Bảo đảm quy mô dân số Đà Nẵng không quá 1,4 triệu người vào năm 2020

Thứ hai, 19/12/2016 08:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 18-12, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng tổ chức mít-tinh Kỷ niệm 55 năm Ngày Dân số Việt Nam (26-12-1961 - 26-12-2016) và hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2016, phát động Chiến dịch truyền thông đợt 1 năm 2017. Đến dự có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) Hồ Chí Hùng, đại diện ngành Y tế - dân số Đà Nẵng cùng hàng trăm đại biểu đến từ các ban, ngành, đoàn thể và UBND các quận, huyện, phường xã...

Diễu hành Kỷ niệm 55 năm Ngày Dân số Việt Nam.   

Tuổi thọ bình quân của người dân Đà Nẵng là 75,6 tuổi

Phát biểu tại buổi lễ,  Bs.Ck 2 Nguyễn Út - Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng nhấn mạnh, 55 năm qua là quá trình phấn đấu gian khổ và bền bỉ của nhân dân ta trong lĩnh vực DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước. Chúng ta vô cùng tự hào về những thành tựu quan trọng của công tác DS-KHHGĐ. Có thể nói, đây thực sự là một cuộc cách mạng trong sinh đẻ: từ việc sinh đẻ mang tính tự nhiên, bản năng sang việc sinh đẻ mang tính chủ động, có kế hoạch và từ việc sinh nhiều con, chất lượng thấp sang việc sinh ít con, chất lượng ngày càng cao. Từ một đất nước có mức sinh rất cao, với số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,81 con vào năm 1965 đã giảm xuống 2,1 con vào năm 2005 (đạt mục tiêu duy trì mức sinh thay thế) và duy trì bền vững trong 10 năm qua. Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,5% năm 1960 xuống còn 1,07% năm 2015. Bs Nguyễn Út khẳng định: “Những thành tựu của công tác DS-KHHGĐ đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và  góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Đồng thời, nó đã góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước...”.

Theo Bs.Ck 2 Nguyễn Út, ngày 1-1-1997, dân số TP Đà Nẵng là 664.823 người. Trước những thách thức của chương trình dân số như trên, thành phố đã có nhiều nỗ lực nhằm đáp ứng những yêu cầu về dân số của một thành phố trực thuộc trung ương. Từ năm 2009 đến nay, Đà Nẵng đã và đang duy trì mức sinh thay thế (số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ khoảng 2,06 con năm 2016). Số phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên từ 12,24% năm 2001 giảm xuống còn 5,49 năm 2016. Tỷ lệ tăng dân số duy trì ở mức 1,1-1,3% trong 10 năm qua. Duy trì kiểm soát tỉ số giới tính khi sinh < 110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Đồng thời, chất lượng dân số từng bước được cải thiện rõ rệt: tuổi thọ bình quân của người dân là 75,6 tuổi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi là 17,9% năm 2005, giảm xuống còn < 5,2% năm 2015, tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi từ 13,2‰ năm 2005 giảm còn < 3,84‰ năm 2015. Ngoài ra, tỷ suất chết mẹ có mức giảm khá lớn, từ 31,61/100.000 ca sinh năm 2005, đến năm 2008 chỉ còn ở mức 7,43/100.000 ca sinh, từ năm 2009 đến nay không có trường hợp chết mẹ do thai sản. Tỷ lệ phụ nữ mang thai tham gia sàng lọc trước sinh đạt 5,7% năm 2012 nay đã tăng lên trên 33% năm 2016 và tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 5,7% năm 2011 nay đã đạt trên 43,5% năm 2016…

Tỷ lệ nhập cư vào Đà Nẵng ngày càng gia tăng Tuy nhiên, theo Bs.Ck2 Nguyễn Út, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác DS-KHHGĐ của TP cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ đó là một số cấp ủy Đảng, chính quyền và một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng việc thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Quy mô dân số giữa các quận, huyện còn chênh lệch và mật độ dân cư một số phường thuộc quận trung tâm thành phố còn cao. Tỷ lệ nhập cư ngày càng gia tăng và một số chỉ tiêu thiên niên kỷ về dân số, y tế và xã hội chưa đạt như mong muốn...Trước thực trạng đó, Bs.Ck 2 Nguyễn Út yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố cần tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm tử vong, tăng tuổi thọ và số năm trung bình sống khỏe mạnh; thực hiện tốt các chương trình, biện pháp để nâng cao tầm vóc, thể lực người dân. Đồng thời, duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý. Tập trung chỉ đạo để giảm sinh ở những địa phương có mức sinh còn cao, thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp; bảo đảm quy mô dân số không quá 1,4  triệu người vào năm 2020 và tạo cơ sở vững chắc để tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 2 triệu người từ giữa thế kỷ XXI…  Tăng cường đầu tư nguồn lực của địa phương cho lĩnh vực dân số và phát triển. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ đầu tư cho dân số và phát triển. Đặc biệt, chuyển trọng tâm chính sách DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số (duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số, điều chỉnh phân bổ dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số) bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững...

Lê Hùng