi làm nhiệm vụ giữa tiết trời lạnh cóng, con sông Hàn bình yên, thơ mộng thường ngày bỗng trở nên xa lạ, vô tình. Đơn côi giữa dòng nước dữ, căng mình tìm kiếm nạn nhân. Nguy hiểm luôn chực chờ nhấn chìm sinh mạng của những người lính CNCH, nhưng khi nghe tiếng kêu khóc xé lòng của những người mẹ, người chị, người con ngóng tìm người thân thì chúng tôi không còn quản ngại gì”, Thượng úy Thành trải lòng.

Lặn tìm dưới nước như một “canh bạc”, khi thông tin nhận được đôi khi chỉ là cục đá người dân ném xuống để đánh dấu hay vị trí đôi dép nạn nhân để lại trên cầu. Ấy thế mà cũng nhiều lần kịp thời kéo nạn nhân khỏi cửa tử. Đại úy Lê Tuấn Anh - Đội trưởng đội PCCC&CNCH trên sông cho biết, từng chứng kiến nhiều hoàn cảnh đau thương xảy ra trên sông Hàn nhưng cũng có nhiều tình huống bi hài. Có trường hợp ngáo đá nhảy cầu Thuận Phước, khi được ca nô tiếp cận cứu, nam thanh niên này dùng dao chống trả, phải rất vất vả mới khống chế được.

Cũng theo Đại úy Tuấn Anh, nhiệm vụ khó khăn nhất mà anh cùng các đồng đội thực hiện là việc tìm thi thể cháu bé bị cha ruột giết rồi vứt xác xuống sông gây rúng động dư luận hồi tháng 2-2019. Điều day dứt nhất là sau hơn 1 tháng trời ròng rã, lực lượng tìm kiếm vẫn bất lực. Đáy sông như màn đêm tĩnh mịch đến đáng sợ, cự ly nhìn thấy chỉ tính bằng gang tay. Đi dưới đáy sông như lạc giữa “kho phế liệu”. Biện pháp tìm kiếm duy nhất là dùng tay, dùng chân lèo khèo dưới lớp bùn lạnh lẽo, ẩn chứa muôn vàn điều hiểm nguy bất ngờ. “Người trong nghề, ai cũng biết đến câu chuyện lặn tìm khẩu súng tang vật vụ cướp bắn chết cặp vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga ở TPHCM năm 1979. Khi đó, 2 chiến sĩ đã hy sinh. Mới đây nhất là sự hy sinh của chiến sĩ PCCC&CNCH CA tỉnh Tây Ninh Trần Văn Lành hồi cuối tháng 8 lúc lặn tìm người mất tích”, Đại úy Tuấn Anh kể.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng CNCH CATP Đà Nẵng đã phối hợp tham gia 32 vụ CNCH, đưa 18 nạn nhân và 5 thi thể đến nơi an toàn. Nhiều chiến sĩ tuổi đời còn trẻ, non kinh nghiệm, phương tiện, trang thiết bị thiếu nhưng vẫn luôn cống hiến, khi lâm trận đều chiến đấu hết mình, giành giật lại “cái còn trong cái mất”. Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, họ luôn cố gắng, hoàn thành xuất sắc mỗi nhiệm vụ để đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân.

MAI VINH