Bảo đảm nguồn cung hàng Tết

Thứ bảy, 02/01/2016 11:34

(Cadn.com.vn) - Đó là nhận định của ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng khi trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng về kế hoạch dự trữ, bình ổn hàng hóa trong mùa mua sắm Tết Nguyên đán 2016.

P.V: Ông đánh giá như thế nào về nguồn cung hàng hóa trong dịp Tết Bính Thân 2016?

Ông Phan Văn Kha: Nhìn chung, tình hình thị trường tháng cuối 12-2015 và những ngày đầu năm 2016 khá ổn định, chưa có nhiều biến động. Cho đến thời điểm này, tình hình thời tiết vẫn diễn ra tương đối thuận lợi nên nguồn cung lương thực, thực phẩm, rau, quả phong phú đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng nên dự báo nguồn cung trong dịp Tết sẽ tương đối ổn định.

Bên cạnh đó, việc một số Hiệp định thương mại tự do vừa được thông qua, ký kết (như FTA của Việt Nam với Hàn Quốc, FTA của Việt Nam với EU, TPP...) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN dự kiến được thành lập trong vài ngày nữa, đang tạo hiệu ứng tích cực vào tình hình cung - cầu hàng hóa trên thị trường. Việc luân chuyển hàng hóa thuận lợi đồng thời các dòng thuế quan sẽ giảm dần về 0% tạo điều kiện cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và thực phẩm, bao gồm các sản phẩm chăn nuôi từ các nước nhập khẩu vào thị trường Việt Nam với nhiều chủng loại, chất lượng, giá cả cạnh tranh.

Hơn nữa, mạng lưới bán lẻ như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh, thu hút sự đầu tư của cả các tập đoàn trong nước lẫn nước ngoài, đặc biệt được bố trí tại các khu dân cư mới của hệ thống Vinmart, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân. Nguồn cung hàng hóa dồi dào với giá cả phải chăng, dễ dàng đến tận tay người tiêu dùng dự báo thị trường Tết năm 2016 sẽ không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, giá cả sẽ không biến động nhiều.

Ông Phan Văn Kha

P.V: Kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán hiện nay như thế nào thưa ông?

Ông Phan Văn Kha: Dự báo năm nay sức mua trong dịp Tết sẽ tăng khoảng 10 đến 15% so với năm trước. Để tránh tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, UBND TP đã yêu cầu Sở Công Thương có kế hoạch chuẩn bị hàng Tết, làm việc với một số DN, nhà cung cấp lớn trên địa bàn chủ động điều hành sản xuất, kinh doanh phù hợp diễn biến thị trường, tránh hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, gây ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng.

Về mặt hàng gạo, UBND TP Đà Nẵng đã có chủ trương giao Cục Dự trữ nhà nước khu vực Đà Nẵng dự trữ 1.000 tấn gạo, trị giá 12 tỷ đồng để điều phối thị trường khi cần thiết. Công ty Lương thực Đà Nẵng cũng đã chủ động có kế hoạch dự trữ 400 tấn gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán 2016. Đối với các mặt hàng thiết yếu khác thì có 11 DN lớn trên địa bàn (như Cty Đắc Vinh, BigC, Co.opMart, Vincom, Metro, Vissan, Lotte,...) tham gia dự trữ đạt gần 192  tỷ đồng, trong đó gồm các mặt hàng như thịt các loại, mì ăn liền, đồ hộp, dầu ăn, mì chính, hạt dưa, bánh kẹo các loại... Ngoài ra, thương nhân kinh doanh tại 8 chợ loại 1 trên địa bàn thành phố cũng chuẩn bị lượng hàng phục vụ Tết ước khoảng 500 tỉ đồng. UBND TP cũng đồng ý hỗ trợ  kinh phí tuyên truyền, kinh phí phục vụ bán hàng và vận chuyển hàng hóa lên miền núi, về nông thôn, các khu công nghiệp các DN tham gia bình ổn hàng Tết.

Ngoài ra, Sở Công Thương TP Đà Nẵng đã triển khai chương trình bình ổn thị trường, trong đó không sử dụng ngân sách hỗ trợ vốn vay cho DN với lãi suất 0% như trước đây mà thay thế bằng Chương trình kết nối các DN với các ngân hàng trên địa bàn thành phố với lãi suất ưu đãi dưới 5%/năm. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - CN Đà Nẵng để kết nối các Chi nhánh tổ chức tín dụng tham gia tài trợ vốn và các DN tham gia chương trình bình ổn giá có nhu cầu vay vốn. Sở cũng sẵn sàng tư vấn hỗ trợ các DN chủ động làm thủ tục vay, đảm bảo DN có đủ nguồn vốn dự trữ hàng hóa phục vụ thị trường Tết.

Nhìn chung, hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán 2016 là khá đa dạng, phong phú về chủng loại, khi nhu cầu tăng, DN sẽ chủ động điều động bổ sung và cam kết đảm bảo đủ nguồn hàng để phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố.

P.V: Thông thường, vào những ngày cao điểm, một số đơn vị cố tình ghim hàng, tạo sự khan hiếm ảo gây sốt giá nhằm trục lợi. Vậy, ông có thể cho biết biện pháp để ngăn chặn kịp thời tình trạng này?

Ông Phan Văn Kha: Đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành Công Thương trong thời gian tới. Sở Công Thương đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp trên tinh thần đặc biệt coi trọng lợi ích người tiêu dùng. Trong đó, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng Công an, Tài chính, Y tế tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, thanh tra, kiểm tra tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xử phạt nghiêm các hiện tượng đầu cơ, tích trữ hàng hóa, thổi giá nhằm trục lợi bất hợp pháp. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng thành lập đoàn vận động, yêu cầu tiểu thương không đầu cơ, găm hàng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về giá, công tác phòng chống cháy nổ tại các điểm bán hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân mua sắm hàng hóa trong dịp Tết.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Xuân Đương
(thực hiện)