Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương họp phiên thường kỳ

Thứ ba, 21/11/2017 10:19

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp.

Chiều 20-11 Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương (CAT.Ư) tiến hành phiên họp thường kỳ. Đến dự và chỉ đạo có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy CAT.Ư; Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy CAT.Ư. Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy CAT.Ư, Bộ trưởng Bộ CA chủ trì phiên họp.

Sau khi nghe báo cáo về tình hình, kết quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND) thời gian qua, các đại biểu dự phiên họp đã nêu lên những định hướng công tác CA trong thời gian tới. Phiên họp đã bàn, thống nhất các nội dung công tác, tiếp tục thể hiện tính gương mẫu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phiên họp đã triển khai các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết số 18-NQ/T.Ư ngày 25-10-2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/T.Ư ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại phiên họp, Ban Thường vụ Đảng ủy CAT.Ư đã thảo luận, thống nhất: Việc triển khai các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII trước những diễn biến và yêu cầu nhiệm vụ công tác CA trong tình hình mới, lực lượng CAND cần tiếp tục phát huy tốt vai trò tham mưu cho Đảng, Nhà nước về an ninh, trật tự; chủ động ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; đẩy lùi, làm giảm các loại tội phạm và vi phạm pháp luật; bảo đảm an ninh xã hội, giữ vững an ninh chính trị trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ; xây dựng xã hội kỷ cương, an toàn, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, trật tự và lành mạnh, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển KT-XH và đối ngoại của đất nước...

CTTĐT