Băng rừng, lội suối đến trường lúc 3 giờ sáng
(Cadn.com.vn) - Khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ là lúc những đứa trẻ tại làng HMông trong (buôn HMông, xã Ea Kiết, H. Cư Mgar, tỉnh Đắc Lắc) í ới gọi nhau đi tìm con chữ. Dưới những ánh đèn pin le lói, các em không quản ngại mưa gió, đường sá lầy lội để dìu dắt nhau vượt hơn 10km đường rừng đến trường. Cứ thế, những đứa trẻ HMông phải đánh vật với con đường tìm chữ suốt hơn 10 năm nay.
Con đường đến trường của những đứa trẻ HMông quá nhọc nhằn. |
Nhọc nhằn đường đến trường
Khi tiếng chuông đồng hồ báo 3 giờ sáng, những đứa trẻ làng HMông trong gọi nhau í ới. Như một bản năng, từng đứa trẻ ngồi bật dậy, chuẩn bị sách vở đến trường mà chẳng cần một lời nhắc nhở của cha mẹ. Sau ít phút chuẩn bị, hơn 20 đứa trẻ có mặt tại nhà ông Thào Văn Thanh (20 tuổi, trú làng HMông trong) để bắt đầu cho cuộc hành trình 12km tới lớp học.
Dưới ánh sáng mờ mịt của những chiếc đèn pin, nhóm học sinh miệt mài sải bước chân dắt xe đạp băng qua nhiều đoạn dốc ngược, tiến về trung tâm xã Ea Kiết. Theo chân nhóm học sinh đủ lứa tuổi, không ít lần chúng tôi hồi hộp, lo sợ trước những khe suối, đoạn đường sình lầy, trơn như vừa đổ dầu mỡ. Ấy vậy mà, những đứa trẻ sống trong cái khổ đã lâu ấy vẫn nhẹ nhàng bước qua đoạn đường đầy nguy hiểm như những “chiến binh” điêu luyện.
Em Mai Thị Duyên (học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi) cho biết: “Những ngày đầu theo các anh chị đến trường, em rất sợ hãi vì đường quá tối. Mỗi khi trời đổ mưa, suối nhiều nước thì quãng đường đến trường như dài hơn rất nhiều. Chưa kể những đoạn đường dốc ngược, em và các anh chị phải dùng hết sức lực của mình đẩy xe đạp. Cho đến nay, việc băng rừng đến trường đã trở thành niềm vui của những học sinh làng HMông như em”.
Không chỉ sợ hãi, em Lù Thị Dung (11 tuổi, học sinh lớp 5) nhiều lần bật khóc trên con đường đến trường. Bởi không chỉ đánh vật với đường sá gập ghềnh, trơn trượt, các em còn chới với khi “người bạn đồng hành” của mình là chiếc xe đạp bị hư hỏng, xịt lốp. “Bình thường, tụi em đi từ nhà đến trường chỉ mất khoảng 2 giờ. Thế nhưng, mỗi khi trời đổ mưa hoặc hư xe thì phải tốn thêm hơn nửa tiếng nữa”, Dung tâm sự.
Sau hơn hai tiếng đồng hồ đánh vật với trời mưa và con đường sình lầy, nhóm học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ cũng có mặt tại ngôi trường lúc 6 giờ 35. Tại đây, chúng tôi bắt gặp không ít con mắt mệt mỏi, những cái ngáp ngắn-dài của các em. Thế nhưng, nhọc nhằn với con đường đến trường không làm cho những đứa trẻ làng HMông trong sờn lòng, nản chí.
Nhiều em phờ phạc, mệt mỏi sau khi vượt 12km đường rừng. |
Giấc mơ không trọn vẹn
Đúng 11 giờ 35, các em hồ hởi ùa ra khỏi lớp học như đàn ong vỡ tổ để trở lại ngôi nhà thân thương của mình. Vẫn con đường ấy, nhưng nhóm học sinh của làng HMông trong tỏ vẻ ngao ngán vì mệt lẫn đói, khát. Em Mai Văn Dương (anh trai Duyên) chia sẻ: “Kể từ ngày đi học xa nhà, tụi em không biết đến khái niệm bữa sáng. Có những hôm, vừa đặt chiếc cặp vào nhà là em lăn ra ngủ mà chẳng buồn ăn uống gì”.
Đưa mắt nhìn hai con của mình, chị Giàng Thị Đấu (31 tuổi, mẹ Dương) áy náy: “Vẫn biết con nhỏ đến trường trong đêm tối là rất nguy hiểm nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên chúng tôi đành để các cháu lăn lộn khi tuổi còn quá nhỏ. Chặng đường quá khó khăn và vất vả không chỉ khiến các cháu mệt mỏi mà còn ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập. Không ít lần đi họp phụ huynh, tôi được nghe thầy giáo nói lại hai anh em Dương thường xuyên ngủ gật trong lớp. Nghĩ đến những đứa trẻ cùng trang lứa được gia đình đưa đi đón về, tôi lại càng thương các con mình nhiều hơn”.
Trao đổi về kết quả học tập của học sinh làng HMông trong tại trường, thầy Nguyễn Tấn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ thông tin: “Xuất phát từ vấn đề không chịu di cư ra khu tái định cư của người đồng bào tại làng HMông trong đã khiến cho việc học tập của con em họ gặp nhiều trở ngại. Đường rừng núi hẻo lánh nên hầu hết các em học sinh tại đây phải thức dậy từ rất sớm để đến trường. Đặc biệt, vào những ngày trời mưa thì việc đi lại của các em càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Thực tế này ảnh hưởng không ít đến kết quả học tập của các em. Thấu hiểu những thiệt thòi, vất vả ấy, trường chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để các em được đến trường. Trong năm 2016, trường đã huy động lượng sách vở trong thư viện và đóng góp của học sinh khá giả để mua sách cho học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn”.
Ông Thào Seo Chinh (1975, người đại diện cho hơn 100 hộ dân tại làng HMông trong) cho biết, trước đây, do điều kiện kinh tế quá khó khăn, các em học sinh phải lội bộ qua rừng đến trường. Từ năm 2008 đến nay, học sinh ở đây mới có xe đạp để đi. Điều khiến cho các bậc phụ huynh cũng như ông Chinh không khỏi lo lắng là chỉ vì quá mệt mỏi với con đường đến trường nên không ít học sinh tại làng HMông trong đòi bỏ học giữa chừng. “Nhiều em mới chỉ học hết lớp 1-2 đã nghỉ. Không chỉ vậy, do tất cả hộ dân trong làng đều không có hộ khẩu nên các cháu chỉ được học hết cấp 2. Vì thế, có nhiều cháu dù học rất giỏi nhưng nghĩ đến việc không được học tới cấp 3 thì nản chí. Bởi có cố gắng bao nhiêu đi nữa, các cháu cũng không được đi đến cuối con đường tìm chữ. Đáng buồn hơn cả, thực tế này đã diễn ra suốt 17 năm qua”, ông Chinh nói.
Về vấn đề này, ông Chinh và những người dân tại làng HMông trong không ít lần ý kiến lên các cơ quan chức năng. “Chúng tôi mong chính quyền quan tâm, hỗ trợ làm con đường để các cháu học sinh đến trường dễ dàng hơn, chứ không phải thức đêm, thức hôm như hiện nay. Hơn thế, chúng tôi tha thiết được các cơ quan chức năng xem xét, tạo điều kiện cấp hộ khẩu cho dân để các cháu tiếp tục theo đuổi con đường học tập và trở thành những người có ích cho xã hội, gia đình”.
Để làm rõ những thông tin phản ánh nói trên, P.V đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ea Kiết vào sáng 4-11. Ông Hiệp cho hay: “Năm 2006, UBND xã và người dân buôn HMông đã xây dựng 3 phòng học cho trẻ mẫu giáo, học sinh lớp 1-3. Với mong muốn ổn định cuộc sống cho người đồng bào buôn HMông, tạo điều kiện cho trẻ đến trường, năm 2010, chính quyền địa phương tiến hành di dân ra khu vực tái định cư cách trung tâm xã khoảng 4km. Tuy nhiên, chỉ có vài chục trong tổng số hơn 100 hộ dân tại buôn đồng ý chuyển ra. Số hộ còn lại dù đã được địa phương vận động nhiều lần vẫn không chịu chuyển ra khu vực dự án. Điều này gây khó khăn cho việc học tập của học sinh buôn HMông”.
Cũng theo ông Hiệp, theo quy định, nếu học sinh không có hộ khẩu thì sẽ không được học tiếp cấp 3. Liên quan đến vấn đề này, UBND xã đã nhiều lần kiến nghị báo cáo cho UBND huyện, tỉnh nhằm tìm ra giải pháp giúp các cháu có cơ hội tiếp tục học tập. Phía UBND xã sẵn sàng điều kiện và đã đề nghị với bà con làng HMông nếu con em họ có nguyện vọng học tiếp vào cấp 3 thì tìm một hộ bất kỳ nào trong xã để nhập khẩu cho các cháu. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có học sinh nào của buôn HMông học đến cấp 3 mà chỉ học hết cấp 2 là nghỉ.
Thơ Trịnh