"Bảo mẫu" của... voi rừng!

Thứ bảy, 31/12/2016 12:33

(Cadn.com.vn) - Ngày 28-3, người dân phát hiện một chú voi con khoảng 2 tháng tuổi rơi xuống giếng sâu gần 3 mét ở khu rẫy nên trình báo cơ quan chức năng đến tiếp cứu. Chú voi sau đó được đặt tên là Gôn (Gold) và đưa về Trung tâm bảo tồn Voi Đắc Lắc, với chế độ chăm sóc rất đặc biệt… để sau đó trả về với bố mẹ nó. Điều rất lạ kỳ, trải qua 4 lần đưa đi đón lại, "bé" voi luôn từ chối về với tự nhiên... do quen "hơi" người.

Cứ 2 tiếng phải cho Gôn uống sữa một lần.

Chăm voi như chăm con

Chúng tôi vừa bước chân ra mảnh vườn, anh Cao Xuân Ninh (30 tuổi, nhân viên Trung tâm bảo tồn Voi Đắc Lắc), vừa cho "bé" Gôn uống hết bình sữa. Đã gần 1 tháng nay, công việc của anh Ninh dường như bận rộn hơn kể từ khi trung tâm có thêm thành viên mới. Anh Ninh cho biết, ngoài việc chăm nom con Giun (June)  chú voi sập bẫy được cứu từ năm 2015 gần đứt vòi, bị thương nặng ở chân trái do mắc bẫy, thì anh phải lo lắng miếng ăn giấc ngủ cho Gôn. "Tôi làm công tác hậu cần pha sữa cho Gôn uống, lấy cỏ cho Giun ăn và tắm rửa cho cả hai. Tắm và ngủ thì đơn giản rồi. Mấy hôm nay trời rất nóng nực, cứ đến 3 giờ chiều là bơm nước lên lưng voi, khoảng 20 đến 30 phút. "Bé" Gôn như đứa trẻ sơ sinh, chỉ ăn được sữa, nên cũng hay nũng nịu lắm" - anh Ninh mở đầu câu chuyện.

Trung tâm chăm sóc voi đặt ở bìa rừng thuộc xã Krông Ana (H. Buôn Đôn) được phân công 4 người/ca trực (mỗi ca trực 24 tiếng) và phải thực hiện nhiệm vụ trực 24/24. Anh Ninh về làm việc cho trung tâm đã được hơn 3 năm nay. Do công việc khá bận rộn, Ninh ít có thời gian về với gia đình. "Không biết có phải do quen mùi của hơi người hay không, chỉ cần vắng tiếng người, không thấy ai ngồi bên là Gôn kêu lên thảm thiết. Khi có người xuất hiện, vỗ về... nó lại ngoan hiền, dùng cái vòi quấn quanh tay chúng tôi, không muốn cho chúng tôi đi đâu. Chúng tôi vẫn thường hay nói đùa, xem "bé" Gôn như thành viên trong gia đình, chỉ cần xa tiếng người nó lại "khóc" gào lên, vì thường xuyên được chiều chuộng" - anh Ninh tâm sự.

Việc duy trì sức khỏe cho voi ghi nhận sự đóng góp to lớn của đội ngũ y bác sĩ thú y. Ông Huỳnh Trung Luân- Giám đốc Trung tâm bảo tồn Voi Đắc Lắc cho biết, các bác sĩ thú y ở đây hầu như chưa học qua lớp đào tạo nào chuyên ngành về voi. Tất cả đều do tự học và được đào tạo qua các chuyên gia quốc tế... truyền dạy kinh nghiệm, học qua mạng. Ông Nguyễn Công Chung- Phó giám đốc trung tâm, kiêm bác sĩ thú y cho biết, chăm sóc bệnh tình cho voi là chuyên ngành mới mẻ ở nước ta, nên bắt buộc đội ngũ y bác sĩ vừa làm, tích lũy kinh nghiệm thực tế để nâng cao tay nghề. "Từ 6 giờ sáng hằng ngày, chúng tôi gửi báo cáo về tình trạng sức khởe cho Trung tâm bảo tồn voi Quốc tế, để có phương án ứng cứu voi khi gặp sự cố. Voi con có đặc tính rất đặc biệt, khác với các loài động vật khác. Cấu trúc của cơ thể voi mới được sinh ra vài tháng tuổi, mạch máu chưa hoàn thiện, dễ lây bệnh từ người, hoặc từ các loại động vật khác. Do vậy, hằng ngày chúng tôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Voi vừa đi vệ sinh xong là phải dọn dẹp ngay tức thì, sau đó phun thuốc khử trùng. Anh em, hoặc người dân mắc bệnh như cảm cúm, bệnh ngoài da chúng tôi không cho tiếp xúc gần. Do còn non, nếu tiêm, hoặc chuyền dịch vào cơ thể voi con sẽ bị vỡ mạch máu rồi chết. Nguy cơ voi chết là rất cao" - ông Chung chia sẻ.

Gôn đến nay vẫn chưa biết ăn cỏ, do vậy thức ăn hằng ngày là sữa bột dành cho trẻ sơ sinh, rồi pha cho bú bình. "Cứ 18 tiếng Gôn ăn hết một hộp sữa bột loại 900 gam. Chúng tôi sử dụng bình bú dung tích 1 lít pha đầy sữa, cứ 2 tiếng cho ăn một lần. Ban đêm, tôi phải hẹn chuông điện thoại cứ 2 tiếng thức dậy một lần. Chỉ cần chậm pha sữa khoảng 10 phút, Gôn lại gào lên kêu đói. Sau khi  cho ăn xong, chúng tôi phải súc rửa bình sạch sẽ, sau đó nhúng vào nước sôi... để khử trùng, phòng ngừa vi khuẩn" - anh Ninh tâm sự.

Có lẽ được chăm sóc quá đặc biệt, dù đã qua 4 lần đưa về với tự nhiên... nhưng Gôn không "đồng ý". "Chúng tôi đã đưa Gôn đến bìa rừng, gần hồ nước nơi đàn voi thường xuyên qua lại. Ngày hôm sau, người dân phát hiện, rồi thông báo, Gôn vẫn còn lai vãng một mình bên hồ. Lần thứ hai, lần thứ ba và lần cuối cùng thì sự việc không ngờ tới, Gôn không chịu theo đàn voi rừng, mà quay lại. Chúng tôi đã làm báo cáo gửi cơ quan chức năng trình báo sự việc, đang chờ hướng giải quyết. Trước mắt, Gôn sẽ được giữ lại trung tâm chăm sóc, theo dõi một thời gian nữa" - ông Luân thông tin.

Gôn khi mới đưa lên khỏi giếng.

Dự án trao đổi Gen

Chú voi Giun sau một năm được chăm sóc tại trung tâm sức khỏe, các vết thương đã gần như lành lặn, duy chỉ có vết cắt ở chân trái vẫn chưa lành hẳn, do dính vào bẫy từ năm ngoái. Thời tiết vào dịp tháng tư ở Buôn Đôn rất khắc nghiệt, không có mưa, nắng nóng chảy mỡ. Cây cối cũng khó lòng chống chọi lại với tự nhiên, do vậy, khí hậu làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của voi. "Mấy ngày nay, Giun ăn ít cỏ, hoa quả nhưng uống nước nhiều và thường xuyên đòi tắm... để hạ nhiệt. Chúng tôi đặt vị trí chăm sóc voi cạnh hồ nước lớn, xung quanh có nhiều cây lớn tán rộng để voi không bị oi bức. Trời nắng nóng làm cho Giun có vẻ khó chịu, khó tính hơn mọi ngày" - anh Ninh thông tin.

Ở Đắc Lắc hiện nay, loài voi rừng và voi nhà đã giảm đi chóng mặt, đáng báo động. Tính đến thời điểm hiện tại, loài voi rừng còn khoảng từ 70 đến 80 cá thể, voi nhà khoảng hơn 40 cá thể. Với đà này, nếu không có phương án bảo tồn, voi sẽ biến mất khỏi Tây Nguyên là điều có cơ sở. Do vậy, việc duy trì, phát triển giống nòi đàn voi là việc làm cấp thiết. Theo ông Huỳnh Trung Luân, Trung tâm bảo tồn voi đang chuẩn bị triển khai dự án trao đổi gen với voi Thái Lan. "Chúng tôi sẽ trao đổi với Trung tâm bảo tồn voi Thái Lan thông qua chương trình trao đổi gen. Sẽ có 2 phương án. Thứ nhất, nhờ chuyên gia voi Thái Lan sẽ sang Việt Nam giúp voi phối giống. Trường hợp không thành công sẽ thực hiện phương án 2, mượn từ 1 đến 2 voi cái để phối giống. Hiện tại ở Đắc Lắc đa phần giống voi cái đã quá già. Để voi phối giống rất khó khăn. Đây là chương trình mang tầm quốc gia, sắp tới chúng tôi sẽ làm báo cáo lên Bộ, để trình Chính phủ đề án này" - ông Luân nói.

Ngọc Giang