Báo động tình trạng trẻ thừa cân - béo phì
(Cadn.com.vn) - Cùng với Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ trẻ thừa cân - béo phì (TC- BP) tăng nhanh chỉ trong vòng một thập niên qua. Đây là lời cảnh báo cho các bậc cha mẹ về lối sống và cách thức ăn uống của con em mình.
Nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa có hiểu biết đầy đủ về việc phòng tránh nguy cơ TC-BP cho con mình (ảnh minh họa). |
Những con số giật mình
Theo số liệu thống kê mới nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện Bình Dương đứng đầu về tỉ lệ trẻ TC- BP với 13,4%, vượt chỉ tiêu chung toàn cầu (12,9%), tiếp đó là TPHCM với 12,6% và Đà Nẵng 10,8%. Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đặt mục tiêu đến năm 2015 tỉ lệ trẻ TC - BP toàn quốc là dưới 5% tổng số trẻ. Nhưng công bố mới cho thấy tỉ lệ toàn quốc hiện tại đã ở mức 4,8% và có thể chạm mốc 5% ngay trong năm 2015 này. Cạnh đó, chiến lược cũng đặt mục tiêu đến năm 2015 không có địa phương nào có tỉ lệ này vượt 10%, nhưng đến nay đã có 3 địa phương vượt mốc.
Ông Ngô Văn Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Đà Nẵng cho hay, khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia hướng đến đối tượng là trẻ em dưới 5 tuổi. Trong khi đó, nhóm tuổi học đường với nhiều em thích đồ ăn nhanh, nước uống có gas, đường, thức ăn nhiều dầu mỡ, số trẻ TC-BP gia tăng nhanh hơn trước, đặc biệt là ở các quận trung tâm. Năm 2007, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản khảo sát trên 4.500 trẻ em trong độ tuổi tiểu học toàn thành phố, kết quả cho thấy có 4,9% trẻ TC - BP. Trong đó Q. Hải Châu cao nhất với 11,7%, Hòa Vang thấp nhất với 0,5%.
"Năm 2014 vừa qua, chúng tôi khảo sát trên 5.322 học sinh tiểu học tại địa bàn Q. Hải Châu thì tỉ lệ trẻ TC-BP đã tăng lên 23,4%, tức là gấp đôi so với năm 2007. Đáng lưu ý là các trường càng trung tâm như Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh, Phù Đổng thì tỉ lệ này càng cao. Các trường có học sinh chủ yếu là con nhà lao động như Lê Đình Chinh, Võ Thị Sáu lại có tỉ lệ thấp", ông Quang cho hay.
Nguyên nhân của béo phì rất phức tạp và còn chưa được hiểu rõ một cách chắc chắn. Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu về béo phì đã cho thấy có một sự liên quan giữa béo phì với các yếu tố như di truyền, chế độ ăn nhiều chất mỡ và bột đường, chế độ hoạt động thể lực. Ngoài việc gia tăng mức tiêu thụ các loại thực phẩm có chứa lượng mỡ và đường cao, thức ăn nhanh thì lối sống ít vận động, sử dụng các phương tiện hỗ trợ kỹ thuật và phương tiện đi lại là những yếu tố nguy cơ của TC-BP.
Trẻ em cần có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý để tránh nguy cơ TC-BP (ảnh minh họa). |
Hậu quả nhãn tiền
Theo ông Ngô Văn Quang, một trong những hậu quả phổ biến nhất của TC-BP là những vấn đề có liên quan đến các rối loạn tâm lý và xã hội do sự mặc cảm cũng như tâm lý xa lánh. Ông Quang ví dụ, ở trẻ gái trưởng thành người ta thấy có sự liên quan có ý nghĩa thống kê giữa thừa cân và mặc cảm không hài lòng về bản thân, dẫn đến xu hướng hoặc là tìm cách để gầy rộc đi hoặc ăn uống vô độ.
Các biến chứng về chỉnh hình cũng được nghiên cứu và nhận biết nhiều ở những trẻ bị béo phì. Những biến chứng này có liên quan đến sức đè nặng của chính cơ thể trẻ lên các bộ phận của bản thân gây ra những chứng bệnh hiếm gặp nhưng xảy ra với tần suất cao hơn ở người béo phì như viêm lồi cầu xương đùi và cong xương chày. Tiếp đến, béo phì ngoài gây ra các biến chứng về tiêu hóa - gan mật còn là yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch và đái đường.
Khảo sát của đề tài do 3 bác sĩ thuộc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Đà Nẵng thực hiện tại các trường tiểu học ở Q. Hải Châu cho thấy, nhìn chung hiểu biết của phụ huynh về TC - BP còn ở mức khiêm tốn. Cụ thể trong hơn 300 phụ huynh được khảo sát thì chỉ có 63,8% người biết về các tác hại của TC - BP và 21,9% phụ huynh có thể kể tên các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ khám và tư vấn dinh dưỡng trẻ em.
Có 34,7% phụ huynh chưa đánh giá đúng về tình trạng dinh dưỡng của con mình. Đặc biệt, chỉ có 50,4% phụ huynh của 123 trẻ bị TC - BP đánh giá đúng tình trạng dinh dưỡng của con. Những kết quả nghiên cứu trên cho thấy rằng ngoài kiến thức còn hạn chế về TC - BP trẻ em, có thể vẫn còn quan niệm béo khỏe ở một số phụ huynh.
"Trong thực tế khám bệnh và tư vấn dinh dưỡng tại phòng khám trẻ em của Trung tâm, chúng tôi thường xuyên gặp những trẻ có cân nặng chuẩn nhưng bố mẹ vẫn cho là trẻ bị suy dinh dưỡng và mong muốn chúng tăng cân. Có một hiện tượng là phụ huynh thường lấy những trẻ to béo làm tiêu chuẩn so sánh để tìm cách tăng cân cho trẻ dù trẻ có cân nặng bình thường. Đây là một vấn đề cần lưu ý trong truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân", ông Quang chia sẻ.
Trên cơ sở các nghiên cứu, khảo sát từ trẻ em trong độ tuổi tiểu học mà đặc biệt là các trường tại Q. Hải Châu, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố đang tiến hành triển khai các biện pháp can thiệp để góp phần kiềm chế tỉ lệ trẻ TC-BP. Theo đó, ngoài việc tăng cường giáo dục dinh dưỡng đến mọi tầng lớp nhân dân, cơ quan này cũng cho rằng rất cần thiết phải trang bị các kiến thức về TC-BP cho các nhân viên y tế. Một nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng là tạo không gian và sắp xếp thời gian sinh hoạt và giải trí cho trẻ cũng như xây dựng hệ thống đánh giá và theo dõi tình trạng dinh dưỡng của các em.
"Để trẻ em tăng cân dễ hơn nhiều so với việc kìm hãm TC-BP. Chính vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh nguy cơ TC - BP là rất quan trọng. Để có thể dự phòng tránh tình trạng TC-BP thì cần có sự đóng góp, chung tay của gia đình, ngành giáo dục, y tế, các cấp chính quyền, các phương tiện truyền thông đại chúng", ông Quang nói.
Công Khanh