"Bảo tàng nông nghiệp" tư nhân
Hơn 40 năm qua, khu vườn Đỗ Gia Viên với ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường của ông Đỗ Hữu Minh (63 tuổi, thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nằm tĩnh lặng, yên ả như không hề hay biết đến cuộc sống xô bồ nơi phố thị. Điểm đặc biệt là du khách dễ dàng nhận thấy nơi đây trông như một bảo tàng nông nghiệp thu nhỏ với hàng trăm đồ dùng, vật dụng trong ngành nông nghiệp Việt Nam qua các thời kỳ.
Nhà "bảo tàng" trưng bày nông, ngư cụ của ông Đỗ Hữu Minh. |
Theo ông Đỗ Hữu Minh, ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường có tuổi đời khoảng trên 200 năm. Ngôi nhà được thiết kế theo lối kiến trúc thuần Việt, kiểu 3 gian 2 chái, được làm hoàn toàn bằng gỗ mít, loại gỗ bền, ít mối mọt và được xây dựng bởi những đôi bàn tay tài hoa của những người thợ làng mộc Kim Bồng trong suốt 3 năm. Trong nhà vẫn còn lưu giữ nhiều vật dụng như: nồi đồng, cối xay bột, cối giã gạo, bộ trường kỷ, siêu nước, bộ ấm chén, bàn là, hay những tấm hoành phi được treo ngay ngắn, trang trọng. Ngoài ba gian của ngôi nhà cổ, xung quanh khuôn viên rộng gần 5.000m2 cũng được chủ nhà trồng cây ăn trái, trưng bày các vật dụng làm nông nghiệp. Tất cả gợi nhớ những hình ảnh rất quen thuộc, gần gũi của làng quê nông thôn trước kia. "Đây là ngôi nhà của tiền nhân để lại nên gia đình luôn cố gắng giữ gìn, bảo tồn những văn hóa của cha ông cho con cháu sau này hiểu những nét truyền thống của gia đình cũng như cuộc sống của cha ông trước kia", ông Minh bày tỏ.
Nằm bên làng cổ Túy Loan, ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường như một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Đặc biệt, thời gian qua, chủ nhân Đỗ Gia Viên đã xây dựng một "bảo tàng" thu nhỏ trưng bày gần như đầy đủ các nông, ngư cụ truyền thống của cư dân với hàng trăm hiện vật, vật dụng, luôn đồng hành, gắn bó lâu đời với người dân. Các hiện vật được xếp ngăn nắp, gọn gàng, theo chủ đề. Tham quan không gian trưng bày "miễn phí" trong Đỗ Gia Viên, nhiều người không khỏi bồi hồi, xúc động khi thấy lại không gian sinh hoạt của làng Việt xứ Quảng xưa, những vật dụng được ông sắp xếp, bài trí theo từng nhóm như dụng cụ sản xuất làm đất (cày, bừa, cuốc bàn, cuốc dĩa...); dụng cụ làm cỏ (cào, rựa bờ, liềm cắt lúa...); dụng cụ thủy lợi (gầu dai, gầu sòng, xe nước...); dụng cụ bảo quản chế biến (ghè, bồ, ảng, chum, vại, chóe, lọ, hũ, cối đá, cối xay...); dụng cụ đánh bắt cá (nhủi, đó, đơm, đăng, lờ, giỏ, lưới..)... Ở mỗi không gian, chủ nhân luôn giới thiệu hiện vật rất rõ ràng, chi tiết để du khách và người xem có thể chiêm nghiệm.
Ông Đỗ Hữu Minh đang giới thiệu chiếc gầu dai. |
Những hiện vật trưng bày tại đây còn là sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Với một số du khách sinh sống ở khu vực thành thị, những hiện vật này vô cùng lạ lẫm. Em Gia Hân, học sinh lớp 10, Trường THPT Q. Cẩm Lệ nói: "Đây là lần đầu tiên em được xem trực tiếp nhiều loại nông, ngư cụ như vậy. Rất lạ lẫm và thú vị để hiểu thêm về đời sống nông thôn của ông cha ta trước đây". "Rất có ý nghĩa khi cho con mình trải nghiệm những hoạt động như đạp nước, giã gạo, cất rớ... tại đây. Điều này giúp con hiểu hơn về cuộc sống của những người nông dân một nắng hai sương mà bấy lâu nay chỉ biết qua sách vở", anh Trần Văn Phát (trú đường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) chia sẻ.
Nói về lý do thích sưu tầm đồ dùng, vật dụng về nông nghiệp, ông Minh cho hay, do từ nhỏ sinh ra ở nông thôn, được theo cha, mẹ ra đồng làm việc cùng bà con, tình yêu nông thôn gắn vào trong tế bào, cơ thể và suy nghĩ, nên ông quyết định sưu tầm, gìn giữ những nét riêng của ngành nông nghiệp.
Hiện nay, ngành chức năng TP Đà Nẵng đã xây dựng bến đỗ- điểm dừng phía sông Túy Loan và làm bậc tam cấp đường nối vào nhà cổ Tích Thiện Đường. Riêng ông Đỗ Hữu Minh, đã và đang tự đầu tư xây dựng các khu vực nhà chờ, nhà nghỉ để có thể tiếp đón người nhiều người dân và du khách khi đến tham quan nhà cổ được chu đáo hơn. Nơi đây, ngành chức năng và người dân đang xây dựng Làng sinh thái thôn Thái Lai với nhiều cảnh quan tươi đẹp nên hằng ngày có nhiều du khách đến đây tham quan, vãn cảnh, tìm hiểu, check-in...
Tiên Sa