Kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2014):

Báo chí Công an nhân dân góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội

Thứ bảy, 21/06/2014 10:47

(Cadn.com.vn) - Báo chí Công an nhân dân là một bộ phận quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam, do Đảng và Bác Hồ sáng lập, rèn luyện, đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân ta và sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của báo chí đối với công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy đảng, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để báo chí Công an nhân dân ngày càng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, xứng đáng với vai trò là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của lực lượng Công an nhân dân.

Báo chí  Công an nhân dân tiếp tục phát triển về số lượng, loại hình, ấn phẩm, đội ngũ cán bộ làm báo và số lượng độc giả; cơ sở vật chất – kỹ thuật, công nghệ được tăng cường; hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng tuyên truyền của Đảng, Nhà nước; của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an. Chủ động, tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh, trật tự; phản ánh sinh động, kịp thời công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; thực tiễn công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, nhất là cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Nét nổi bật là cùng với việc phát hiện, cổ vũ gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong lực lượng Công an nhân dân, báo chí còn coi trọng nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ thành quả cách mạng; phân tích, làm sáng rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; góp phần quan trọng phòng ngừa các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Gắn liền nhiệm vụ “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính, báo chí đã động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác, chiến đấu, phục vụ nhân dân; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Đặc biệt, trong điều kiện khoa học công nghệ, kỹ thuật và Internet phát triển mạnh mẽ, bên cạnh các loại hình báo chí truyền thống, báo chí Công an nhân dân đã mở thêm trang thông tin điện tử để đáp ứng yêu cầu thông tin ngày càng cao của độc giả trong nước và quốc tế.

Báo chí Công an nhân dân thực sự là phương tiện quan trọng giúp Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo các mặt công tác công an; là cầu nối giữa lực lượng Công an với các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự; là diễn đàn trao đổi, học tập, nâng cao trình độ về lý luận chính trị, nghiệp vụ, pháp luật của cán bộ, chiến sĩ. Để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao, đội ngũ cán bộ báo chí Công an nhân dân đã luôn nỗ lực phấn đấu, nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là nghiệp vụ báo chí; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức trong sáng của người làm báo cách mạng, xứng đáng là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng – văn hóa. Nhiều cán bộ, biên tập viên, phóng viên báo chí Công an nhân dân đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, bám sát thực tiễn chiến đấu, công tác bảo vệ an ninh, trật tự để viết nên những tác phẩm có giá trị, đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi báo chí, trong đó có các tác phẩm đạt giải cao trong Giải báo chí quốc gia hằng năm.

Bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, báo chí Công an nhân dân còn một số hạn chế, trong đó mảng đề tài đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn ít bài viết có tính lý luận, tính chiến đấu và tính thuyết phục cao; bài viết về gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến có chiều sâu,  có sức lan tỏa chưa nhiều; còn thiếu những bài viết sắc sảo, mang tính định hướng về các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm...

Trong thời gian tới, hòa bình, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng chiến tranh, xung đột dân tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố, tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, nhất là tình hình căng thẳng trên biển Đông, biển Hoa Đông tiếp tục diễn biến phức tạp; các mâu thuẫn lớn của thời đại và cuộc đấu tranh tư tưởng vẫn diễn ra gay gắt, quyết liệt, tác động trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước. Ở trong nước, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tiếp tục được đẩy mạnh; thế và lực, uy tín quốc tế của đất nước ta ngày càng nâng cao, tạo ra những thời cơ, thuận lợi mới, đồng thời cũng đặt ra những khó khăn, thách thức đan xen. Các thế lực thù địch, phản động ráo riết gia tăng hoạt động chống phá bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn, tìm cách thâm nhập, tác động vào nội bộ ta. Tác động  tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng bộc lộ rõ và gay gắt. Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn hiển hiện; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự xuống cấp các giá trị văn hóa, đạo đức và những bức xúc trong xã hội chưa được ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả.

Tình hình đó đặt ra cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của toàn lực lượng Công an nhân dân, trong đó có báo chí Công an nhân dân. Để tiếp tục hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao, báo chí Công an nhân dân cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương pháp; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Phải xác định rõ báo chí Công an nhân dân là bộ phận của báo chí cách mạng Việt Nam, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nội bộ; phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí; phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của lực lượng Công an nhân dân. Nội dung tuyên truyền phải phản ánh kịp thời, sâu sắc tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và các mặt hoạt động của lực lượng Công an nhân dân.

Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh, trật tự; bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Tích cực đi đầu trong cuộc đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, phản bác có hiệu quả các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng, tăng cường lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Chú trọng tuyên truyền phòng, chống các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", góp phần xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh; tham gia tích cực cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.

Báo chí Công an nhân dân cần bám sát hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an; phản ánh kịp thời và sâu sắc cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm đầy khó khăn, thử thách, những cống hiến, hy sinh, đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ công an và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân. Tăng cường tuyên truyền, cổ vũ, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự.

Tiếp tục chăm lo công tác xây dựng tổ chức đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất, xây dựng cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh. Cán bộ quản lý, biên tập viên, phóng viên báo chí Công an nhân dân cần thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, suy nghĩ, hành động theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá; cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút và trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”[1]; luôn vững vàng trước sự tấn công của các thế lực thù địch và các loại tội phạm; không “uốn cong ngòi bút” trước những cám dỗ tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, đồng thời đề cao tinh thần trách nhiệm, say mê, sáng tạo, nhạy bén trong công tác.

Quan tâm xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, cán bộ làm công tác nghiên cứu, có kinh nghiệm thực tiễn trong  và ngoài lực lượng Công an nhân dân để tăng cường những bài viết có chất lượng cao, phản ánh sinh động, sâu sắc thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng lực lượng Công an nhân dân đang rất sôi động hiện nay. Đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan báo chí trong và ngoài nước để tranh thủ sự giúp đỡ về nguồn lực, công nghệ và kỹ năng làm báo thời kỳ hội nhập quốc tế. Tăng thời lượng phát thanh, truyền hình, báo điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá về hình ảnh đất nước và người chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam đến nhân dân và bạn bè các nước trên thế giới.

Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các hoạt động xã hội từ thiện, nối nhịp cầu nhân ái giữa lực lượng Công an với nhân dân bằng những việc làm thiết thực, như xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng  Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc đối tượng chính sách, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổ chức khám chữa bệnh cho người nghèo, đồng bào vùng kháng chiến cũ, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... Kịp thời thông tin đến bạn đọc cả nước về những thiệt hại do thiên tai, bão lụt gây ra; biểu dương những gương sáng trong việc cứu người, cứu tài sản, cứu trợ đồng bào bị nạn, giúp nhân dân khắc phục thiên tai, bão lụt.

Nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2014), lực lượng Công an nhân dân trân trọng cảm ơn sự  quan tâm, giúp đỡ tích cực, có hiệu quả của đội ngũ những người làm báo Việt Nam đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự nói chung, báo chí Công an nhân dân nói riêng; tin tưởng sâu sắc báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục đổi mới, xứng đáng là vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Đại tướng Trần Đại Quang
 
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

 

 

 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội .2009, tr, 558.