Bao giờ hết cảnh đò ngang?
(Cadn.com.vn) - Người dân hai xã Trà Tập, Trà Mai, Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn chưa quên câu chuyện buồn, xảy vào giữa năm 2014, khi một thầy giáo bị dòng nước hung dữ nơi thượng nguồn sông Tranh cuốn trôi trên đường đi dạy về... Sông Tranh phía thượng nguồn gập ghềnh thác đá, nước cuộn xiết, càng về cuối hạ nguồn càng hung dữ hơn bởi có nhiều nhánh sông nhỏ hợp vào sông chính, trước khi đổ vào lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Mấy chục năm nay, ai đi qua tuyến QL40B, con đường huyết mạch, nối các huyện miền núi phía Tây Nam Quảng Nam với Kon Tum, địa đầu phía Bắc Tây Nguyên đều chứng kiến, trên đoạn sông ngăn cách 2 xã Trà Mai, Trà Tập có tới 4-5 bến đò ngang ngày đêm chở người dân, các em học sinh qua lại khúc sông nguy hiểm này....
Người dân, các em học sinh ở những thôn bản nằm cheo leo trên sườn núi, bên dòng sông Tranh ngày ngày vẫn phải vượt sông bằng đò, vì không có cầu. |
Ông Hồ Văn Lý, Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Trà Mai nhớ lại: Hôm ấy, một ngày giữa năm 2014, nghe tiếng kêu cứu thất thanh của các em học sinh, người dân chạy ra bờ sông tìm cách cứu thầy giáo gặp nạn, nhưng dòng nước quá hung dữ, mọi người chỉ biết đứng nhìn người thầy giáo bị cuốn trôi trong nỗi xót xa, thương tiếc...! Ông Lý cùng bà con Ca Dong cho biết, để vào các điểm trường thôn ở xã Trà Tập dạy học, nhiều thầy cô giáo phải chọn cách bơi qua sông, còn người dân dùng những chiếc mảng bằng tre nứa, hoặc xăm ô-tô cũ, bơm lên rồi ôm bơi qua sông. Sau vụ tai nạn thương tâm xảy ra, người dân mới sắm đò qua sông, nhưng cũng chỉ là những con thuyền mỏng manh ghép bằng tôn, gỗ. Cứ mỗi điểm có dân cư cần qua sông, lại hình thành một bến đò, những con đò mong manh ấy chuyên chở tất cả, từ mọi thứ hàng hóa cần thiết, đến vật liệu xây dựng. Đến nay có đến 4-5 bến đò vì số lượng người dân ở thôn 4, xã Trà Tập và thôn 1, xã Trà Mai ngày một tăng, nhu cầu đi lại, làm ăn, học hành vì vậy mà tăng lên. Thế nhưng, những con đò ấy cũng chỉ qua lại sông vào mùa khô, nước cạn, chứ mùa mưa lũ thì chịu, người dân không thể qua sông, nhiều học sinh đành bỏ học. Từ xã Trà Mai vào xã Trà Tập, thực ra vẫn có đường bộ, nhưng chỉ là đường mòn men theo bờ sông và rừng già, để đến được với trung tâm Tak Pỏ, thuộc xã Trà Mai, huyện lỵ Nam Trà My phải mất cả nửa ngày đường đi bộ. Để tiết kiệm thời gian, người dân và các em học sinh vẫn phải qua đò vượt qua sông Tranh, rồi đi theo con đường QL 40B lên trung tâm huyện Nam Trà My, hay xuống huyện Bắc Trà My, TP Tam Kỳ. Ông Nguyễn Hoàng Thọ, Phó Trưởng đài Truyền thanh huyện Nam Trà My cho biết, vào mùa mưa đường sá đi lại khó khăn nên tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học vẫn diễn ra ở địa phương. Bởi vậy, mong muốn của người dân, là sớm có một chiếc cầu treo bắc qua đoạn sông này để không chỉ giải quyết được hiểm họa cho các em học sinh mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của hàng trăm hộ dân nơi vùng cao còn lắm gian khó này. Nghe nói đã có một dự án bắc một cây cầu ở khu vực này, đã được Bộ GTVT phê duyệt là một trong địa điểm cần xây dựng, nhưng không hiểu sao vẫn không được tiến hành. Rất mong chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam sớm xem xét, người dân vùng thượng nguồn sông Tranh, Trà Tập-Trà Mai đang cần lắm một cây cầu.
Những con đò mong manh là phương tiện để người dân, các em học sinh ở Trà Tập |
Hồng Thanh