Bão dịch sẽ qua, tình người thắm lại!

Thứ năm, 02/04/2020 11:19

Đà Nẵng từ lâu được mệnh danh là "Thành phố đáng sống" thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, thưởng lãm. Đáng sống ở đây không chỉ là không gian sống mà còn bao trùm cả tình người, sự thân thiện, mến khách, thẳng thắn trong tính cách của người Đà Nẵng. Trong đại dịch Covid-19, Đà Nẵng trở thành điểm sáng về tình người, sức mạnh cộng đồng được kết nối bền chặt, chung sức cùng nhau vượt qua bão dịch.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc CATP Đà Nẵng trong một lần thăm, động viên các chốt phòng chống dịch Covid-19.  Ảnh: L.H

Huy động tổng lực đẩy lùi dịch bệnh

Ngay từ khi Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), TP Đà Nẵng đã khẩn trương đề ra nhiều phương án kiểm soát người từ vùng dịch, đưa ra những quyết định quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan... Cùng với đó, thành phố quyết định đầu tư 20 tỷ đồng để mua các trang thiết bị, máy móc y tế phục vụ cho công tác chống dịch.

Tại cuộc họp chỉ đạo với các ban ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề nghị: "Sở ban ngành, địa phương luôn trong tinh thần sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi để cùng tham gia vào công tác phòng dịch". Để kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, Đà Nẵng đã nhanh chóng rà soát du khách nước ngoài đến từ vùng dịch. Trong khoảng thời gian xuất hiện điểm dịch ở Hàn Quốc, mặc dù chưa có quyết định của Chính phủ về việc cách ly các du khách từ tâm dịch nhưng Đà Nẵng đã chủ động cách ly các hành khách ngay từ sân bay. Với tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, trong ngày 21-3, Đà Nẵng thực hiện cách ly hành khách từ các chuyến bay quốc tế vào Việt Nam.

Bên cạnh kiểm soát dịch đường hàng không, từ ngày 14-3, TP lập 7 điểm chốt chặn tại các cửa ngõ ra vào thành phố gồm: Điểm cuối đường Trường Sa và cuối đường Trần Đại Nghĩa (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn); chân đèo Hải Vân và phía nam hầm Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu); cửa ô Hòa Nhơn và cửa ô Hòa Phước (huyện Hòa Vang) và tại Ga Đà Nẵng...

Ấm áp tình người

Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, đảo lộn cuộc sống bình thường của người dân. Để giảm bớt những thiệt hại của bệnh dịch, tại kỳ họp HĐND TP khóa IX lần thứ 13, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết bổ sung để thực hiện các nhóm giải pháp cấp bách cụ thể: hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch; đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án và thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2020 để góp phần tạo thêm việc làm cho doanh nghiệp, người lao động...

Mới đây, hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Chi (sinh năm 1929, trú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) dành số tiền 5 triệu đồng cất giữ từ tiền mừng tuổi của con, cháu để ủng hộ các y, bác sĩ đang tham gia chống dịch, khiến ai ai cũng cảm phục. Mẹ Lê Thị Chi cho hay, cả đời mẹ đã sống vì lý tưởng cách mạng, lúc già yếu, bệnh tật được Đảng và Nhà nước chăm lo. Do vậy, việc ủng hộ cho phòng, chống dịch chỉ là góp sức nhỏ. Em Phan Tăng Bình, sinh viên năm thứ 5, khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng (quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế), đăng ký tình nguyện hỗ trợ lực lượng kiểm soát dịch ở các điểm chốt. Bình làm trong khung giờ đêm, nhiệt tình tham gia trực hai ca từ 18 giờ đến 24 giờ và từ 0 giờ đến 6 giờ. Khoảng cách từ nơi ở của Bình đến điểm chốt dịch ở cuối đường Trường Sa khoảng 30km, ngày nào em cũng cần mẫn đến điểm chốt đúng giờ, nhiệt tình tham gia hỗ trợ các lực lượng kiểm soát dịch.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, không thể không nhắc đến những bác sĩ, nhân viên y tế trên tuyến đầu. Mặc dù biết nguy hiểm, họ luôn thể hiện tinh thần lạc quan, quên ngày đêm, khó khăn, sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân, dũng cảm đương đầu chống lại dịch bệnh. Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học Nhiệt đới trải lòng, khi điều trị các bệnh nhân đầu tiên, ban đầu hơi lo lắng nhưng rồi cũng thấy quen.

Cộng đồng chung tay

Khi đại dịch bùng phát, tình hình khan hiếm khẩu trang diễn ra ở nhiều nơi. Thế nhưng, thay vì để bán, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh tại TP Đà Nẵng đã tổ chức phát miễn phí khẩu trang y tế cho người dân và du khách. Với các thông báo như "phát khẩu trang miễn phí, không bán khẩu trang"...,  các cửa hàng phát khẩu trang miễn phí với mong muốn lan tỏa tính nhân văn, huy động sức mạnh cộng đồng để phòng, chống dịch.

Trong các hoạt động chung tay cùng cộng đồng, phải kể đến những phát minh được chế tạo phục vụ cho việc phòng, chống dịch như máy đo thân nhiệt từ xa, robot phục vụ người cách ly ở bệnh viện, máy rửa tay tự động... Chia sẻ về việc sáng chế sản phẩm máy đo thân nhiệt từ xa, GS Bùi Văn Ga (nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) chia sẻ: "Để chung tay cùng với cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh, sau khi sản phẩm đo thân nhiệt từ xa hoàn thiện, nhóm nghiên cứu rất muốn phổ biến sản phẩm ra thị trường và chia sẻ công nghệ với các nhà sản xuất để có thể sản xuất đại trà, nhằm phục vụ việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn". Và Đà Nẵng đã có thành quả đầu tiên trong trận chiến chống dịch. Ngày 27-3, Bệnh viện Đà Nẵng đã công bố chữa khỏi bệnh cho 3 bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 22, 23 và 35.

Cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với sức mạnh cộng đồng, sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, các ban ngành chức năng của Đà Nẵng, mọi người dân, sự hy sinh lợi ích bản thân của các chiến sĩ, nhân viên y tế, chắc chắn cuộc chiến sẽ sớm giành thắng lợi.

P.V