Miếng phô mai trong bẫy chuột!
- Chắc Tư Đà thành nói đến vụ việc vừa xảy ra tại Công ty GFDI?
- Đúng. Dư luận vẫn đặt câu hỏi cũ: Vì sao hàng nghìn người “xuống tiền” với kiểu kinh doanh “ảo” như vậy? Bao nhiêu vụ việc tương tự đã xảy ra sao hàng nghìn người vẫn bị lừa…
- NXD nghĩ, nếu người ta tỉnh táo phân tích, suy xét, cân nhắc thì đã không có nghìn lẻ một chuyện xung quanh kinh doanh đa cấp, đầu tư tài chính. Tóm lại, họ bị “lùa gà” nhưng cũng có gì đó đáng trách vì họ bị lợi nhuận làm cho mụ mị. Nhưng cũng phải rạch ròi ra rằng, có người vì thiếu hiểu biết, thiếu tỉnh táo mà bị “lùa gà”, nhưng cũng có người muốn “nhân đôi tài sản” mà tất tay gom trứng bỏ vào cái giỏ không đáy này như một canh bạc.
- Vậy theo NXD làm sao để nhận diện hình thức lừa đảo này?
- Theo các chuyên gia trên lĩnh vực tài chính khuyến cáo, để tỉnh táo nhận diện các dấu hiệu lừa đảo, khi được giới thiệu, mời chào các cơ hội đầu tư, người dân cần tuân thủ một vài nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất, hãy cho mình suy nghĩ trong vòng 24 giờ. Đừng ngay lập tức rút ví, giống như đứng trước một món hàng. Nếu khách hàng có thời gian suy nghĩ, có thể quyết định mua sẽ không được đưa ra. Thứ hai, miếng phô mai ngon chỉ có trong bẫy chuột. Nếu mức lợi nhuận đưa ra quá cao thì phải xem xét, bởi nếu lợi nhuận đưa ra cao gấp 3 lần lãi suất ngân hàng, thì tới 99% là lừa đảo. Cùng với đó, nhà đầu tư phải đặt cho mình câu hỏi mô hình kinh doanh đang chào mời đó làm gì mà có thể đạt mức lợi nhuận “khủng” như vậy?
- Bây giờ, lừa đảo ngày càng tinh vi nên các đối tượng sẽ chuẩn bị sẵn kịch bản để tạo lòng tin và cuốn người dân vào vòng xoáy lãi suất hấp dẫn, vào tâm lý tích luỹ tài sản hay làm giàu.
- NXD nghĩ, với trường hợp GFDI hay các kiểu đầu tư “nằm ngủ cũng có tiền”, “thu nhập thụ động” thì người đầu tư suy nghĩ họ lấy đâu ra lợi nhuận mà trả cho mình “hậu hĩnh” vậy? Từ đó, ắt sẽ cân nhắc “đồng tiền đi liền khúc ruột”.
N.X.D