Bánh bèo của má!
Trong thời buổi ẩm thực nặng mùi hóa chất bảo quản thì quà nhà quê từ bánh trái rau quả còn giữ được sự nguyên vẹn đậm vị đồng quê. Những đòn bánh tét, bánh rò, bánh ít trong những dịp lễ tết, đến bánh ram, bánh tẻ giản dị chân quê cũng chỉ làm từ bột nếp bột gạo với nhân đậu xanh chỉ vậy thôi mà nhớ hoài cái hương vị mộc mạc chân phương ấy.
Quà quê có hương vị của thời gian, của đặc sản từng vùng miền. Quà quê đơn giản là cân nếp, cân đậu, nải chuối, trái bầu trái bí nhưng thấm đẫm tình người. Giữa phố thị hiện đại kiếm được món nhà quê không dễ, thế nhưng giữa dòng người tấp nập trong các ngôi chợ nhỏ những đứa con nhà quê vẫn tìm thấy tuổi thơ của mình. Thấy dáng mẹ qua cái nhìn u buồn của cô hàng rau, bên những gánh hàng nhỏ nép mình trong góc chợ. Đôi khi chợt thấy lại nhớ quê da diết.
Nơi đó tình yêu của cha mẹ của ông bà, quê cha đất tổ đã vun vén dạy cho những người con lớn khôn từng ngày. Tuổi thơ của những người con gắn với ruộng đồng cây cỏ và cả những lần thập thò ở đầu ngõ để chờ mẹ đi chợ về thưởng thức món quà quê. Những ký ức về quê hương, về mẹ về tuổi thơ vẫn miên man trong tâm trí bao người.
Bánh bèo là món ăn không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Như đã thường lệ buổi sáng, trưa chiều ta bắt gặp đâu đó ở góc phố đường làng, sạp chợ món bánh bèo để mọi người thưởng thức để ăn chơi hay dùng khi lỡ bữa. Loại bánh đầy hương vị quê hương vào các bữa ăn phụ không tốn tiền lắm đã có một dĩa bánh với hương vị thơm ngon khoái khẩu lót dạ.
Bánh bèo làm đơn giản, gạo ngâm rồi xay thành bột để có độ dẻo lỏng vừa phải. Đổ bột vào những chén nhỏ tạo thành những chiếc bánh xinh xinh rồi đem hấp cách thủy. Bánh chín khéo léo lấy bánh ra thêm một ít nhân, chan thêm nước mắm chua ngọt và thưởng thức.
Bánh bèo ngon là nhờ nước chan và nhân. Nước mắm có vị chua ngọt và thơm, tạo sự đậm đà khó quên. Nhiều người cho rằng thứ bột trăng trắng đó có gì ngon đâu mà ai cũng quan tâm thưởng thức. Bánh bèo hiện diện mọi nơi và đóng vai trò không nhỏ trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam.
Nhân bánh bèo được làm từ thịt ba chỉ và tôm là nguyên liệu chính. Thịt xay hoặc băm nhuyễn, tôm lột vỏ băm nhuyễn (nếu tôm đất nhỏ chỉ làm sạch để nguyên vỏ) rồi ướp với gia vị, có thêm dầu điều cho đẹp mắt. Khi làm nhân ăn bánh cho thêm một ít bột năng để có độ sệt sệt.
Những chén bánh bèo nóng hổi vừa ra khỏi lò liền được thoa vào bánh một lớp mỡ hành làm từ dầu phộng và thêm phần nhân tôm thịt hơi sệt vào chỗ xoáy sâu của chén bánh. Khi ăn không quên rắc thêm đậu phộng. Những chén bánh bèo bốc khói thơm ngon được dọn lên bàn, tôi và mấy đứa em cầm con dao bằng tre ấn vào từng chiếc bánh, xoay một vòng để bánh tróc ra khỏi chén rồi mới chan thêm nước mắm chua ngọt có điểm thêm vài lát ớt mà ăn ngon lành.
Những ngày mưa càng làm tôi nhớ da diết món ăn quê nhà. Thỉnh thoảng, tôi ghé quán để ăn những chiếc bánh bèo nhưng thực ra khẩu vị cũng không bằng món ăn ở quê nhà. Có lẽ, trong món bánh bèo quê tôi có cả tình quê hương, sự tận tụy của má, của bà mà thứ tình cảm đó không thể có được trong những chiếc bánh làm theo kiểu công nghiệp ở thành phố hoa lệ này.
Mỗi khi có bạn phương xa về, cũng vào mùa mưa, chúng tôi thường rủ nhau làm bánh bèo ăn cho đã thèm. Trong cái lạnh tê tái của những cơn mưa dai dẳng, chúng tôi quây quần bên nhau thưởng thức chén bánh bèo nóng hổi cùng hàn huyên tâm sự càng khiến cho không khí thêm đầm ấm bởi hương vị quê nhà.
Ngồi nhìn khói bốc lên từ chén bánh bèo lòng lại cồn cào nỗi nhớ. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, giờ tôi vẫn nhớ hoài chiếc đòn gánh mỏng manh cong vòng của má bán bánh bèo khắp đường quê. Nhớ tiếng rao lanh lảnh: Bánh bèo hông...b...è...o...h...ô...ng. Tay má thoăn thoắt xếp bánh vòng quanh dĩa, múc mỡ hành xoa đều mặt bánh, rắc bột tôm chấy kèm nhúm tóp mỡ béo ngậy, múc chén nước mắm đưa kèm mảnh tre già vót hình lưỡi dao để dích bánh, đúng kiểu ăn bánh bèo. Trời mưa rồi lại mong cuối tuần về thưởng thức chén bánh bèo nóng hổi của má.
Vị quê hương, vị tần tảo níu chân ta quay về!
Phạm Thị Mỹ Liên