Bằng mọi cách phải tìm được 4 nạn nhân mất tích còn lại ở Phước Lộc

Thứ năm, 26/11/2020 19:24

Những ngày qua, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương khơi thông tuyến đường vào thôn 1 và thôn 3 (xã Phước Lộc, H. Phước Sơn) để đưa các phương tiện cơ giới tiếp cận hiện trường, tìm kiếm 4 nạn nhân vẫn còn mất tích.

Các lực lượng đang nỗ lực thông đường đưa xe cơ giới vào tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích.

Trắng tay sau lũ

Qua gần 1 tháng bị cô lập, đến nay xe máy và các phương tiện xe cơ giới mới tiếp cận đến trung tâm xã Phước Lộc (xe ô-tô vẫn chưa vào được). Con đường vào trung tâm xã bị băm nát, đất đá đổ xuống chất đống nằm ngổn ngang, nhiều cây cầu bị nước lũ cuốn trôi. Hàng chục căn nhà dân bị lũ quét sạch, bên cạnh đó nhiều nhà bị sạt lở đất vùi lấp đổ nát. Trên đường đi, chúng tôi định ghé quán tạp hóa của bà Lê Thị Kỷ (62 tuổi) - một người phụ nữ nhiệt tình mời chúng tôi dùng bữa cơm trưa trong chuyến công tác vài tháng trước. Nhưng nơi đây giờ đã thành bình địa sau cơn lũ dữ. Bà Kỷ quê gốc ở H. Quế Sơn (Quảng Nam), lên đây định cư sinh sống đã 24 năm. Căn nhà bà Kỷ và 3 hộ dân khác ở vị trí cao, cạnh suối Nước Mắt và con suối nhỏ đổ từ ngọn núi sau nhà. Cứ nghĩ địa thế này là an toàn, ai ngờ 4 căn nhà ở đây đã bị dòng lũ dữ quét qua cuốn đi mọi thứ, chỉ còn xót lại mấy tấm tôn bay phất phơ.

Những ngày qua, gia đình bà Kỷ sống trong căn lều tạm được dựng tại sân UBND xã Phước Lộc. Gặp chúng tôi, bà Kỷ bần thần tâm sự: "Không ai ngờ năm nay thiên tai tàn phá khủng khiếp như vậy. Vị trí nhà tôi không nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét nhưng lại bị ảnh hưởng cả 2. Bây giờ tôi trắng tay rồi! Tất cả của cải dành dụm mấy chục năm nay đã trôi theo dòng nước lũ".

Bà Kỷ buồn bã kể, ảnh hưởng của bão số 9 ở đây mưa lớn kéo dài, xuất hiện tình trạng sạt lở ở 3 ngọn đồi trước nhà, nhưng gia đình không mấy lo vì nó ở khá xa. Đến khoảng 14 giờ ngày 28-10, lúc bão đổ bộ mưa lớn thì xảy ra sạt lở mạnh ở tứ phía. Sau đó, nước lũ từ đầu nguồn cuồn cuộn đổ về con suối nhỏ bên nhà gây xói mòn đất rất nhanh. Chỉ trong vòng vài phút nước đã làm xói mòn đất sát căn nhà bà Kỷ. "Thấy căn nhà sắp bị dòng nước nuốt chửng, tôi cùng chồng và đứa cháu chỉ kịp dắt nhau chạy lên ngọn đồi sau nhà. Chỉ trong phút chốc, căn nhà đã bị dòng nước lũ cuốn trôi. Hàng hóa, tài sản dành dụm bấy lâu hơn 1 tỷ đồng của gia đình đã trôi theo dòng lũ. Thế cũng chưa yên, cả ngọn đồi sau nhà cũng bị sạt lở đất, chúng tôi ôm nhau ngồi trên đồi chắp tay cầu nguyện. Phát hiện sự việc, những hộ dân gần nhà cũng nhanh chân chạy thoát, nếu không cũng đã trôi theo dòng lũ dữ. Chúng tôi ở đây chịu đói khát, đến sáng hôm sau lực lượng dân quân đến cứu, đưa về trụ sở UBND xã ở", bà Kỷ nghẹn ngào kể lại.

Nhìn thấy dòng nước nuốt chửng căn nhà bà Kỷ, bà Nguyễn Thị Y (65 tuổi) chỉ kịp nắm chiếc áo mưa rồi cùng con gái dắt 2 đứa cháu bỏ chạy, khi ngoảnh đầu nhìn lại thì ngôi nhà đã bị dòng nước cuốn trôi mất hút. Dòng lũ quét đã cuốn trôi ngôi nhà cùng tài sản chắt chiu lâu nay. "Ở cái tuổi gần đất xa trời đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một cảnh tượng thật khủng khiếp như vậy, nếu chậm chân một chút có lẽ gia đình tôi đã chết. Cả đêm chịu đói khát, sáng hôm sau gia đình tôi được 5 cán bộ dân quân xã đến cứu. Gần 1 tháng qua, gia đình tôi được chính quyền địa phương cho quần áo để mặc, ăn uống. Bây giờ tôi trắng tay, mong sao các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ tiền và bố trí khu tái định cư mới để chúng tôi có chỗ ở mới ổn định", bà Y tâm sự.

Hàng chục căn nhà dân ở thôn 1 bị đất đá vùi lấp hư hỏng.

Khẩn trương tìm kiếm

Gặp chúng tôi, ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc thở dài: Năm nay xã Phước Lộc chịu thiệt hại quá nặng nề do thiên tai. Sạt lở vùi lấp 19 căn nhà tại thôn 3, 12 người dân cũng bị chôn vùi theo. Lực lượng chức năng đã tìm thấy 9 thi thể, vẫn còn 3 nạn nhân chưa được tìm thấy. Có 2 cán bộ xã trên đường đi vận động dân cũng bị vùi lấp, mới tìm thấy được 1 người. 49 căn nhà bị vùi lấp, cuốn trôi hư hỏng hoàn toàn, 55 căn nhà bị hư 30-70%. Chưa hết, hoa màu, con vật nuôi của người dân gần như mất trắng, cuộc sống của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn. Cũng may, chính quyền đã tính toán trước, kịp thời vận động hơn 200 người dân vùng sạt lở về nơi an toàn, nếu không thiệt hại về người còn lớn hơn.

"Nhận được tin báo tại thôn 3 xảy ra sạt lở vùi lấp nhà, chính quyền xã đã huy động toàn bộ lực lượng dân quân tại chỗ phối hợp với Công an xã, Công an huyện cắt đường rừng đi bộ hơn 3 giờ đồng hồ phối hợp với người dân tìm kiếm thấy được 9 thi thể người dân. Hiện có hàng chục cán bộ dân quân, công an và người dân vẫn đang tích cực tham gia tìm kiếm ở 2 vị trí sạt lở vùi lấp người. Do có hàng ngàn khối đất đá và cây gỗ vùi lấp nên việc đào bới thủ công, xịt nước gặp nhiều khó khăn, cần đưa phương tiện cơ giới vào đào mới hy vọng sớm được tìm thấy. Trong khi đó, tuyến đường từ xã Phước Thành vào thôn 1 xã Phước Lộc xe ô-tô vẫn chưa lưu thông được, đường vào thôn 3 vẫn chưa khắc phục kịp thì việc đưa xe cơ giới vào tìm kiếm sẽ mất rất nhiều thời gian", ông Thoại cho hay.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo xã Phước Lộc và các đơn vị liên quan của tỉnh hôm 24-11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, với khối lượng đất đá lớn vùi lấp như vậy thì công tác tìm kiếm theo phương thức thủ công sẽ rất khó khăn. Vì thế, các đơn vị chức năng liên quan cần phối hợp tập trung thông đường, trong thời gian sớm nhất phải đưa xe cơ giới tiếp cận hiện trường, bằng mọi cách phải tìm cho được các nạn nhân còn đang mất tích.

LÊ VƯƠNG