Bảo tàng di sản vô giá của Réhahn
(Cadn.com.vn) - Trong ngôi nhà nhỏ giữa đô thị cổ Hội An, nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn trưng bày 500 bức ảnh đặc sắc nhất trong hành trình “đi tìm những điều thú vị, cho ta nguồn cảm hứng bất tận” của mình gồm hình ảnh của những đứa trẻ hồn nhiên, những người phụ nữ Việt Nam; những hiện vật, trang phục truyền thống của các dân tộc ít người Việt Nam… là một bảo tàng di sản vô giá…
Réhahn từng đưa hình ảnh cụ bà Huỳnh Thị Xong ra khắp thế giới. |
Nói như lời của ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm TT-VH Hội An, Bảo tàng di sản văn hóa vô giá của Réhahn chính là nơi tinh hoa hội tụ, ở đó, từng bức tranh, từng hiện vật là hơi thở, nhịp đập của cuộc sống thường nhật của con người Hội An mà anh muốn “sẻ chia những câu chuyện tâm tình”. Réhahn kể: “Thật ra tôi không phải chỉ đến Việt Nam, trước khi đến đây tôi đã trải qua 35 quốc gia trên thế giới nhưng Việt Nam là nơi mang lại cho tôi nguồn cảm hứng mãnh liệt nhất. Đất nước, con người Việt Nam đã hút hồn tôi như đứa trẻ tìm đến bầu sữa mẹ”. Cũng vì tình yêu đó mà suốt 7 năm qua, mọi miền quê trên dải đất hình chữ S đều hằn dấu chân Réhahn. Đến đâu anh cũng ghi lại nhịp đập cuộc sống ở đó, tìm hiểu cặn kẽ về văn hóa từng vùng đất. Và những chuyến đi ấy cuối cùng cũng gặt hái “quả ngọt”. Đầu năm 2017, Réhahn đã chọn ngôi nhà số 26-Phan Bội Châu (TP Hội An, Quảng Nam) để làm “sân khấu” cho những giá trị văn hóa truyền thống bay cao. Ở đây, Réhahn trưng bày 500 bức ảnh tâm đắc mà chủ yếu là về những đứa trẻ ở các làng bản đồng bào dân tộc thiểu số, hình ảnh người phụ nữ của 54 dân tộc Việt Nam. Trong đó, có tấm ảnh bà cụ Huỳnh Thị Xong, lái đò trên sông Thu Bồn ở Hội An do Réhahn chụp đã đăng trên trang Du lịch của báoLos Angeles Times ngày 1-12-2014. Cụ bà Huỳnh Thị Xong từng được báo chí thế giới phong là “Người đàn bà đẹp nhất thế giới”. “Trong chính mỗi con người Việt Nam đều lưu giữ một nét văn hóa mà ta chưa khám phá. Tôi phải thật sự cảm ơn bà Xong. Từng đường nét, hằn in dấu chân chim vì năm tháng vất vả nuôi con của bà là câu chuyện của lòng bao dung, hy sinh của người phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh bà Xong được tôi đưa đi khắp thế giới, được mọi người đón nhận và trân trọng, để rồi tất cả đều muốn một lần gặp bà trong đời”.
Ngoài ra, với hình ảnh của những đứa trẻ nơi miền cao sơn cước, những đứa trẻ mà Réhahn từng gặp đều để lại dấu ấn trong anh. Ví như những đứa trẻ Cơ Tu tại H. Đông Giang (Quảng Nam) được Réhahn ghi lại trong những bộ trang phục truyền thống, là những đứa trẻ biết yêu thương, sẵn sàng chia sẻ nhau từng phần quà, miếng bánh khi anh tặng. Đặc biệt, hàng trăm hiện vật, trang phục truyền thống của các dân tộc ít người được Réhahn sưu tầm đều được trưng bày, giới thiệu khắp năm châu. Réhahn chia sẻ, anh thật sự ấn tượng với từng hiện vật, trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Mỗi lần đến đâu tôi đều quyết tâm tìm mua cho bằng được. Như lần thực tế về làng Le (xã Mô rai, H. Sa Thầy, Kon Tum) để tìm hiểu về văn hóa của người Mơ Râm, một trong ba dân tộc có số lượng người ít nhất Việt Nam với chỉ hơn 400 người, những bộ đồ truyền thống của họ thật sự đẹp và cuốn hút anh. Réhahn tò mò muốn mua một bộ nhưng những người trong làng một mực không bán vì chỉ còn 12 bộ. Thế rồi, nhờ những mối quan hệ, biết được thiện chí của anh nên già làng đã tặng anh một bộ. “Đó thật sự là điều tuyệt vời nhất, khiến tôi càng yêu Việt Nam”, Réhahn, bộc bạch.
Bức ảnh những đứa trẻ dân tộc thiểu số được trưng bày tại bảo tàng. |
Hiện nay, với Bảo tàng di sản vô giá được mở cửa miễn phí, Réhahn không giữ những câu chuyện trải nghiệm của cuộc đời cho riêng mình. Anh giới thiệu, quảng bá cho du khách đến thăm bằng ba thứ tiếng Việt Nam, Pháp, Anh. Bà Eva Nguyễn Bình - Tham tán hợp tác và hoạt động văn hóa Việt- Pháp, nhấn mạnh: “Réhahn cũng giống như chúng tôi, những người nỗ lực gắn bó hai nền văn hóa Việt- Pháp, với cả những nền văn hóa thế giới thì hoạt động đưa những giá trị văn hóa lan tỏa khắp nơi là trách nhiệm mà chúng ta phải làm. Tôi, Réhahn cùng các bạn cần phải phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để có thể kết nối những nhịp cầu nối đôi bờ văn hóa”.
Phi Nông