Bão số 9 áp sát đất liền: Bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân là ưu tiên số 1

Thứ tư, 28/10/2020 09:38

Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, ngày 27-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã có chuyến thực tế kiểm tra công tác ứng phó bão tại một số địa phương miền Trung.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra bờ biển Cửa Đại.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát vùng tâm bão

Chiều 27-10, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến kiểm tra tình hình sạt lở tại bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam). Báo cáo với đoàn công tác về tình hình sạt lở bờ biển Cửa Đại, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho hay, do ảnh hưởng của mấy cơn bão trước dọc bờ biển Cửa Đại bị sóng làm xói mòn, xâm thực sâu vào lòng đất nhiều mét. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã xây dựng phương án tạm thời là làm đê tạm, dùng bao cát chắn sóng biển xâm thực. Công tác di dời dân, chủ động ứng phó với bão số 9 đang được gấp rút triển khai, sẽ hoàn thành trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần làn tốt công tác chủ động ứng phó với cơn bão số 9 rất mạnh. “Đây là cơn bão rất mạnh, do đó chính quyền địa phương cần phải tập trung sơ tán người dân ở vùng chịu ảnh hưởng, nhất là người dân vùng ven biển bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão. Các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tập trung bảo vệ tài sản của người dân, đưa tất cả thuyền bè ở ngoài sông, ngoài biển vào trong khu tránh trú an toàn. Mưa lớn sẽ gây ngập lụt nhiều nơi, địa phương cần tính đến phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực ngập úng, lũ ống, lũ quét... Quân đội, Công an là lực lượng nòng cốt phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị sẵn lực lượng, trang thiết bị cần thiết với phương châm chúng ta “4 tại chỗ” kịp thời, cứu hộ, cứu nạn người dân...”, Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Gia đình anh Phạm Tuấn (1981, trú xã Bình Minh, H. Thăng Bình) đào hầm để gia đình tránh bão số 9. 

Sau buổi kiểm tra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đến và thăm hỏi, động viên người dân sơ tán đang ở tại UBND P. Cửa Đại (TP Hội An). Tại đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá rất cao việc bà con đã chủ động bảo vệ tính mạng mình và phối hợp với Nhà nước thực hiện công tác phòng chống bão số 9. Công an địa phương cần bảo vệ tài sản của bà con, đảm bảo ANTT tại khu vực mà bà con sơ tán; chính quyền địa phương cần phải đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết để cho bà con yên tâm. Đến khi nào cơn bão đi qua an toàn rồi thì chúng ta mới đưa bà con trở về lại”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị.

Tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra công tác ứng phó với bão ở Cảng Dung Quất (H. Bình Sơn, Quảng Ngãi). Báo cáo với đoàn công tác về tình hình sơ tán dân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho hay, đến 20 giờ ngày 27-10 sẽ hoàn thành việc sơ tán hơn 119.000 người dân đến nơi trú bão an toàn. Người dân chằng chống nhà cửa để chống bão, tuy nhiên nếu bão mạnh cấp trên cấp 12 khả năng sẽ có nhiều nhà dân bị tốc mái, ngã đổ. Hiện tất cả các tàu thuyền đã được kêu gọi đưa vào nơi trú bão an toàn.

Lực lượng vũ trang TT-Huế giúp dân chằng chống, lợp lại nhà cửa.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự chủ động ứng phó với bão số 9 của lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành địa phương. Theo thông tin mới nhất bão rất mạnh, giật cấp 13 và đi rất nhanh. Quảng Ngãi được dự báo là tâm bão nên công tác ứng phó phải chủ động và khẩn trương, các lực lượng phải phối hợp chặt chẽ về mọi mặt, không để xảy ra bất kỳ sai sót nào.

“Nhiệm vụ quan trọng nhất là sơ tán người dân khu vực chịu ảnh hưởng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi phải hoàn thành việc sơ tán dân trước 19 giờ tối 27-10. Phải rà soát không để người dân nào ở lại, nếu cần thiết phải cưỡng chế những người dân không chịu đi, để đảm bảo tính mạng cho nhân dân. Các nhà máy, công trình trên địa bàn tỉnh cần phải đảm bảo an toàn cho người lao động trú bão an toàn. Đặc biệt quan tâm đến tình hình sạt lở đất, ngập lụt, lũ quét, các hồ đập chứa nước cần xả lũ đúng quy trình...”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

BĐBP Quảng Nam đưa người dân về đơn vị để tránh bão.

Quảng Nam: Huy động mọi lực lượng

Ngày 27-10, ông Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã có chuyến kiểm tra thực tế và chỉ đạo chính quyền các địa phương Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên khẩn trương hoàn thành công tác ứng phó bão số 9 trước 17 giờ chiều cùng ngày. Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, cơn bão số 9 rất mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tỉnh Quảng Nam, vậy nên công tác chuẩn bị ứng phó với tinh thần khẩn trương, bình tĩnh và không được chủ quan. “Thời gian còn lại rất ngắn, chính quyền địa phương cần vận động thanh niên, các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ và bà con hàng xóm khẩn trương kiểm tra, hỗ trợ các gia đình neo đơn, người già chằng chống nhà cửa và di dời đến nơi tránh trú an toàn theo phương án đề ra. Ngay trong chiều nay, các trường hợp bị ốm đau cần được di chuyển đến trạm y tế, bệnh viện huyện để theo dõi điều trị chứ không nên để ở nhà. Những nơi đưa dân đến ở phải vệ sinh sạch sẽ, an toàn, nơi không an toàn thì cương quyết không được đưa dân đến” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường chỉ đạo.

Là một trong những nơi tiếp nhận người dân TP Tam Kỳ đến trú bão, Đại tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Nam cho hay, đơn vị đã bố trí phòng hội trường của đơn vị làm nơi trú tránh bão cho khoảng 500 người dân đến sơ tán. Để đảm bảo các điều kiện, từ nhiều ngày qua, các chiến sĩ BĐBP tỉnh đã dọn dẹp, di chuyển bàn ghế đến vị trí khác, đồng thời lau chùi sân nền sẵn sàng tiếp đón người dân. Bên cạnh bố trí chỗ ở, BĐBP tỉnh cũng đảm bảo các điều kiện về thức ăn, nước sinh hoạt, phục vụ tốt nhất có thể, giúp người dân yên tâm trú tránh bão an toàn.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng- Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam thông tin, hiện nay CA tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng phối hợp chặt chẽ với CA các địa phương để tiến hành di dời sơ tán dân ở nơi vùng trũng thấp, ven biển, nơi dễ xảy ra sạt lở sau bão lụt. Đồng thời, phối hợp với lực lượng biên phòng đưa những tàu thuyền vào trú đậu an toàn. Những khu vực có nguy cơ như ngầm tràn, các vùng trũng thấp, những khu vực bị đe dọa sạt lở cũng có công an túc trực, chốt chặn, nghiêm cấm phương tiện qua lại khi có mưa lớn, nước ngập sâu. Lực lượng khác tham gia nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn cũng đã khẩn trương chuẩn bị các phương tiện ca nô, áo phao... huy động CBCS để tìm kiếm cứu nạn trong tình huống cần điều động. “Quán triệt phương châm “4 tại chỗ”, lực lượng công an được huy động thường trực 100% quân số và túc trực 24/24 giờ để sẵn sàng lực lượng, phương tiện, kịp thời triển khai công tác ứng phó khi có yêu cầu. Đồng thời đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão lũ”- Thiếu tướng Dũng nhấn mạnh...

Các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân xã đảo Tam Hải (H. Núi Thành) đến nơi tránh trú bão an toàn. 

Quảng Ngãi: Thành lập ban chỉ huy tiền phương chống bão

Ngày 27-10, ông Đặng Văn Minh- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký Quyết định về việc thành lập Ban chỉ huy tiền phương nhằm chủ động ứng phó với bão số 9. Ban chỉ huy gồm 16 người do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, 2 Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tăng Bính và Đặng Ngọc Dũng làm phó trưởng ban trực chiến làm việc tại trụ sở UBND tỉnh.  Ban chỉ huy tiền phương đã tiến hành thị sát, nắm tình hình thực tế tại các địa phương để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục bão số 9 trên địa bàn tỉnh; huy động các lực lượng, trang thiết bị và nhu yếu phẩm cần thiết kịp thời chi viện, hỗ trợ công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 9.

Nhận được thông tin cơn bão số 9 sắp đổ bộ, người dân ở tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động chằng chống nhà cửa. Ghi nhận tại các xã giáp biển H. Bình Sơn trong ngày 27-10, người dân tập trung xúc cát, sỏi cho vào bao vận chuyển lên chằng chống mái tôn nhà, không khí đang rất khẩn trương. Dọc các xã ven biển của H. Bình Sơn, loa truyền thanh của địa phương liên tục cập nhật những tin tức về bão, hướng dẫn bà con cách phòng chống. Các lực lượng chức năng của xã, huyện được huy động để hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa. “Xem thông tin trên báo đài biết được cơn bão này rất mạnh nên gia đình tôi xúc cát vào bao chằng chống mái tôn gió không làm tốc mái nhà. Gia đình được chính quyền địa phương vận động đưa đi trú bão ở nơi kiên cố hơn, bởi căn nhà cấp 4 của tôi cũng đã xuống cấp, chính quyền không cho ở sợ nguy hiểm đến tính mạng”, ông Trương Văn Đại (50 tuổi, trú xã Bình Hải, H. Bình Sơn) tâm sự.

Huy động lực lượng dùng bao cát đựng đất để chống sạt lở bờ biển Phú Thuận, TT-Huế.

TT-Huế: Nghiêm cấm người dân ra khỏi nhà

Theo Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, người dân vẫn đang còn chủ quan trước những cảnh báo. Do vậy, yêu cầu các lực lượng phải ứng trực, chuẩn bị sẵn các phương tiện tại chỗ để sẵn sàng huy động khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng thời yêu cầu các địa phương rà soát, đưa phụ nữ mang thai có dấu hiệu sắp sinh đến bệnh viện trong ngày hôm nay để không xảy ra các tình huống thương tâm như trận lũ ở Huế vừa qua. “Tuyệt đối không để có thêm người dân nào chết trong lũ bão”- ông Phan Ngọc Thọ nói. Đến chiều tối 27-10, toàn tỉnh có khoảng 15.000 hộ dân ở các vùng xung yếu, các địa phương được di dời.

Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm phối hợp với địa phương kéo phương tiện lên bờ tránh bão. 

Ngày 27-10, hàng trăm CBCS của CA TT-Huế cùng chính quyền và các lực lượng khác đã cấp tốc triển khai các công tác ứng phó với bão, chủ động giúp dân chằng chống nhà cửa, đốn hạ cây cối để ứng phó với bão. Tại P.Kim Long (TP Huế), ngay từ sáng sớm, lực lượng CAP phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố gấp rút chuẩn bị các bao cát, mỗi bao nặng hơn 15kg và vận chuyển đến các hộ có người già neo đơn, sống một mình, người dân ở các vùng nguy hiểm để chằng chống mái nhà. Đồng thời, tổ chức cưa, đốn hạ các cành cây lớn có thể gây nguy hiểm khi mưa bão đến. Đề phòng bão gây mưa lớn, tái diễn tình trạng ngập úng, gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt của người dân, lực lượng CA cùng với chính quyền các địa phương gấp rút chuyển, phát gạo hỗ trợ của Nhà nước, trao tận tay cho các hộ dân nghèo và cận nghèo trên địa bàn.

Cùng với lực lượng CA, để giúp nhân dân kịp thời ứng phó với những diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, Bộ CHQS đã điều động hơn 3.100 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân đã được huy động về các địa phương trên địa bàn tỉnh để cùng với người dân tập trung ứng phó với cơn bão số 9. Lực lượng quân đội đã chia làm nhiều hướng, nhiều địa điểm gấp rút thực hiện các công việc như: giúp nhân dân chằng chống lại nhà cửa; chặt cây, tỉa cành tại các trục đường chính, các cây lớn xung quanh nhà của người dân; đắp bao cát lên các mái nhà ở, trường học...

LÊ VƯƠNG – TRẦN TÂN – HẢI LAN

 

26 ngư dân mất tích trên 2 tàu cá bị chìm

Tối 27-10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết có 2 tàu của tỉnh này bị chìm khi di chuyển tránh bão số 9. Khoảng 16 giờ 30 ngày 27-10, tàu cá BĐ 97469 TS của ông Võ Ngọc Đoan (ở xã Hoài Hải, TX Hoài Nhơn, Bình Định) làm chủ kiêm thuyền trưởng, trên tàu có tổng cộng 14 lao động, bị chìm khi đang chạy tránh trú bão số 9. Tàu cá BĐ 96388 TS của ông Lê Vạn (ở P.Hoài Thanh, TX Hoài Nhơn) đang trên đường chạy về cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) để tránh bão thì tàu bị phá nước và chìm vào lúc 13 giờ cùng ngày, 12 ngư dân trên tàu này đang mất tích. Hiện gia đình và các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định chưa có thông tin và chưa liên lạc được các ngư dân này. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn điều phương tiện hỗ trợ tìm kiếm 2 tàu cá nói trên.

Miền Trung sơ tán hơn 570.000 người dân

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại Đà Nẵng cho biết các tỉnh từ Thừa Thiên -Huế đến Phú Yên trong đợt này sẽ sơ tán 146.866 hộ với 571.746 người. Trong đó, Thừa Thiên Huế: 18.238 hộ/63.768 người, dự kiến xong trước 15 giờ ngày 27-10. Đà Nẵng: 35.229/140.868, dự kiến xong trước 15 giờ ngày 27-10. Quảng Nam 37.169 hộ/148.675 người dự kiến xong trước 17 giờ ngày 27-10. Quảng Ngãi: 24.507 hộ/94.269 người, dự kiến xong trước 17 giờ ngày 27-10. Bình Định: 23.673 hộ/96.513 người, dự kiến xong trước 19 giờ ngày 27-10. Phú Yên: 8.050 hộ/27.653 người dự kiến xong trước 17 giờ ngày 27-10.

P.V

>> Bão số 9 áp sát Quảng Ngãi, mạnh cấp 12

>> Trực tiếp: Bão số 9 cấp cuồng phong giật tung nhiều nóc nhà

>> Chủ động khi bão vào, cẩn trọng khi bão vừa tan