Bao giờ phục hồi được "lá phổi xanh"?
Đầu năm 2018, UBND TP Đà Nẵng đã bàn giao nhiệm vụ quản lý, vận hành Công viên 29-3 về cho Q. Thanh Khê để từng bước xã hội hóa các hoạt động đầu tư, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân và du khách. Thành phố cũng quyết định dành gần 13 tỷ đồng cho việc nạo vét 112 nghìn khối bùn trong hồ công viên để xử lý ô nhiễm. Vậy nhưng đã hơn một năm trôi qua, nhiệm vụ “thay áo” cho công viên lớn nhất Đà Nẵng vẫn chưa tới... vạch xuất phát!
Một góc Công viên 29-3. |
“Lá phổi xanh” bị “viêm nhiễm” nặng!
Sau nhiều năm bị “bỏ đói” về cơ sở hạ tầng, dịch vụ giải trí, tháng 1-2018 UBND TP Đà Nẵng đã chính thức có chủ trương chuyển Công viên 29-3 từ đơn vị quản lý là Sở Xây dựng về cho UBND Q. Thanh Khê kêu gọi đầu tư và khai thác. Công viên này vốn có diện tích 188.217m2 (tính cả mặt đất và mặt nước). Trong phần diện tích mặt đất thì đa phần là đất trồng cây xanh, tiếp đó đến giao thông, sau cùng là đất bố trí các hạng mục công trình và điểm vui chơi giải trí. Vào năm 2015, UBND TP Đà Nẵng đã có chủ trương lập quy hoạch điều chỉnh mở rộng ranh giới Công viên từ 188.217m2 lên thêm gần 6.000m2 ở hai phía đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Tri Phương. Tuy nhiên việc mở rộng này vẫn chưa được thực hiện mà ngược lại phải cắt bớt một phần để phục vụ dự án hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương. Theo thời gian, nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân ngày càng cao nhưng Công viên 29-3 như một tấm áo vừa chật vừa cũ. Hồ nước ngày càng có dấu hiệu ô nhiễm, vườn thú đơn điệu về chủng loại ngày càng già nua và hao hụt về số lượng, cơ sở vật chất xuống cấp, hoang phế, dịch vụ vui chơi giải trí nghèo nàn, đơn điệu.
Ngoài ra, một mối lo lắng của người dân và chính quyền địa phương chính là nguồn nước của hồ công viên bị ô nhiễm nặng sau hàng chục năm không được nạo vét. Kết quả phân tích của Trung tâm Kỹ thuật môi trường TP Đà Nẵng kết luận: các chỉ tiêu COD (nhu cầu oxy hóa học), Amoni vượt QCVN hiện hành nhiều lần, lượng oxy hòa tan trong hồ thấp hơn quy chuẩn cho phép, điều kiện môi trường không phù hợp cho sự phát triển của hệ sinh thái dưới nước. Hồ Công viên 29-3 có diện tích 107.656m2, cao trình tự nhiên khu vực lòng hồ từ +0,8m đến +1,2m tiếp nhận nước mưa từ hồ Thạc Gián, cống thoát nước từ khu dân cư Hòa Thuận Nam, Thạc Gián và các tuyến cống đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tri Phương. Không chỉ bốc mùi hôi, rất nhiều lần xuất hiện cá và các loại thủy sinh chết hàng loạt trôi nổi khắp bề mặt hồ ảnh hưởng đến việc vui chơi giải trí của người dân và các khu vực dân cư xung quanh. Để xử lý ô nhiễm, chiều dày lớp bùn cần nạo vét đối với hồ Công viên 29-3 là khoảng 1,25m tương ứng với cao trình đáy nạo vét là +0,00m, có nơi dày tới 2m. Tổng diện tích nạo vét bùn khoảng 88.000m2 với khối lượng tương đương 112.800 khối bùn. Vào năm 2018, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên cho biết thành phố đã phê duyệt 12,9 tỷ đồng để nạo vét 112.800 khối bùn bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng trong nước của Dự án phát triển bền vững TP Đà Nẵng. Lãnh đạo Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên lúc đó cho biết, nếu theo đúng kế hoạch, trong vòng khoảng một năm (tức là giữa năm 2019) sẽ hoàn thành nạo vét bùn. Mặc dù vậy, hiện đã là quý II của năm 2019 nhưng mọi thứ vẫn... chưa bắt đầu!
Nguồn nước chảy vào hồ đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Ảnh: C.K |
Bắt đầu... làm lại!
Sau gần một năm trở lại, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng tại công viên lớn nhất TP Đà Nẵng còn thê thảm hơn một năm trước. Cty Công viên cây xanh Đà Nẵng đã bắt đầu chuyển trụ sở đến địa điểm khác. Cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu vui chơi giải trí hàng chục năm qua bị xuống cấp được tập kết tại nhiều nơi nằm chỏng chơ giữa mưa nắng; một số khác bị hư hỏng, mất chức năng hoạt động. Nhiều khu vực trên bãi cỏ bên đường dạo, hốc cây cổ thụ bị biến thành đống rác; có nơi xuất hiện kim tiêm mà theo những người câu cá ở đây là do một số đối tượng vào đây chích ma túy bỏ lại. Tại nhiều vị trí quanh bờ hồ, kè bao đã bị sạt lở chỉ chờ ngày đổ xuống nước. Phía đường Nguyễn Văn Linh, một cống xả nước thải sinh hoạt đổ vào hồ đen ngòm, bốc mùi hôi thối cả một vùng. Cạnh đó, dọc bờ tường phía Nam, các hộ gia đình đã đục lỗ để cho ống thoát nước sinh hoạt của gia đình cho chảy vào đường đi dạo của công viên.
Trước thực tế này, mới đây, Chủ tịch UBND Q. Thanh Khê Nguyễn Văn Tĩnh đã có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng để xin chủ trương xã hội hóa Công viên 29 – 3. Tại công văn này, lãnh đạo Q. Thanh Khê cho rằng, Công viên 29 - 3 về tầm vóc là công viên cấp thành phố, là một trong những địa điểm vui chơi, giải trí, thể dục, sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân địa phương và du khách. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác đầu tư, khai thác hoạt động của Công viên chưa thực sự được quan tâm đúng mức; quy hoạch tổng thể Công viên đã được UBND TP phê duyệt nhưng nhiều hạng mục chưa được triển khai; trang thiết bị vui chơi giải trí được đầu tư đã sử dụng quá lâu, hầu hết xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Dù nằm ở vị trí trung tâm, có nhiều lợi thế nhưng cảnh quan tổng thể của Công viên chưa xứng tầm là địa điểm vui chơi công cộng đặc trưng của thành phố. Trong khi đó nguồn lực đầu tư từ ngân sách quận còn gặp nhiều khó khăn, chưa đủ đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của công viên. “Do vậy, để khai thác hiệu quả Công viên 29-3, kính đề nghị UBND TP Đà Nẵng thống nhất chủ trương cho phép UBND Q. Thanh Khê kêu gọi xã hội hóa đầu tư toàn bộ các hoạt động tại Công viên 29–3 theo hướng cải tạo thành công viên hoa theo chủ đề kết hợp hoạt động vui chơi giải trí”, công văn đề xuất.
Một đoạn bờ kè hồ công viên 29-3 bị lở sắp đổ xuống nước, ghế đá cũng ngâm mình dưới hồ. Ảnh: C.K |
Liên lạc để tìm hiểu tiến độ thực hiện nạo vét bùn hồ Công viên 29-3, ông Lương Thạch Vỹ - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên tỏ vẻ khó chịu và nói “đang xin ý kiến của ủy ban”. Trao đổi cụ thể hơn là vì sao đã được UBND thành phố phê duyệt chủ trương, kinh phí và đáng ra đã sắp hoàn tất lại vẫn chưa được khởi động, ông Vỹ nói: “Anh đã nói rồi, đang xin ý kiến của ủy ban, nghe. Anh đã nói rồi, chờ thông báo của ủy ban thôi chứ giờ nói qua nói lại thì không đủ thông tin đâu. Nghe!”, ông Vỹ kết thúc. Cũng với câu hỏi này, ông Đinh Quang Cường – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, để tiến hành nạo vét, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên cần lập hồ sơ, kế hoạch bảo vệ môi trường để Sở thẩm định, vì có ý kiến đề nghị phải cần điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp. “Bên Ban Quản lý sẽ làm lại hồ sơ, chỉ là kế hoạch bảo vệ môi trường thôi. Sở phê duyệt xong thì thực hiện nạo vét, chắc trong tháng này thôi”, ông Cường cho biết.
Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện này, ông Nguyễn Thanh Xuân – Phó Chủ tịch UBND Q. Thanh Khê cho biết, thành phố giao Công viên 29-3 về cho quận quản lý, khai thác nhưng đã qua hơn một năm rồi vẫn chưa thể triển khai đầu tư theo hình thức xã hội hóa vì còn vướng nhiều thứ. “Giờ thế này thì phải làm lại từ đầu, nghĩa là còn mất một thời gian nữa. Việc nạo vét lượng bùn lớn để xử lý ô nhiễm trong hồ chưa tiến hành thì nghĩa là cũng chưa làm được gì khác”, ông Xuân cho hay.
CÔNG KHANH