Báo chí “chạy đua” với mạng xã hội

Thứ năm, 22/06/2023 21:38
Quá trình tác nghiệp, phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng may mắn nhận được nhiều lời động viên từ độc giả và đồng nghiệp. Ngay cả những sự việc nóng hổi dư luận đang rất quan tâm, lùng sục để thỏa mãn nhu cầu thông tin thì vẫn nhận được những câu nói kiểu “Chờ báo chí chính thống đưa thông tin thì mới tin được”, “Cứ chờ báo chí của ngành lên...”...
Thông tin vụ đánh nhau giữa 2 nhóm học sinh ở quận Hải Châu, tông một chiến sĩ Công an gãy chân là sai sự thật.
Phóng viên Truyền hình An ninh Công an TP Đà Nẵng trên đường tác nghiệp.

Thực tế đã có nhiều vụ việc “nóng” được mạng xã hội đưa tin không có kiểm chứng, không đúng sự thật hoặc chưa được phép cung cấp thông tin. Đơn cử như vụ 2 chiến sĩ Công an Q. Sơn Trà hy sinh tháng 4-2020. Chỉ vài giờ sau khi tin 2 cán bộ hy sinh, không rõ từ nguồn thông tin nào nhưng mạng xã hội xuất hiện các hình ảnh thanh thiếu niên nghi là nhóm “báo” đã gây ra tai nạn. Cộng đồng mạng “nhảy” vào chửi bới, danh tính của những người này cũng được các “thám tử mạng” điều tra, chỉ rõ tận nhà khiến cuộc sống người thân, gia đình bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi lực lượng Công an điều tra, làm rõ thì nhóm trên không liên quan đến vụ việc dù thời điểm trên có tụ tập, dàn hàng đi qua nhiều tuyến phố.

Mới đây nhất, các trang page facebook cũng một phen “việt vị” khi thông tin đã bắt được hung thủ gây ra vụ cướp ngân hàng tại đường Đống Đa, Q. Hải Châu vào trưa 20- 4-2023. Trong khi các phóng viên vẫn kiên trì chờ đợi thông tin từ cơ quan chức năng, một số người thạo tin đã đưa hình ảnh nghi phạm vào các hội nhóm làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động điều tra của lực lượng Công an. Khi phát hiện nguồn tin là sai, các facebooker đã nhanh nhảu xóa các bài đăng, ảnh. Tuy nhiên, không ít trang mạng đã lấy lại những thông tin chưa kiểm chứng này đăng tải lại.

Trong khi mạng xã hội là nơi phát tán thông tin chưa qua kiểm định, thì truyền thông chính thống phải có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp thông tin chuẩn xác tới công chúng. Báo chí phải tìm cách hợp tác với mạng xã hội trong khi vẫn thực hiện chức năng giám sát của mình, đồng thời chịu trách nhiệm xác thực thông tin, tránh bị mạng xã hội “dắt mũi”.

Thông tin vụ đánh nhau giữa 2 nhóm học sinh ở quận Hải Châu, tông một chiến sĩ Công an gãy chân là sai sự thật.

Đơn cử như vào trưa ngày 24-5-2022, mạng xã hội xôn xao thông tin 2 nhóm học sinh Trường THCS Sào Nam và Kim Đồng (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) tụ tập mang theo hung khí chuẩn bị đánh nhau. Khi thấy lực lượng Công an, nhóm này bỏ chạy và tông vào một cán bộ Công an làm gãy chân. Qua xác minh của phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật. Cụ thể, nhóm học sinh Trường THCS Sào Nam vừa dự lễ bế giảng xong thì tụ tập gần trường, một số em chưa đủ tuổi nhưng điều khiển xe gắn máy. Lúc này, một tổ công tác của Công an phường Phước Ninh đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, đảm bảo ANTT thì phát hiện nhóm học sinh nên kiểm tra. Thấy lực lượng tuần tra, nhóm học sinh này hoảng loạn bỏ chạy thì va chạm với một cán bộ Công an và ô-tô đang đậu bên lề đường. Theo Công an phường Phước Ninh, cú tông khiến cán bộ Công an chỉ bị thương phần mềm, không bị gãy chân như mạng xã hội đồn thổi.

Nếu như ưu thế của mạng xã hội là tin tức đưa đến người xem cực nhanh, thì báo chí chính thống chấp nhận chậm lại một chút, nhưng phải cung cấp được thông tin có chất lượng, chuẩn xác hơn hẳn so với mạng xã hội. Đầu tháng 4-2023, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) phát cảnh báo việc người lạ tới cổng trường báo tin “bố bị tai nạn” để dụ dỗ học sinh, thông tin này nhanh chóng nhận được sự quan tâm và chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Để xác minh sự thật, nhiều phóng viên báo, đài đã liên hệ cơ quan chức năng và được Công an phường Hòa Khánh Nam cho biết, hoàn toàn không có chuyện người lạ tới cổng trường báo tin cha mẹ bị tai nạn, phát bóng bay, dụ dỗ học sinh lên xe. Câu chuyện trên là do học sinh tự bịa ra để gia đình lo lắng và có thể đón em đúng giờ tan trường. Thông tin này sau đó được lan tỏa trên các mặt báo, góp phần ổn định dư luận, trấn an tinh thần cho phụ huỵnh và học sinh trên toàn địa bàn thành phố.

Dù có những lúc nguồn thông tin chưa đúng, song vẫn phải công nhận nguyên tắc “Win - Win” giữa báo chí và mạng xã hội. Quá trình hoạt động báo chí đang song hành và có sự tương tác mạnh mẽ với mạng xã hội, trong đó báo chí vừa cung cấp thông tin, đề tài cho mạng xã hội vừa thu nhận được từ đó nguồn tư liệu, nguồn gợi ý đề tài, nguồn đánh giá, thẩm định chất lượng thông tin.

VINH VĂN