Bão số 9 tàn phá nặng nề miền Trung - Tây Nguyên
Bão số 9 với cường độ cực mạnh, quần thảo nhiều giờ đồng hồ trên đất liền khiến các địa phương từ Đà Nẵng đến Bình Định, Tây Nguyên thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Người dân một số tỉnh đang bàng hoàng vì sức tàn phá ghê gớm sẽ phải khắc phục hậu quả trong bối cảnh lũ thượng nguồn đổ về và một cơn bão khác đã hình thành ngoài khơi.
Một cây cổ thụ bật gốc trên đường phố Đà Nẵng. |
Quảng Ngãi: Cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng
Quảng Ngãi được xác định là tâm bão số 9 nên hậu quả để lại sau cơn bão đi qua rất nặng nề. Anh Nguyễn Nam làm việc tại Trạm Hải văn Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, tại Lý Sơn, gió bắt đầu mạnh lên từ trước nửa đêm hôm 27-10. Tốc độc gió cấp 11, 12, giật 13, 14. Sóng lớn cao hàng chục mét liên tục đập vào bờ dữ dội. Đến đầu giờ chiều 28-10, nhiều nơi ở Lý Sơn nhà bị sập, tốc mái, xiêu vẹo…
Ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Cơn bão số 9 đã làm gần 1.000 nhà dân trên đảo Lý Sơn bị tốc mái và gần 50 chiếc ca nô bị sóng biển đánh chìm. Gió mạnh cũng làm ngã đổ nhiều cây cối trên đảo Lý Sơn. Rất may cơn bão này không có gây thương vong về người”. Tương tự, tại H. Bình Sơn và nhiều địa phương lân cận của Quảng Ngãi cũng bị thiệt hại nặng nề. Nhiều công trình trường học, nhà trẻ, mẫu giáo bị tốc mái, cây cối ngã đổ khắp nơi.
Chiều 28-10, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi có báo cáo nhanh về tình hình sau khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ra công điện khẩn, yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục ứng phó tình hình sau bão. Theo báo cáo, tính đến 17 giờ ngày 28-10, Quảng Ngãi chưa có thiệt hại về người do bão số 9 gây ra, tuy nhiên nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, Điện lực Quảng Ngãi tiến hành cắt phụ tải, hầu hết các huyện đang bị mất điện trên diện rộng…
Quảng Nam: 2 nạn nhân bị vùi lấp
Tại Quảng Nam ban đầu đã có thiệt hại về người do bão số 9 gây ra. Cụ thể, chiều 28-10, UBND H. Phước Sơn cho biết đã quyết định thành lập đội tìm kiếm cứu nạn, chuẩn bị lực lượng, phương tiện để triển khai tìm kiếm 2 nạn nhân bị vùi lấp tại xã Phước Lộc. Thông tin ban đầu, khoảng 14 giờ 30 cùng ngày, anh Hồ Văn Độ (1992, Phó Bí thư Đoàn xã Phước Lộc, H. Phước Sơn) và anh Hồ Văn Sợ (1995, cán bộ Ban Dân vận xã Phước Lộc) trong lúc đi làm nhiệm vụ kiểm tra, hỗ trợ dân sơ tán thì bị núi lở, vùi lấp mất tích. Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay (29-10) lực lượng chức năng H. Phước Sơn tiến hành tìm kiếm 2 nạn nhân bị vùi lấp.
Sau khi bão tạm lắng, lực lượng Phản ứng nhanh CA tỉnh Quảng Nam giúp dân dọn dẹp cây đổ, thông các tuyến đường trên địa bàn Tam Kỳ. |
Cũng trong chiều 28-10, một vụ sạt lở núi xảy ra tại trung tâm H. Nam Trà My vùi lấp nhiều nhà dân, khiến giao thông từ huyện về các xã bị cô lập hoàn toàn. Theo thông tin ban đầu, mưa lớn làm đất đá đổ sập xuống khu dân cư, vùi lấp một phần nhà cửa của nhiều hộ dân ở xã Trà Mai. Đất đá sạt lở theo mưa lớn chảy tràn xuống đường kéo dài hàng chục mét. Có 4 người dân bị đất đá vùi lấp may mắn đã thoát được. Thống kê ban đầu cho thấy có khoảng 100 nhà dân bị ảnh hưởng. Chính quyền địa phương đã sơ tán những hộ dân bị ảnh hưởng đưa đến trụ sở Đài phát thanh huyện để trú ẩn.
Đất đá sạt lở trưa 28-10 tràn vào trung tâm H. Nam Trà My, Quảng Nam. |
Tại TP Tam Kỳ, gió giật mạnh đã làm tốc mái toàn bộ mái tôn của Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. Thời điểm xảy ra sự việc, Khoa Nội tiêu hóa có 48 bệnh nhân đang điều trị. Các bác sĩ đã đưa các bệnh nhân đến những khu vực an toàn. Bà Đinh Thị Thanh Thúy - nhân viên Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, vào thời điểm bà nhìn thấy mái tôn của Khoa nội tiêu hóa bị gió làm bay lên khoảng nửa mét nên đã hô hoán để các bác sĩ biết để sơ tán bệnh nhân. Rất nhanh chóng các bệnh nhân đã được sơ tán đến khu vực an toàn.
Nhà người dân ở xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ) bị sập đổ hoàn toàn. |
Tây Nguyên: Nhiều vùng bị cô lập
Tại các tỉnh bắc Tây Nguyên, từ rạng sáng ngày 28-10, một số tuyến đường giao thông đa bị chia cắt do sạt lở, cây cối gãy đổ, hàng trăm hộ dân bị cô lập. Nhiều căn nhà bị tốc mái, hoa màu bị hư hại. Trong đó, Gia Lai là địa phương đã có 1 người tử vong do cơn bão số 9.
Khoảng 10 giờ ngày 28-10, tại TP Pleiku (Gia Lai), đã có 1 nạn nhân tử vong do cơn bão số 9. Nạn nhân là anh Puih Pyan (1988, trú P. Chi Lăng, TP Pleiku, Gia Lai). Thông tin ban đầu xác định, anh Pyan đang lưu thông trên đường Nguyễn Viết Xuân (P. Hội Phú, TP Pleiku) thì gặp gió mạnh nên dừng xe trú vào căn chòi tạm bên đường tại ngã tư Nguyễn Viết Xuân – Lê Thị Riêng. Bất ngờ, bức tường của căn chòi đổ xuống đè mạnh vào phần đầu nạn nhân. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng đến đầu giờ chiều cùng ngày, anh Pyan đã tử vong tại bệnh viện. Trên địa bàn các huyện, thị, thành phố của tỉnh Gia Lai mưa lớn kèm gió mạnh đã gây thiệt hại sơ bộ. Tại H. Chư Sê, H. Phú Thiện, H. Kông Chro và TP Pleiku đã có hàng chục căn nhà bị tốc mái, nhiều trường học, công trình công cộng bị hư hỏng. Hàng trăm héc-ta lúa, hoa màu, cây công nghiệp đã bị ngã đổ do gió mạnh.
Tại Kon Tum, một số tuyến đường giao thông huyết mạch bị chia cắt do sạt lở, cây cối gãy đổ và đã có hàng trăm hộ dân bị cô lập. Trên tuyến Quốc lộ 24 từ Kon Tum đi Quảng Ngãi đã bị ách tắc do xuất hiện 2 điểm sạt lở. Tại H. Kon Rẫy, tuyến đường vào xã Đăk Pne đã bị chia cắt khi lũ lớn đã cuốn trôi hoàn toàn cầu sắt đi vào xã. Hiện 3 thôn của xã với 438 hộ và trên 1.400 khẩu đã bị chia cắt hoàn toàn. Một số hồ chứa của các đơn vị thủy điện mực nước vấn tiếp tục dâng cao. Trước tình hình diễn biến phức tạp bởi bão lũ, Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum đã tổ chức thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 9 tại các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề bởi bão số 9. Thống kê sơ bộ của tỉnh Kon Tum, tính đến 15 giờ ngày 28-10, đã có 31 căn nhà bị hư hại, tốc mái.
Mưa lớn, gió mạnh sập tường đè chết một người trú tránh tại địa bàn phường Hội Phú, TP Pleiku, Gia Lai. |
TT-Huế: Hơn 1.200 phương tiện tạm dừng di chuyển trên QL1A
Ông Phan Thanh Hùng- Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB & TKCN Thừa Thiên – Huế cho biết, đến tối 28-10, hơn 19.000 hộ dân với hơn 65.000 khẩu được sơ tán vẫn chưa trở về nhà. Đối với tàu hàng Công Thành 27 đang chìm tại vùng biển xã Vinh Hiền (H.Phú Lộc, TT-Huế), UBND tỉnh TT-Huế giao Bộ Chỉ huy BĐBP, CA tỉnh và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện công tác trục vớt tàu Công Thành 27 nhằm đảm bảo an toàn giao thông hàng hải, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, sự cố tràn dầu có thể phát sinh.
Theo CA tỉnh TT-Huế, để tránh ảnh hưởng của cơn bão số 9, từ 0 giờ 30 sáng 28-10, hầm đường bộ Hải Vân đã đóng chiều Bắc Nam và đến 6 giờ 30 thì đã đóng hoàn toàn 2 chiều để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện không đi vào vùng tâm bão. Lực lượng CSGT CA tỉnh TT-Huế đã túc trực ở khu vực này 24/24 giờ từ ngày ngày 27-10 để tuyên truyền, vận động các tài xế không đi vào vùng có bão cũng như điều tiết, sắp xếp vị trí và phân luồng các phương tiện để hạn chế tình trạng ùn tắc cục bộ có thể xảy ra. Lực lượng CSGT CA tỉnh đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và người dân nấu hơn 1.000 suất cơm, chuẩn bị hơn 1.000 chai nước suối phát miễn phí cho những tài xế, hành khách đang bị kẹt lại do bão.
Theo Phòng CSGT CA tỉnh TT-Huế, tính đến 20 giờ tối 28-10,do tình hình bão số 9 vẫn còn diễn biến rất phức tạp nên các phương tiện vẫn sẽ phải tiếp tục tạm dừng, chưa di chuyển. Đoàn xe dừng trên tuyến QL1A kéo dài hơn 10km, chia làm 2 đoạn, đoạn một từ Nam đèo Phú Gia đến km 894, đoạn 2 từ Bắc đèo Phú gia đến km 862, lượng phương tiện đang dừng ước tính hơn 1.200 phương tiện.
L.VƯƠNG – T.TÂN – M.TÂN – H.LAN
Sẵn sàng phương án điều máy bay ứng cứu 26 thuyền viên gặp nạn Trưa 28-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lực lượng chức năng chuẩn bị ngay phương án dùng máy bay để cứu hộ 26 thuyền viên mất tích trên biển khi điều kiện cho phép. Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, do ảnh hưởng của bão số 9, đã có hai tàu cá bị chìm, 26 thuyền viên mất tích. Ngoài ra, một tàu cá cũng đang gặp sự cố và có nguy cơ chìm trên đường về bờ vì sóng to gió lớn. Cụ thể, tàu cá đang gặp sự cố và có nguy cơ chìm là tàu BĐ 98658TS do ông Nguyễn Văn Toàn (trú Bồng Sơn, Hoài Nhơn) lái. Đây là tàu cá đang đi tìm 12 thuyền viên mất tích trên tàu cá BĐ96388-TS bị chìm lúc 13 giờ ngày 27-10. Tàu cá thứ hai bị chìm vào lúc 16 giờ 30 cùng ngày là tàu cá BĐ 97469 TS. Lúc này, tàu đang chở 14 thuyền viên thì bị phá nước, chìm tại vị trí 12,1 độ vĩ bắc, 112,8 độ kinh đông, cách phía đông Nha Trang, Khánh Hòa khoảng 170 hải lý. Bên cạnh đưa tàu lớn ra ứng cứu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chuẩn bị phương án tập trung máy bay ứng cứu khi điều kiện thời tiết cho phép. “Với tình hình cứu nạn trên biển xa như vậy, tàu thuyền đi ra rất khó khăn, thì việc đưa máy bay ra là phù hợp. Chúng ta sẽ phải có chương trình cứu nạn rất cụ thể bằng máy bay, dùng các phương tiện hiện đại để giảm thiểu thiệt hại”, Phó Thủ tướng nói. P.V |