Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng chật vật vì COVID-19

Thứ tư, 10/11/2021 16:01

Là đơn vị tự chủ hoàn toàn, 10 năm qua, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (Bảo tàng Chăm Đà Nẵng) đã đóng góp vào ngân sách của TP khoảng 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai năm qua, do ảnh hưởng bởi đại địch COVID-19, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng phải nhờ sự hỗ trợ của TP để chi trả lương và một phần chi phí hành chính.

Bảo tàng Chăm Đà Nẵng là một trong số những bảo tàng có nhiều bảo vật quốc gia của cả nước. Ảnh: P.T

Là một trong 12 bảo tàng quốc gia loại 1 của cả nước, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng hiện là bảo tàng có nhiều bảo vật quốc gia nhất (6 bảo vật quốc gia). Đây cũng là bảo tàng vinh dự được đón nhiều nguyên thủ, lãnh đạo của các quốc gia đến tham quan. Bảo tàng Chăm Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp hành chính trực thuộc duy nhất của Sở Văn hóa và Thể thao (VH và TT) tự chủ hoàn toàn.

Qua ông Hồ Tấn Tuấn- Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, được biết, kể từ khi thực hiện cơ chế tự chủ đến nay, Bảo tàng đã đóng góp vào ngân sách TP khoảng 50 tỷ đồng; trong đó riêng trong 3 năm từ 2017-2019 là 19,5 tỷ đồng. Số tiền còn lại được Bảo tàng dùng để chi trả lương cho cán bộ viên chức và một phần để chi trả chi phí hành chính. Tuy nhiên, gần 2 năm qua, kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, bùng phát và kéo dài đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cán bộ viên chức cũng như công tác bảo tồn, tu bổ các hiện vật tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Bởi nguồn thu chính của Bảo tàng Chăm Đà Nẵng hoàn toàn dựa vào việc bán vé tham quan với lượng khách quốc tế chiếm đến 90%, khách nội địa chỉ chiếm 10%.

Tại buổi làm việc giữa Phó Chủ tịch TP Ngô Thị Kim Yến với ngành VH và TT cuối tuần qua, ông Hồ Tấn Tuấn cho biết, trong năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Bảo tàng đã tận dụng tất cả các loại quỹ còn lại để chi trả lương và chi phí hành chính được 9 tháng; từ tháng 10-12 thì TP hỗ trợ tiền lương. Riêng 2021, với sự tham mưu của ngành Du lịch, HĐND TP đã thông qua nghị quyết miễn thu phí tham quan đối với danh thắng Ngũ Hành Sơn, các công trình văn hóa và các bảo tàng trên địa bàn TP. Theo đó, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng được TP hỗ trợ kinh phí để chi trả lương và chi phí theo lương, riêng kinh phí chuyên môn không có. "Trước khi dịch bệnh xảy ra, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng có trên 40 cán bộ viên chức, nay do tình hình khó khăn, giảm xuống còn 35 cán bộ viên chức", ông Hồ Tấn Tuấn cho hay.

Ngoài khó khăn trên, một khó khăn nữa ảnh hưởng lớn đến công tác phục vụ du khách, đồng thời ít nhiều cũng ảnh hưởng đến bộ mặt của TP đó là, gần 2 năm nay, do không có kinh phí để chi trả điện trưng bày nên Bảo tàng Chăm buộc phải hạn chế đến mức tối đa việc bật điện chiếu sáng tại các khu trưng bày hiện vật. "Với mặt bằng diện tích gần 3.000m2 trưng bày, hệ thống điện hiện đại chiếu sáng hiện vật mỗi tháng tiền điện để chiếu sáng hiện vật phục vụ du khách là 20 triệu đồng. Mỗi lần khách đến tham quan miễn phí, chúng tôi chỉ dám bật một, hai bóng mà thôi, nên lượng điện chiếu sáng hiện vật rất ít. Mà có khi cũng tắt luôn. Điều này đã ảnh hưởng đến việc tham quan của du khách, cũng như ảnh hưởng đến bộ mặt của TP", ông Hồ Tấn Tuấn trầm ngâm cho hay.

Ngoài khó khăn trên, một khó khăn cũng là nỗi trăn trở lớn đối với những người làm công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng là sự xuống cấp của các hiện vật. "Đa phần hiện vật tại Bảo tàng Chăm đều trên 1.000 năm tuổi lại là đá sa thạch, mỗi một ngày là xuống cấp nghiêm trọng. Với thời tiết khắc nghiệt của miền Trung, đặc biệt là độ ẩm của nước ta cao nên trong phòng trưng bày rất lạnh lẽo, hiện vật bằng đá càng xuống cấp trầm trọng. Theo đó, hoa văn, hoa tai trên thân tượng dần dần bị mất đi. Điều này dẫn đến khó khăn trong giải pháp bảo tồn lâu dài và thiếu kinh phí thực hiện cho công tác này…", ông Hồ Tấn Tuấn trăn trở.

Chia sẻ những khó khăn của ngành VH và TT nói chung, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng nói riêng, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Kim Yến cho biết, lãnh đạo TP rất quan tâm đầu tư cho lĩnh vực VH và TT. Vì thế, theo bà Ngô Thị Kim Yến không thể vì việc không có nguồn thu mà để hiện vật xuống cấp. Bởi lẽ, đối với các hiện vật thì cần được bảo quản, bảo tồn thường xuyên. "Đợi đến khi có tiền rồi mới đầu tư để bảo tồn, bảo quản thì các hiện vật đã xuống cấp nghiêm trọng. Lúc đó có muốn đầu tư cũng không được. Có thể lúc này chúng ta chỉ chi 1 đồng cho công tác bảo tồn, nhưng vài năm nữa chi 10 đồng cũng không làm được khi mà hiện vật đã xuống cấp", bà Ngô Thị Kim Yến nôm na.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị cần mạnh dạn đề xuất kiến nghị. "Nếu các đơn vị không đề xuất thì UBND TP không thể biết hết được. Nếu các anh chị đã đề xuất rồi mà UBND TP không đồng ý thì lúc đó trách nhiệm thuộc về UBND TP", bà Kim Yến nhấn mạnh. Theo bà Yến, đối với vấn đề liên quan đến kinh phí để bảo quản, bảo tồn các hiện vật, di tích, đề nghị Phòng Kế hoạch tài chính của Sở VH và TT phải có hướng dẫn kỹ cho các đơn vị chuyên môn, chuyên ngành. Vướng ở đâu thì phải gỡ ở đó. 

P.Thủy