Bảo tàng cách mạng đặc biệt giữa lòng dân... xuống cấp
(Cadn.com.vn) - Từ năm 1971 đến 1973, Bộ Tư lệnh 559 - Bộ đội Trường Sơn về đóng quân tại xã Hiền Ninh, H.Quảng Ninh (Quảng Bình), cùng nhân dân trong vùng chiến đấu trong mưa bom bão đạn, tình quân dân cũng vì thế càng trở nên gắn bó hơn bao giờ hết. Sau khi đất nước nối liền một dải, bộ đội rút đi nhưng những kỷ vật về một thời máu lửa, gắn với cuộc chiến tranh vệ quốc như ăng gô, bi đông, túi cứu thương, ruột tượng, cuốc xẻng, phích nước, mảnh bom, mảnh đạn, mảnh xác máy bay Mỹ... thì được tặng lại cho bà con nơi đây làm kỷ niệm. Phòng sinh hoạt trước đây trở thành "bảo tàng" cách mạng giữa lòng dân.
Không chỉ là những vật dụng bình thường, ở đây còn lưu giữ một khẩu súng máy Bộ Tư lệnh 559 giao cho bác Nguyễn Đức Thể sử dụng, một cây kiếm tự tạo của ông Nguyễn Văn Phúc người làng Cổ Hiền, tham gia du kích từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, một lưỡi lê của ông Nguyễn Viết Hạ, du kích làng Cổ Hiền. Cây đại đao của bác Trương Đình Trung, gắn bó cùng bác và đồng đội suốt thời gian đầu chống Pháp. Bảo tàng cũng trân trọng lưu giữ tấm bằng khen của Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Bình trao cho cụ Nguyễn Văn Nho, nguyên Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh là chiến sĩ "Hai giỏi" trong suốt 10 năm liền từ năm 1965 đến 1975, bức thư Hồ Chủ tịch khen ngợi đồng bào, chiến sĩ tỉnh Quảng Bình bắn rơi 100 máy bay Mỹ và nhiều tranh ảnh, tư liệu quý.
Ngày 22-3-1990, nơi đây đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Đặc biệt, xuân Ất Hợi 1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm quê đã đến thăm xã Hiền Ninh và có để lại bút tích với nội dung: "Chúc bà con xã Hiền Ninh phát huy truyền thống quê hương hai giỏi, xây dựng làng xã giàu đẹp, nhân dân hạnh phúc, mọi nhà đều hòa thuận, phấn đấu trở thành làng xã gương mẫu trong sự nghiệp đổi mới của tỉnh nhà".
Một số hiện vật quý. |
Phòng trưng bày ẩm thấp, xuống cấp nghiêm trọng. |
Hơn 200 hiện vật, trong đó có những hiện vật đã tồn tại suốt một thế kỷ qua, ẩn chứa trong đó cả một sức nặng về giá trị lịch sử. Nhưng theo thời gian, phòng trưng bày bị xuống cấp, hiện vật cũng vì thế bị hư hỏng. Sau cơn bão số 10 năm 2013, Hội trường của đoàn 559 bị xuống cấp trầm trọng. Mái ngói dột tứ tung mỗi khi có mưa to, từng mảnh tường bị ngấm nước, ẩm mốc.
Một cán bộ văn hóa xã Hiền Ninh cho biết, cứ đến mùa mưa lũ là các cán bộ ở đây phải đưa hiện vật đi di tản ở một gian phòng tại trụ sở UBND xã mới. Ông Nguyễn Ngọc Hùng- Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh cho biết, khoảng hai, ba năm xã bỏ kinh phí ra để thay khung một lần cho các hiện vật, nhưng môi trường ẩm thấp nên thay đi thay lại nhiều lần các hiện vật vẫn bị mối mọt, úa vàng. "Nguy cơ hư hỏng của các hiện vật ngày càng cao, chúng tôi nhiều lần đề xuất với các cơ quan ban, ngành liên quan để xin kinh phí xây dựng phòng trưng bày nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết", ông Hùng lo lắng.
Duy Ngọc