"Bảo kê" cây tiêu
(Cadn.com.vn) - Trong nông nghiệp, chỉ có khái niệm "hỗ trợ" chớ làm gì có "bảo kê" hả Tư Ban Mê?
- Vậy NXD chưa hiểu rõ tình hình trên này rồi. Số là, dạo gần đây tình trạng kẻ xấu chặt phá, nhổ trộm vườn tiêu của người dân xảy ra tràn lan nên có người "tự nguyện"... bảo vệ cho dân.
- Vậy họ được lợi gì trong việc này?
- Đời nào chúng làm không công, những kẻ bảo kê này ra giá với chủ vườn tiêu phải đóng 10 nghìn đồng/trụ tiêu/năm.
- Vậy có ai chịu để chúng "giúp đỡ" chưa?
- Cũng có. Còn một số người từ chối thì bị chúng quay lại phá như trường hợp một chủ vườn tiêu ở thôn Kim Châu (xã Đray Bhăng, H. Cư Kuin, Đắc Lắc), vì từ chối đề nghị bảo kê vườn tiêu mà vài ngày sau, kẻ xấu đã chặt phá 17 trụ tiêu.
- Như vậy là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, phải báo với cơ quan chức năng ngay.
- Ngày 7-8-2015, CAX Đray Bhăng và CAH Cư Kuin đã làm rõ một nhóm đối tượng chuyên bảo kê các vườn tiêu trên địa bàn. Đây là những thanh niên lêu lổng, có tiền án, tiền sự tập hợp thành một đường dây khép kín, vừa trộm cắp cây tiêu (làm giống), vừa đưa đi tiêu thụ và kiêm bảo kê cho một số vườn tiêu. Nếu chủ vườn tiêu không chịu chung chi tiền bạc, thì chúng ra tay chặt phá.
- Vì sao tình trạng "tiêu tặc" dạo này hoành hành dữ vậy Tư Ban Mê?
- Thì giá hồ tiêu tăng cao, nhu cầu trồng mới hồ tiêu của nông dân trên địa bàn tăng mạnh. Lượng tiêu giống cung không đủ cầu, thế là xuất hiện nạn trộm tiêu nguyên cây (về chia đoạn làm cây giống). Và để không bị trộm tiêu, thì cho chúng bảo kê..., còn không thì chúng phá.
- NXD thiển nghĩ, hành vi của các đối tượng "tiêu tặc" và cả những kẻ bảo kê vườn tiêu rõ ràng đã vi phạm pháp luật, bởi chúng trực tiếp xâm hại, cưỡng đoạt tài sản người khác. Do đó, các lực lượng chức năng, trực tiếp là lực lượng CA địa phương cần điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nếu không, sau này còn xuất hiện thêm nhiều kiểu bảo kê vườn cà- phê, đàn bò, ao cá...
Một vườn tiêu của người dân bị chặt phá do không chịu cho bảo kê. |
N.X.D