“Báo đen” kể chuyện

Thứ sáu, 31/03/2017 07:34

* Kỳ 1: Truy tìm biệt danh “báo đen”

(Cadn.com.vn) - Dịp kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng Hội An (28-3-1975 - 28-3-2017), tôi được Ban liên lạc Đội biệt động thành Hội An mời dự lễ kỷ niệm 53 năm ngày thành lập Đội (1964-2017). Đặc biệt, tôi may mắn gặp người chỉ huy biệt động thành Hội An năm xưa, người mang biệt danh “Báo đen” mà bộ máy đặc vụ Mỹ- ngụy truy lùng suốt một thời gian dài mà không tìm ra dấu vết.

Ông Đinh Văn Lời và ông Phan Công Đủ- cùng tham gia Đội biệt động Hội An, cùng bị bắt đày ra Côn Đảo năm 1968. 

Ông là Đinh Văn Lời- nguyên Đội trưởng Biệt động thành Hội An năm xưa. Trong câu chuyện cùng tôi mừng ngày quê hương giải phóng, ông bắt đầu bằng lối kể chuyện mộc mạc: “Tôi tên thật là Đinh Quốc Thắng, năm 1968, mới 17 tuổi tôi đã vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam…”.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, trên quê hương Nam Ngạn, Cẩm Nam (Hội An), năm 1964,  cậu thiếu niên Lời đã tham gia, làm Đội trưởng Đội thiếu niên tiền phong và làm liên lạc cho đồng chí Nguyễn Bằng- Thị ủy viên thị xã Hội An lúc ấy. Vốn là một thiếu niên lanh lợi, gan dạ, Lời được tổ chức bố trí vào nội thành Hội An làm công nhân ở trại mộc ông Nguyễn Một, ở nhà số 55-Phan Châu Trinh và 28-Lê Lợi (nay là hiệu vải Thông Phi).

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trương Minh Lượng- Phó Bí thư Thị ủy Hội An, Lời nhận nhiệm vụ cùng đồng chí Nguyễn Khương tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, tổ chức, kết nạp nhiều anh chị em công nhân, thợ thuyền, làm thuê gánh mướn ở Hội An tham gia vào tổ chức vũ trang cách mạng lấy tên “Đội tuyên truyền, giải phóng Hội An”. Đến năm 1967, đã có hơn 50 đồng chí, 9 cơ sở tham gia vào tổ chức cách mạng này, hoạt động trong lòng phố cổ Hội An. Đầu năm 1966, đội vũ trang tuyên  truyền đổi tên thành “Đội biệt động Hội An”, lúc đầu do đồng chí Nguyễn Khương làm đội trưởng, tháng 5-1967, đồng chí Nguyễn Khương bị bắt đi lính, rồi thoát ly về quân báo thị đội và hy sinh, Lời được chỉ định làm Đội trưởng Đội biệt động Hội An.

Ngay từ khi mới thành lập, đội biệt động làm nòng cốt, huy động hàng trăm thanh thiếu niên và đoàn sinh phật tử, tổ chức nhiều đội thanh niên quyết tử tấn công và tiêu diệt bọn ác ôn, Quốc dân đảng trong nội thành, vận động và kêu gọi sĩ quan, binh lính địch cùng đông đảo đồng bào xuống đường biểu tình, đấu tranh với Mỹ- ngụy, nhiều trận đánh vang dội đã diễn ra giữa nội thành Hội An... Tháng 2-1967, một tổ biệt động do trực tiếp Lời chỉ huy, đặt mìn tự chế vào đội chiếu phim lưu động của địch, phá hủy 2 xe quân sự, 1 xe chở máy phát điện, 1 xe chở thiết bị máy chiếu phim.

Tháng 5-1967, 3 chiến sĩ biệt động đột nhập vào trung tâm tình báo Mỹ, đặt mìn tự tạo diệt 2 tên tình báo Mỹ, làm 5 tên khác bị thương. Tháng 7-1967, biệt động thành tập kích bằng lựu đạn vào Ty Kiến thiết, Ty Điền địa và đồn quân cảnh tư pháp, diệt 15 tên địch và làm hàng chục tên khác bị thương... trong đó có 3 tên ác ôn là cảnh sát đặc biệt và quân cảnh. Đêm 14-7-1967, biệt động Hội An cải trang thành lính ngụy Trung đoàn 51, phối hợp với Tiểu đội đặc công của Tiểu đoàn 2, tỉnh đội Quảng Đà tập kích chớp nhoáng, táo bạo, bất ngờ giải cứu thành công 1.358 tù nhân tại Nhà lao Hội An, tiêu diệt một trung đội bảo an và cai ngục, trong đó có tên thiếu tá Phạm Đình Long- Giám thị trường Nhà lao Hội An...

Tháng 5 và tháng 9-1967, biệt động Hội An phối hợp Tỉnh đội Quảng Đà tấn công doanh trại công binh ngụy ngay giữa Hội An, diệt gần 100 tên địch,  đốt cháy 2 kho xăng dầu.  Tháng 9-1967, biệt động mai phục giữa khu phố cổ, ném lựu đạn diệt 12 tên địch, phá hủy 1 xe quân sự, hai xe bọc thép. Đêm giao thừa Mậu Thân 1968, biệt động Hội An cải trang thành cảnh sát dã chiến ngụy, tấn công vào các cơ quan đầu não của địch ở Hội An, diệt hàng chục tên ác ôn, phá hủy 3 xe jeep. Đêm mồng 4 tết Mậu Thân, tập kích lựu đạn vào nhà các tên ác ôn Nguyễn Trinh- thiếu úy cảnh sát, đại úy Tôn Thất Trực-Tiểu đoàn trưởng Biệt động quân, thiếu tá Trần Vĩnh, phi công lái máy bay, phá hủy 1 xe jeep. Đêm mồng 7 tháng giêng năm 1967, đột nhập đặt mìn hẹn giờ  vào trụ sở Thanh niên đoàn Quốc dân Đảng,  dùng lựu đạn tiêu diệt 17 tên ác ôn..

Nhưng trận đánh xuất quỷ, nhập thần, liên tiếp… của Biệt động thành Hội An  khiến địch mất ăn mất ngủ. Lực lượng an ninh, tình báo, gián điệp, phượng hoàng của địch đã lập hẳn một bộ hồ sơ ghi rõ: “Đã phát hiện những phần tử đột nhập như những “bóng ma”, “lúc ẩn lúc hiện”, trên các đường phố, kiệt, hẻm vào ban đêm. Những bóng ma này như những con “báo đen” tìm diệt các cán binh Việt Nam Cộng hòa... Trung tá Lê Trí Tín- Tỉnh trưởng Quảng Nam nhiều lần chỉ thị cơ quan an ninh, hoạt động ráo riết cả ngày lẫn đêm, mở nhiều chiến dịch, truy “tìm súng giặc”, “đặc công ám sát”, “đặc công Việt cộng”, đặc biệt truy tìm dấu vết “báo đen”, nhưng đều bất lực, bọn địch đã từng tuyên bố “tìm ma còn dễ hơn tìm Việt cộng”.

Đinh Văn Lời khi bị địch bắt 1968.

Với những trận đánh vang dội, thanh thế của Biệt động thành Hội An càng thêm uy lực, đặc biệt tháng 5-1967, Đội trưởng biệt động thành Hội An Đinh Văn Lời đã vinh dự được ra Hà Nội báo cáo thành tích với Bác Hồ.

Địch càng điên cuồng vây ráp, hòng bắt bằng được các chiến sĩ biệt động, trận đánh ác liệt nhất diễn ra từ ngày 4 đến 5-5-1968, khi đội biệt động phối hợp với tiểu đội trinh sát thị đội tấn công vào Trung tâm dân ý vụ (CIA), bị địch phát hiện. Chúng triển khai nhiều lực lượng bao vây khắp nơi, tấn công  nhiều đợt vào lực lượng của ta, Đội trưởng Đinh Văn Lời chỉ huy một tổ biệt động tấn công nhằm giải vây cho các đồng chí của ta đang bị bao vây tại chùa Lễ Nghĩa. Cuộc chiến đấu không cân sức, ta đã tiêu diệt hơn 100 tên địch, trong đó có tên thiếu tá Phạm Phước Kiến- Phó ty cảnh sát, Nguyễn Minh Quy-Trưởng Trung tâm tình báo CIA, La Ngọc Anh- Đoàn trưởng nhân dân tự vệ. Nhưng phía ta, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, địch dồn lực lượng bao vây, Đội trưởng Đinh Văn Lời cùng nhiều đồng chí khác đã bị địch bắt.

Trên đường phố Hội An, băng rôn khẩu hiệu treo đầy đường, đài phát thanh Quảng Nam, Sài Gòn liên tục đưa tin: “Quân lực Việt Nam Cộng hòa và lực lượng cảnh sát quốc gia khám phá và bắt được cơ sở đặc công Việt cộng nằm vùng” do tên Đinh Văn Lời cầm đầu tại Hội An…  Nhưng chúng vẫn hậm hực vì chưa xác định rõ “báo đen” đích thực là ai.

(còn nữa)

Trung Thành