Bão số 8 sẽ đi vào khu vực Quảng Nam – Quảng Ngãi
(Cadn.com.vn) - Trước diễn biến phức tạp của bão số 8, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp khẩn bàn các biện pháp đối phó. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thông tin, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão di chuyển vào bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là đối với 11 tàu, thuyền ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đối với các tàu, thuyền neo đậu gần bờ cần tổ chức sắp xếp hợp lý, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi bão đổ bộ. Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT và các địa phương cần kiểm tra an toàn hồ, đập, nhất là việc vận hành xả nước theo quy định để đảm bảo an toàn công trình và tăng hiệu quả cắt lũ, đồng thời hạn chế gây ảnh hưởng, thiệt hại cho vùng hạ du. Các địa phương rà soát các phương án phòng chống lụt bão, sẵn sàng sơ tán dân ở các khu vực nguy hiểm như vùng thấp, trũng, ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lũ, sạt lở đất, lũ quét.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, khoảng sáng 19-9 bão sẽ đi vào khu vực Quảng Nam – Quảng Ngãi. Đến 13 giờ ngày 19-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Quảng Nam- Quảng Ngãi- Kon Tum. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Bình – Bình Định từ gần sáng và ngày mai (18/9), gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Khu vực các tỉnh Nghệ An đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.
Dự báo đường đi bão số 8. |
Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, tính đến 11 giờ ngày 17-9, Biên phòng các tỉnh đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 38.611 phương tiện, lồng bè với 186.252 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Theo thống kê, các tỉnh khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có 3.471 hồ chứa các loại. Số hồ có hiện trạng yếu cần lưu ý trong mùa mưa lũ là 157 hồ, trong đó có 53 hồ có nguy cơ mất an toàn cao.
Chủ động ứng phó
Chiều 17-9, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết chủ trì họp bàn ứng phó với bão số 8. Tại cuộc họp, BCH BĐBP TP Đà Nẵng đã thông báo kịp thời cho tàu thuyền tránh bão, kiểm đếm tàu thuyền trên biển. Đại tá Nguyễn Quốc Bình, Phó Chỉ huy trưởng BCH BĐBP TP Đà Nẵng cho biết, tính đến 14 giờ ngày 17-9, hiện có 87 phương tiện/792 lao động đang hoạt động trên biển và di chuyển về bờ. Trong đó khu vực Bắc Hoàng Sa có 9 phương tiện/114 lao động đang neo dù; 3 phương tiện/99 lao động neo đậu tại đảo Song Tử Tây-Trường Sa; khu vực đảo Cát Bà-Hải Phòng có 15 phương tiện/83 lao động; khu vực từ Quảng Trị đến TT-Huế 22 phương tiện/221 lao động; khu vực biển Đà Nẵng 37 phương tiện/264 lao động; khu vực Khánh Hòa 1 phương tiện/11 lao động. Hiện nay, có 558 phương tiện đang tiếp tục di chuyển từ biển và sông Hàn vào neo đậu tại âu thuyền...
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp đột xuất chiều 17-9. |
Việc ứng phó trên đất liền cũng đang được TP Đà Nẵng triển khai quyết liệt. Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó BCH PCLB&TKCN TP Đà Nẵng cho biết, để chủ động ứng phó, BCH PCLB&TKCN đã đề nghị các địa phương, ban ngành chuẩn bị các phương án phòng chống bão; sẵn sàng triển khai phương án PCLB, thông báo cho nhân dân chằng chống nhà cửa; sẵn sàng triển khai phương án PCLB và phương án sơ tán nhân dân của địa phương, nhất là vùng hạ du các hồ chứa. Sắp xếp tàu thuyền trên sông Hàn và trong khu trú bão, vịnh Mân Quang, theo dõi diễn biến ở các hồ chứa nước, tăng cường công tác chuẩn bị PCLB ở các công trình xây dựng.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, kiêm Trưởng BCH PCLB&TKCN TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã chỉ đạo một số nội dung quan trọng, cần phải khẩn trương tiến hành. Đó là, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, kêu gọi tàu thuyền vào bờ; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; khẩn trương đưa toàn bộ tàu thuyền trên sông Hàn vào khu tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và Vịnh Mân Quang; nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn. Khẩn trương tổ chức phòng, chống cho các công trình xây dựng, nhất là các công trình xây dựng trên cao, các tháp cẩu, nhà cao tầng, các công trình xây dựng. Rà soát phương án PCLB và phương án sơ tán dân, sẵn sàng triển khai kế hoạch phòng chống bão, lũ. Thông báo cho nhân dân biết để tổ chức chằng chống nhà cửa, chú ý đề phòng bão kết hợp với mưa lũ lớn, ngập sâu, lũ quét và sạt lở đất. UBND quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê tổ chức kéo tàu thuyền nhỏ lên bờ. Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng và các địa phương có hồ chứa sẵn sàng triển khai phương án PCLB của hồ; theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh, đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình...
P. Kiếm - B.Thùy