Bangladesh và bài báo thay đổi lịch sử

Thứ tư, 21/12/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Đã 40 năm trôi qua kể từ khi Bangladesh giành được độc lập. Nhưng không một người dân nào có thể quên những hành động trấn áp tàn bạo của quân đội Pakistan trong suốt giai đoạn xung đột đẫm máu tại đông Pakistan (Bangladesh ngày nay).

Bài báo lịch sử

Ngày 13-6-1971, một bài báo trên tờ Sunday Times của Anh đã phơi bày sự thật tàn bạo của cuộc đàn áp nổi dậy nhằm vào người Bangladesh ở đông Pakistan của chính quyền quân đội Pakistan. Ngay sau khi bài báo ra mắt, những người thân của phóng viên viết bài này đã phải ẩn náu. Và đó cũng là bước ngoặt thay đổi lịch sử Pakistan, Bangladesh ngày nay và cả quốc gia láng giềng Ấn Độ.

“Abdul Bari may mắn chạy thoát. Nhưng cũng giống như hàng ngàn người khác ở Đông Bengal, anh đã phạm sai lầm, một sai lầm chết người – đó là chạy trốn trong tầm tuần tra của quân đội Pakistan. Người thanh niên 24 tuổi, nhỏ người, bị bao quanh bởi những binh sĩ được trang bị vũ khí. Anh run lẩy bẩy, bị buộc phải quay lại và cấm di chuyển”, đó là những nội dung mở đầu bài báo trên – vốn được coi là tác phẩm báo chí nổi tiếng nhất đất nước Nam Á này trong 50 năm qua.

Tác giả bài viết là nhà báo người Pakistan, Anthony Mascarenhas. Khi cuộc chiến mà người ta vẫn gọi là cuộc chiến “Đông Pakistan” nổ ra năm 1971, Mascarenhas rất nổi tiếng ở Karachi, thành phố chính ở cánh tây đất nước. Ông là một thành viên của cộng đồng người Goan Christians, sống với vợ và 5 đứa con.

Bài báo phơi bày trần trụi chiến dịch thanh trừng đẫm máu của quân đội Pakistan ở đông Pakistan, lần đầu tiên đến với cả thế giới năm 1971. Bạo lực bắt nguồn từ cuộc bầu cử Quốc hội Pakistan vào năm 1970 sau khi đảng Awami do giáo chủ Mujibur Rahman, đại diện cho cộng đồng người Hồi giáo tại vùng lãnh thổ đông Pakistan giành thắng lợi. Tuy nhiên, Thủ tướng Pakistan khi đó, Zulfikar Ali Bhutto từ chối trao chiếc ghế thủ tướng lại cho Giáo chủ Rahman, đồng thời ra lệnh cho quân đội thẳng tay đàn áp những người Hồi giáo có thiện cảm với đảng Awami. Không ai biết chính xác có bao nhiêu người đã chết, nhưng chắc chắn con số này là rất lớn. Một cuộc điều tra độc lập cho rằng, khoảng 300.000-500.000 người đã chết. Chính quyền Bangladesh thậm chí cho rằng, con số người chết là 3 triệu.

 Bài báo rúng động thế giới về tình trạng bạo lực ở Pakistan ra ngày 13-6-1971 trên tờ Sunday Times của Anh. Ảnh: BBC

Nhưng cuối cùng, chiến dịch thất bại. Một nhà nước Bangladesh ra đời và hiện đang kỷ niệm 40 năm ngày quốc khánh. Trong khi đó, phiên tòa đầu tiên xét xử những tội phạm chiến tranh cũng đã bắt đầu ở Dhaka. Và có thể thấy rằng, bài báo của Mascarenhas đã góp phần không nhỏ giúp chấm dứt cuộc chiến này. Bài báo đã giúp cộng đồng quốc tế chống lại Pakistan và khuyến khích Ấn Độ đóng một vai trò quyết định hơn. Thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ Indira Gandhi đã nói với biên tập viên báo Sunday Times, Harold Evans rằng, bà thực sự rất sốc về những nội dung trong bài báo.

“Chính bài báo đã khiến bà Gandhi thiết lập một “chiến dịch ngoại giao tại các thủ đô Châu Âu và Moscow để đối phó với Pakistan”, ông Harold Evans nhớ lại.

“Ấn Độ” giúp sức

Nhà báo Anthony Mascarenhas sinh ra ở Goa, Pakistan, học tại Trường Đại học Karachi. Ông đã từng giành nhiều giải thưởng báo chí quốc tế và đặc biệt từng làm rúng động cộng đồng quốc tế khi đưa tin cho rằng, Pakistan có vũ khí hạt nhân.
Tình hình ở Pakistan trở nên bạo lực khi Liên đoàn Arab phát động chiến dịch “bất tuân”.

Những người ủng hộ đảng Awami tấn công những người không phải là tộc Bengali. Mọi việc trở nên tồi tệ khi tối 25-3-1971, quân đội Pakistan chiếm giữ thành phố Dhaka (thủ đô Bangladesh hiện nay) ở vùng lãnh thổ đông Pakistan, bắt giữ Giáo chủ Rahman và ra lệnh giải tán đảng Awami. Các đối thủ khác cũng bị tấn công trong đó có các đội ngũ trí thức và cộng đồng người Hindu – vốn chiếm 20% trong tổng số 75 triệu người ở đông Pakistan. Bản thân nội bộ quân đội Pakistan tỏ ra bất bình trước những hành động này và đến ngày 27-3-1971, Đại tá Ziaur Rahman quyết định ly khai khỏi quân đội Pakistan và tuyên bố sẽ thành lập quốc gia Bangladesh. Trong một hành động tội ác tàn bạo đầu tiên, các binh sĩ tấn công Đại học Dhaka và sau đó di chuyển vào vùng nông thôn, nơi họ chiến đấu với dân quân địa phương.

Trước thế tấn công đẫm máu của quân đội Pakistan, Ấn Độ và Liên Xô quyết định giúp  đỡ dân tộc Bangladesh. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Richard Nixon lại ủng hộ Pakistan khi quyết định tăng cường viện trợ quân sự cho nước này để giải quyết tình hình trong nước bằng vũ lực. Chính quyền của Thủ tướng Pakistan Bhutto, cảnh báo sẽ tấn công Ấn Độ. Dưới sự giúp sức của Mỹ cả về tài chính lẫn quân sự, ngày 3-12-1971, Pakistan tấn công Ấn Độ. Mumbai đánh trả quyết liệt. Mỹ lăm le tham chiến. Tuy nhiên, Liên Xô tuyên bố sẵn sàng giáng trả đích đáng nếu Mỹ can thiệp bằng quân sự vào cuộc chiến giữa Ấn Độ và Pakistan.

Tuy nhiên, đến ngày 16-12-1971, trước sức tấn công như vũ bão của Ấn Độ, quân đội Pakistan đầu hàng, dẫn đến việc thành lập Nhà nước Bangladesh ở phần lãnh thổ phía đông Pakistan.

Thanh Văn
(Theo BBC)