Báo chí luôn đồng hành cùng Đà Nẵng trên chặng đường phát triển

Thứ ba, 07/07/2020 16:00

Ông Lê Trung Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, trong sự phát triển của thành phố, báo chí đã có sự đồng hành tích cực và trở thành một kênh thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành của chính quyền. Không chỉ khen ngợi, cổ vũ, đội ngũ người làm báo cũng góp tiếng nói phản biện, phân tích để những chủ trương, chính sách, quyết sách của thành phố đi vào đời sống một cách phù hợp, hiệu quả, góp phần ngày một nâng cao chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân thành phố.

Ông Lê Trung Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy,  Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

P.V: Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của báo chí trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong những năm qua?

Phó Chủ tịch LÊ TRUNG CHINH: Sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là một trung tâm báo chí lớn của cả nước. Điều này cũng dễ hiểu vì thành phố trong những năm gần đây đã từng bước thể hiện được vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, là điểm đến du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vượt ra tầm khu vực. Đà Nẵng hiện có 5 cơ quan báo chí địa phương, 114 văn phòng đại diện, thường trú của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác. Về con người, hiện có gần 900 phóng viên, nhà báo và những người liên quan đến hoạt động báo chí đang làm việc trên địa bàn.

Những năm qua, cụm từ "Đà Nẵng" đã trở thành một từ khóa được nhắc tới với tần suất rất lớn. Thành phố trở thành tâm điểm chú ý cả trên mạng xã hội, báo chí trong và ngoài nước. Đây không chỉ là điểm đến mới nổi trên bản đồ du lịch thế giới mà còn trở thành miền đất mà nhiều người muốn khám phá, muốn tìm hiểu và trải nghiệm. Và vì thế cũng tạo nên hấp lực với báo chí?

P.V: Vì sao Đà Nẵng hấp dẫn với báo chí như vậy?

Phó Chủ tịch LÊ TRUNG CHINH: Tôi nghĩ lý do đầu tiên nằm ở vị thế, tiềm lực của thành phố. Với sự tích lũy, những bước đi đột phá, vững chắc, Đà Nẵng đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nhiều cơ quan báo chí cũng chọn Đà Nẵng để đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú do thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông, dễ dàng di chuyển khi tác nghiệp tại các tỉnh thành trong khu vực.

Lý do để Đà Nẵng trở nên hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhà báo còn nằm ở chỗ thành phố được xem là năng động, có nhiều chính sách đột phá và bước đầu có những thành công nhất định về mọi mặt. Những chủ trương, chính sách mang tính tiên phong, đặc trưng, hướng tới cuộc sống người dân đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng rất lớn. Các chương trình "thành phố 5 không, 3 có", "thành phố 4 an", "thành phố môi trường" là những mục tiêu rất hấp dẫn trong tiến trình phát triển. Đó cũng là những đề tài không bao giờ cạn đối với báo chí. Sức mạnh phát triển của Đà Nẵng là "Đảng nói dân tin, Mặt trận vận động dân nghe, chính quyền làm dân ủng hộ". Sự đồng thuận đó khiến báo chí có nhiều câu chuyện để khai thác, phản ánh, và nó luôn hấp dẫn bạn đọc.

Khu đô thị ven biển Sơn Trà (Đà Nẵng).

P.V: Sự vào cuộc mạnh mẽ, sự quan tâm của báo chí như vậy Đà Nẵng được lợi gì?

Phó Chủ tịch LÊ TRUNG CHINH: Lãnh đạo chính quyền thành phố luôn cho rằng, càng tương tác với báo chí thì Đà Nẵng càng có lợi thế.

Đồng thuận là cụm từ được nhắc tới khá nhiều khi nói về Đà Nẵng. Báo chí với nhiệm vụ phản ánh hơi thở cuộc sống, đã truyền tải những thông điệp tích cực, lan tỏa cái hay, cái đẹp để cổ vũ đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Có thời kỳ thành phố như một đại công trường, hàng chục ngàn hộ dân chấp nhận hiến đất, bàn giao đất để làm đường, xây cầu, mở trường học, kiến tạo thành phố. Đó là câu chuyện tiêu biểu nhất của sự đồng thuận.

Trong quá trình kiến tạo, xây dựng, Đà Nẵng cũng gặp những khó khăn trong đề ra và thực hiện các chủ trương, chính sách. Báo chí cũng đã có những phản ánh, phản biện, phân tích xác đáng. Thành phố chọn lọc, tiếp thu và có những điều chỉnh khoa học, phù hợp với thực tiễn.

Tiếp đó, báo chí cũng đã góp phần giám sát hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực hiện của các cơ quan nhà nước. Từ đây chính quyền vừa có thông tin nhanh, kịp thời để xử lý, vừa phải nỗ lực hơn trong thực thi công vụ để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Cuối cùng là truyền thông hình ảnh. Có thể nói sự quan tâm của báo chí trong những năm qua đã tạo thêm nhiều động lực cho sự phát triển của Đà Nẵng. Truyền thông chính là con đường ngắn nhất đưa Đà Nẵng đi khắp năm châu. Với việc xuất hiện thường xuyên, liên tục trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, Đà Nẵng được biết đến là "Thành phố sự kiện", "Thành phố du lịch", "Thành phố môi trường", "Điểm đến mới nổi". Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến thành phố không ngừng tăng lên. Đà Nẵng cũng đủ uy tín để đứng ra đăng cai tổ chức các sự kiện kinh tế - chính trị, văn hóa - thể thao như Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Đại hội thể thao bãi biển Châu Á, Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới, Lễ hội pháo hoa quốc tế...

Đà Nẵng - thành phố đầu biển cuối sông.

P.V: Ông mong muốn gì ở đội ngũ những người làm báo trên địa bàn thành phố?

Phó Chủ tịch LÊ TRUNG CHINH: Chính quyền mong muốn tương tác nhiều hơn với báo chí, coi đó là động lực thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên trong một số vấn đề vẫn không tránh khỏi việc phản ứng, phản hồi chậm so với kỳ vọng, mong muốn của những người làm báo. Thậm chí trong bộ máy chính quyền, lãnh đạo một số sở ngành, quận huyện vẫn còn ngại tiếp xúc, ngại phát ngôn cho các cơ quan báo chí. Việc đưa ra thông tin minh bạch, kịp thời trong các sự việc được quan tâm là rất cần thiết. Lãnh đạo thành phố luôn nhận thấy điều này và chắc chắn sẽ cải thiện trong thời gian tới. Vì điều này là có lợi cho cái chung.

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc cung cấp, phản hồi, phản biện thông tin, Đà Nẵng đã thành lập Tổ công tác thông tin báo chí. Trong những năm qua, hoạt động của Tổ Công tác đã trở thành cầu nối, tương tác giữa chính quyền thành phố và đội ngũ những người làm báo. Những câu hỏi, các vấn đề mà phóng viên quan tâm được đơn vị này tiếp nhận và chuyển cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện phản hồi và cung cấp thông tin. Trung bình mỗi năm, Tổ Công tác thông tin báo chí và các cơ quan, đơn vị cung cấp cho báo chí khoảng 1.000 lượt thông tin chính thức. Khi cần thiết, thành phố, các sở ngành sẽ tổ chức họp báo để cùng phóng viên, đại diện các cơ quan báo chí trao đổi trực tiếp, cung cấp thông tin làm sáng tỏ các vấn đề được quan tâm.

Tôi mong đội ngũ những người làm báo tiếp tục đồng hành cùng đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố bằng tình cảm, trách nhiệm như từ trước đến nay. Mong báo chí luôn là cầu nối quan trọng trong việc phản ánh ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, đồng thời cũng đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Chúng tôi luôn cầu thị, sẵn sàng lắng nghe, giải đáp thông tin và tạo môi trường thuận lợi nhất để nhà báo tác nghiệp. Chúng ta cùng hợp tác, đồng hành vì sự phát triển của Đà Nẵng.

P.V: Xin cảm ơn ông!

CÔNG KHANH
(thực hiện)