Bao giờ văn hóa giải trí ở Đà Nẵng chuyển biến?

Thứ hai, 13/01/2014 10:50

(Cadn.com.vn) - Theo nhìn nhận của nhiều người, là một trong ba trung tâm văn hóa lớn của cả nước nhưng thành phố trẻ Đà Nẵng vẫn chưa thực sự có một đời sống văn nghệ cho riêng mình. Bên cạnh sự phát triển vượt bậc về kinh tế xã hội thì mảng văn hóa giải trí tại Đà Nẵng khá im ắng. Trên truyền hình, nếu văn nghệ cuối tuần của Sài Gòn là không gian kịch nói, thì Hà Nội lại nổi tiếng với những bộ phim cuối tuần thu hút khán giả. Trong bức tranh phát triển về KT-XH, văn hóa giải trí ở Đà Nẵng dường như bị lệch nhịp. Ở nhiều làng quê vùng ven Đà Nẵng hiếm thấy những buổi sinh hoạt bài chòi, diễn tuồng. Những chương trình biểu diễn văn nghệ tại địa phương cũng không còn thấy sự xuất hiện của những tiết mục này nữa mà thay vào đó là những ca khúc trẻ sôi nổi, hiện đại...

Một tiết mục biểu diễn tại nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Tại Ngày hội văn hóa dân gian diễn ra vào cuối tháng 12 vừa qua tại Trường THPT Phan Châu Trinh có sự góp mặt của rất nhiều những gian hàng đại diện cho văn hóa nhiều vùng miền cả nước. Tuy nhiên, trong một ngày hội dân gian lớn như thế lại vắng bóng một số thể loại văn nghệ dân gian đặc trưng của mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng, điển hình là nghệ thuật tuồng. Nhiều quan điểm cho rằng do tuồng của người Quảng khó diễn đồng thời không hấp dẫn bằng những loại hình nghệ thuật khác.

Theo tôi đó chỉ là một ý kiến nhỏ chưa thể bao quát được nguyên nhân của vấn đề. Trong chương trình Bài hát bạn yêu thích tháng 12 vừa qua có một tiết mục kết hợp giữa chèo truyền thống và âm nhạc hiện đại đã nhận được rất nhiều sự cổ vũ của khán giả. Đó là tiết mục nhạc kịch Thị Mầu lên chùa. Với sự sáng tạo trong cả cách hát và cách diễn tiết mục không những đem lại sự thú vị cho người xem mà còn mang lại một góc nhìn mới mẻ cho nghệ thuật chèo truyền thống.

Trở lại với nghệ thuật diễn tuồng và hát bài chòi của Quảng Nam. Mấy năm gần đây không còn hình ảnh những đội hát bài chòi đi từng nhà biểu diễn trong đêm giao thừa nữa. Những đội hát bài chòi lưu động cũng không còn nhận được sự tha thiết của khán giả... Nghệ thuật tuồng truyền thống đang dần bị mai một trên chính mảnh đất đã sinh ra nó. Đà Nẵng là thành phố du lịch nên việc tìm kiếm hình thức giải trí thu hút nhiều sự quan tâm là vô cùng cần thiết.

Nếu đến Sài Gòn nhất định phải xem kịch một lần thì đến Đà Nẵng ngoài đi tham quan những địa điểm đẹp thì chưa để lại ấn tượng trong lòng du khách về một Đà Nẵng với nghệ thuật tuồng lâu đời. Mô hình du lịch kết hợp biểu diễn đã được phổ biến ở nhiều nơi như Huế vừa đi du thuyền vừa nghe nhã nhạc cung đình. Du khách đến miền Tây thì vừa thăm thú vườn tược vừa được nghe đờn ca tài tử... Kết hợp tham quan du lịch và biểu diễn nghệ thuật để du khách được hưởng trọn vẹn cái thú nghe–nhìn. Về điều này thì thành phố Đà Nẵng vẫn chưa làm được.

Trong một lần đi du lịch Trung Quốc tôi đã được chứng kiến một buổi biểu diễn vô cùng hoành tráng có sự kết hợp giữa múa và kịch. Trong tiết mục ấy các nghệ sĩ Trung Quốc đã khéo léo kết hợp những tích truyện, những câu chuyện thần thoại làm cho du khách vừa ấn tượng về  nghệ thuật múa cổ điển vừa biết thêm về văn hóa lâu đời của Trung Quốc. Đây là mô hình sáng tạo và hấp dẫn giúp mang lại doanh thu lớn cho ngành du lịch đồng thời cũng là dịp để quảng bá hình ảnh du lịch ra các nước bạn.

Bên cạnh việc đỏ đèn hằng tuần phục vụ khách du lịch,  từ hơn một năm nay Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã phối hợp với đơn vị lữ hành Saigontourist tại Đà Nẵng tổ chức biểu diễn đón tàu du lịch biển quốc tế. Tuy nhiên đó mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu nghệ thuật tuồng chứ chưa thực sự tạo được sức hút, tiếng vang với du khách. Nhiều vở tuồng cổ điển, khuôn mẫu không còn phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ hiện nay của khán giả. Mặt khác sự bất cập trong việc quảng bá tuồng khiến nhiều người không hiểu tuồng là gì và có tâm trạng chán nản khi xem tuồng.

Vì vậy, để nghệ thuật tuồng đi vào lòng khán giả, nhất là khán giả trẻ là cả sự đầu tư nghiêm túc. Trước tiên cần phải thay đổi thái độ của người dân về nghệ thuật truyền thống này. Bước đường ấy còn dài bởi đây không chỉ là công việc ngày một ngày hai mà còn là vấn đề lưu giữ văn hóa của địa phương. Để được như vậy đòi hỏi sự kết hợp đổi mới trong biểu diễn tuồng và cần nâng cao đời sống của người dân đưa họ tiếp cận với văn hóa giải trí một cách lành mạnh, bổ ích.

Hà Dung