Bangladesh sau thảm họa Rana Plaza

Thứ ba, 29/04/2014 10:14

(Cadn.com.vn) - Hơn 1 năm trước, hơn 1.000 người thiệt mạng khi nhà máy 9 tầng Rana Plaza ở Dhaka đột ngột đổ sập. Đó là một trong những ngày đen tối nhất lịch sử gần đây của Bangladesh. Đa số những người thiệt mạng hoặc bị thương là công nhân may mặc.

Họ chỉ chiếm một phần nhỏ trong hàng trăm ngàn người làm việc tại hàng trăm nhà máy rải rác xung quanh thủ đô Bangladesh. Thật không may, thảm họa Rana Plaza không phải là duy nhất. Chỉ 5 tháng trước đó, 117 công nhân thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại nhà máy sản xuất quần áo Tazreen ở ngoại ô Dhaka.

Lời hứa suông?

Thảm họa Rana Plaza tại quận Dhaka châm ngòi phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế về điều kiện làm việc mà hàng triệu công nhân Bangladesh phải chịu mỗi ngày.

Kết quả là, chính phủ Bangladesh, cùng với các tổ chức quốc tế và các nhà bán lẻ nước ngoài, cam kết sẽ bồi thường cho gia đình nạn nhân và cải thiện điều kiện làm việc tại các nhà máy trên cả nước. 1 năm trôi qua, những nỗ lực vẫn tiếp tục, các tiêu chuẩn lao động nghiêm ngặt hơn được đưa ra. Tuy nhiên, nhiều lời hứa vẫn chưa được thực hiện, tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

Sau khi bị chỉ trích về quyền lợi của người lao động, chính phủ Bangladesh đã sửa đổi Luật lao động. Theo đó, người lao động không cần phải có sự chấp thuận của người sử dụng lao động mới được thành lập tổ chức công đoàn, và mỗi nhà máy sản xuất phải cam kết chi 5% lợi nhuận cho quỹ phúc lợi của công nhân. Chính phủ cũng tăng mức lương tối thiểu từ 38USD lên 68USD/tháng. Tuy nhiên, đối với hàng ngàn gia đình bị ảnh hưởng bởi thảm họa năm 2013, họ không được bồi thường.

Najneen Akter Nazma và chồng, Jewel, làm việc cho 2 nhà máy may mặc khác nhau ở Rana Plaza. Khi toàn bộ tòa nhà sụp đổ, Nazma, người đang mang thai đứa con đầu tiên, được kéo ra khỏi đống đổ nát.

Nhưng Jewel không may mắn như vậy. Sự hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện giúp Nazma trả các hóa đơn y tế, trong khi khoản trợ cấp ít ỏi của chính phủ giúp cô trang trải chi phí cho tang lễ của chồng. Giờ đây, cô đang vật lộn để kiếm sống. "Tiền bồi thường à? Cái gì thế? Tôi chưa nhận được bất cứ khoản tiền nào như thế, thậm chí là cho sự ra đi của con trai tôi", cô nói.

Theo một khảo sát gần đây do tổ chức từ thiện ActionAid thực hiện, 74% trong số 1.436 người sống sót sau thảm họa cho biết vẫn điều trị thương tích. Một số không được nhận vào làm trong các nhà máy may mặc khác do các ông chủ sợ họ có thể tham gia vào các hoạt động biểu tình.

Bất đồng tiếp tục xảy ra giữa chính phủ, chủ sở hữu nhà máy và các nhà bán lẻ nước ngoài về việc ai phải chịu trách nhiệm bồi thường khiến việc giải quyết các khiếu nại bị chậm trễ. Theo ActionAid, chỉ có 3 triệu USD trong số quỹ 16 triệu USD của chính phủ đã được phân phát.

Người lao động Bangladesh biểu tình sau thảm họa Rana Plaza ngày 24-3-2013.

Biến cam kết thành hành động

Năm ngoái, 2 sáng kiến cải thiện điều kiện cho người lao động trong ngành công nghiệp may mặc 20 tỷ USD của Bangladesh được đưa ra. Hiệp ước Bangladesh về cháy nổ và an toàn Xây dựng là sáng kiến buộc các Cty phải ký kết nhằm thực hiện thanh tra các nhà máy may mặc cũng như đào tạo công nhân.  

Một số giải pháp đang được các nhà bán lẻ nước ngoài đưa ra như: cho phép các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước dễ dàng tiếp cận vốn vay, miễn thuế các doanh nghiệp giúp họ nâng cấp các nhà máy, bồi thường những tổn thất thu nhập cho công nhân...

Ngành công nghiệp dệt may là nguồn thu xuất khẩu lớn nhất của Bangladesh. Nhiều vấn đề an toàn lao động thường bị bỏ qua vì lợi ích thương mại. Sau vụ việc Rana Plaza, Thủ tướng Sheikh Hasin cho biết bà không lo lắng về ngành công nghiệp may mặc trong nước bởi các nhà đầu tư đã khai thác thị trường Bangladesh không chỉ vì công nhân chất lượng cao mà còn vì lao động giá rẻ tại đây.

Theo bà Kabir, cần có những nỗ lực phối hợp và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan - chính phủ, chủ sở hữu nhà máy sản xuất và nhà bán lẻ. "Nếu không, Rana Plaza sẽ bị lãng quên", bà nói.

An Bình (Theo CNN)