Bao giờ đại dịch COVID-19 kết thúc - câu hỏi chưa có lời giải

Thứ hai, 10/01/2022 10:21

Những diễn biến trong tuần đầu tiên của Năm mới 2022 cho thấy vẫn chưa thể có đáp án chính xác cho câu hỏi liệu đại dịch có thể kết thúc trong năm nay hay không.

Thế giới bước sang năm COVID-19 thứ ba và vượt mốc 300 triệu ca nhiễm. Ảnh: Reuters

Thế giới bước sang năm COVID-19 thứ ba và vượt mốc 300 triệu ca với Omicron là biến thể chủ đạo ở nhiều nơi. Trong bối cảnh này, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo sẽ là sai lầm nếu cho rằng Omicron là biến chủng nhẹ.

Phát hiện chủng mới lai giữa Delta và Omicron

Một nhóm nhà nghiên cứu ở Cộng hòa Cyprus đã phát hiện ra một chủng SARS-CoV-2 được cho là sở hữu đặc điểm của 2 biến chủng Delta và Omicron.

Bloomberg dẫn lời Leondios Kostrikis, giáo sư khoa học sinh học tại Đại học Cyprus, đã phát hiện ra một chủng SARS-CoV-2 sở hữu đặc điểm di truyền của cả Delta và Omicron. Ông Kostrikis tạm gọi đây là "Deltacron", nhấn mạnh rằng chủng này có "dấu hiệu di truyền giống của Omicron trong bộ gen của Delta". Hiện thời, ông Kostrikis và đội ngũ đã phát hiện 25 ca bệnh mắc chủng này. Hiện còn quá sớm để kết luận liệu chủng này có gây ra thêm nhiều ca bệnh hoặc tác động của nó sẽ như thế nào.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi trong tương lai xem liệu chủng này có khả năng gây bệnh hay lây lan mạnh hơn hoặc chiếm ưu thế so với 2 chủng Delta và Omicron hay không", ông Kostrikis trả lời Sigma TV hôm 7-1. Ông dự đoán Omicron hiện vẫn có thể có khả năng áp đảo so với Deltacron. Các nhà khoa học tuần này đã gửi nghiên cứu của họ cho GISAD, một cơ sở dữ liệu quốc tế chuyên theo dõi các virus, theo Bloomberg.

Omicron vẫn lây lan nhanh

Deltacron xuất hiện trong bối cảnh, siêu biến chủng Omicron đang tiếp tục lây lan trên diện rộng và đã áp đảo Delta ở một số khu vực trên thế giới. 

Mỹ và châu Âu là hai khu vực chứng kiến sự tăng vọt của số ca nhiễm mới khi Omicron thay thế Delta trở thành biến chủng lây nhiễm chủ đạo tại đây. Trong tuần qua, số ca mắc mới tại hai khu vực này chiếm hơn 77% trong hơn 13 triệu ca mắc mới ghi nhận trên toàn thế giới. Những diễn biến trong tuần đầu tiên của Năm mới 2022 cho thấy vẫn chưa thể có đáp án chính xác cho câu hỏi liệu đại dịch có thể kết thúc trong năm nay hay không.  Trong khi làn sóng dịch bệnh mới đang nổi lên ở nhiều nước Mỹ Latinh và Carribbean, các quốc gia châu Á cũng được cảnh báo nguy cơ đối mặt với đợt bùng phát mới dù hiện tại chưa ghi nhận số ca nhiễm Omicron cao. Ấn Độ là một trong những nước đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể số ca mắc COVID-19. Giới chức Ấn Độ đang chuẩn bị phương án ứng phó với kịch bản số ca nhiễm mới hằng ngày sẽ vượt con số kỷ lục 414.000 ca/ngày hồi tháng 5-2021.

Dù các nghiên cứu đã cho thấy Omicron không gây bệnh nặng như Delta, nhưng rõ ràng việc biến thể này lây lan nhanh chóng đặt ra sức ép khổng lồ đối với hệ thống y tế các nước. Đây là lý do khiến người đứng đầu WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus phải cảnh báo thế giới không được coi nhẹ Omicron. Theo ông Tedros, những con số báo cáo nêu trên chưa phải là con số thực tế do còn nhiều xét nghiệm tồn đọng sau dịp lễ Giáng sinh và năm mới, hay các xét nghiệm dương tính không được thống kê và những trường hợp bị bỏ sót do hệ thống giám sát quá tải. Ông cho rằng với đà lây lan của Omicron hiện nay, các bệnh viện sẽ phải tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân COVID-19 và "cơn sóng thần" Omicron sẽ "nhấn chìm" hệ thống y tế thế giới còn chưa kịp phục hồi sau sức tàn phá của Delta.

Thực tế cho thấy không chỉ hệ thống y tế bị ảnh hưởng, các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội cũng bị đình trệ. Những nguy cơ từ dịch COVID-19 còn chưa dừng ở đó. Văn phòng WHO tại châu Âu cảnh báo làn sóng ca nhiễm Omicron trên toàn cầu hiện nay có thể làm gia tăng nguy cơ xuất hiện thêm chủng mới nguy hiểm hơn.

Trong khi đó, mối lo bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine vẫn rất lớn.

KHẢ ANH