Báo cáo bị rò rỉ và sự “điên rồ” trong chiến lược Trung Đông của Mỹ

Thứ bảy, 23/11/2019 14:03

Hàng trăm tài liệu tình báo của Iran đã bị rò rỉ và được đăng trên tờ New York Times và trang The Intercept  đã cho thấy sự “điên rồ”  trong chiến lược Trung Đông của Mỹ.

Trung Đông đang nổi sóng với các cuộc biểu tình ở Iraq, Iran, Lebanon. Trong ảnh: Người biểu tình đụng độ lực lượng an ninh tại thủ đô Baghdad, Iraq.

Nguồn gốc các tài liệu chắc chắn gây tò mò: đó là từ một nhân vật ở Iraq có quyền truy cập vào các báo cáo tình báo bí mật từ Bộ An ninh và Tình báo Iran (MOIS). Họ cho biết muốn “cho thế giới thấy điều mà Iran đang làm ở quê hương Iraq của họ”. Nhưng trớ trêu thay, các trích đoạn được công bố cho đến nay cho thấy “kẻ xấu” không phải là Iran mà chính là Mỹ. Những tiết lộ được công bố cho đến nay đều nêu bật các vấn đề do Washington gây ra trong việc theo đuổi chính sách Trung Đông: đó là một chính sách phá hoại và phản tác dụng, trước tiên tạo cơ hội cho Iran khẳng định lợi ích của mình ở Iraq và sau đó đổ tội cho Iran là nguồn bất ổn lớn nhất ở Trung Đông.

Iran có ảnh hưởng lớn ở Iraq

Các tài liệu tình báo cho thấy ảnh hưởng sâu sắc của Tehran với nước láng giềng Iraq – quốc gia hiện đang bị tê liệt bởi các cuộc biểu tình.

New York Times và The Intercept cho biết, họ đã thẩm tra khoảng 700 trang tài liệu báo cáo đã “cung cấp cái nhìn chi tiết và chính xác Tehran hung hăng như thế nào trong khi can thiệp vào công việc nội bộ của Iraq, và vai trò quan trọng của tướng Qasem Soleimani” - người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IGRC) - lực lượng tiên phong của Tehran ở Iraq và thường xuyên qua lại nước này trong thời gian bất ổn chính trị.

Các nguồn tin cho hay, giữa thời điểm xảy ra biểu tình kéo dài và nhiều thương vong nhất tại Iraq trong nhiều thập kỷ, ông Soleimani chủ trì các cuộc họp tại Baghdad và Najaf trong mấy tuần qua để thuyết phục các đảng phái chính trị sát cánh bên cạnh Thủ tướng Adel Abdel Mahdi. Thậm chí, Thủ tướng Abdel Mahdi được miêu tả là có một “mối quan hệ đặc biệt” với Tehran từ khi còn giữ chức bộ trưởng dầu mỏ của Iraq hồi năm 2014. Báo cáo cũng nêu đích danh các cựu Thủ tướng Haider al-Abadi và Ibrahim al-Jafari cũng như cựu Chủ tịch Quốc hội Salim al-Jabouri là các chính trị gia có liên hệ chặt chẽ với Iran.

New York Times lưu ý, MOIS được miêu tả trong các báo cáo là “kiên nhẫn, chuyên nghiệp và thực dụng”. Trọng tâm của họ là Iraq không sụp đổ và rơi vào chiến tranh giáo phái có thể khiến người Hồi giáo Shitte trở thành mục tiêu của bạo lực. Các báo cáo cũng mô tả các hành động của MOIS đối với nhóm cực đoan IS bao gồm các hoạt động tình báo (dẫn đến sự thâm nhập của nhóm lãnh đạo IS), cung cấp viện trợ bí mật cho kẻ thù của IS và các hoạt động để phá vỡ liên minh với các phe nổi dậy khác.

Nhờ Mỹ?

Theo báo cáo, Iran muốn phối hợp các hoạt động chống IS với Mỹ, nhưng đã thất vọng vì Washington từ chối. Một báo cáo lưu ý: “người Mỹ khăng khăng không hợp tác với Iran trong cuộc chiến chống IS và không tham gia các cuộc họp với 10 quốc gia trong khu vực”.

Các báo cáo cũng ghi nhận cảnh sát Iran đã nỗ lực lấp đầy khoảng trống sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq năm 2011. Sau khi rút quân, Washington chấm dứt mối quan hệ với hầu hết các nguồn tin tình báo ổn định ở Iraq. Và từ đó, vai trò của Iran càng được củng cố trên khắp Iraq. Bằng cách bước vào khoảng trống mà Mỹ để lại, Tehran thực sự đảm nhận vai trò bảo đảm an ninh quan trọng cho Baghdad. Theo ghi nhận của The Intercept, tài liệu mô tả sự thất bại của Mỹ ở Iraq, phá hủy Iraq và cuối cùng đã bỏ đi. Và Iran đã tận dụng được cơ hội này. Vấn đề đối với Mỹ trong bối cảnh này là các chính sách của chính quyền Donald Trump, vốn được cho là đóng vai trò trực tiếp trong việc trao quyền cho các nhân vật cứng rắn hơn ở Tehran.

Giới phân tích tự hỏi, tình hình an ninh ở Trung Đông sẽ như thế nào nếu Mỹ gạt sang một bên những khác biệt với Iran và tận dụng tốt hơn các cơ hội hợp tác, đặc biệt là trong các hoạt động nhắm vào IS. Cái bắt tay như vậy có thể đã tạo ra không gian để giải quyết một số vấn đề nhức nhối hơn phát sinh từ cả các hoạt động của Mỹ và Iran trong khu vực. Nó cũng sẽ trao quyền cho những nhân vật ôn hòa và cởi mở hơn ở Tehran. Và nhiều người hy vọng, việc công bố các báo cáo tình báo này sẽ thúc đẩy các giới chức ở Washington ra quyết định quan trọng phản ánh chiến lược mới tốt hơn của họ ở Trung Đông.

KHẢ ANH