Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung: Khó về đích đúng hẹn

Thứ sáu, 17/03/2017 10:10

(Cadn.com.vn) - Theo quy hoạch của Chính phủ, đến năm 2020, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung (gọi tắt là BTTN) tại TT-Huế sẽ trở thành địa chỉ văn hóa, tham quan, nghiên cứu, du lịch. Đây sẽ là nơi sưu tầm, trưng bày và giới thiệu đến người dân, du khách một cách chân thực, chuyên sâu về hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới của Việt Nam phân bố dọc theo dãy Trường Sơn và hệ đầm phá tiêu biểu nhất trong 12 đầm phá nhiệt đới ven bờ của Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, BTTN nay khó về đích đúng hẹn.

Thuyết minh BTTN giới thiệu về đa dạng sinh học đến các em học sinh ở TT-Huế.

Rừng mưa nhiệt đới trong lòng thành phố

Năm 2010, Chính phủ chọn TT-Huế để quy hoạch xây dựng BTTN của vùng duyên hải miền Trung. Bởi, nơi đây có hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới phân bố dọc dãy Trường Sơn, được Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF đánh giá là một trong 200 vùng sinh cảnh toàn cầu theo phân hạng quốc tế. Chỉ trong phạm vi Vườn Quốc gia Bạch Mã, có 2.131 loài thực vật, 126 loài lưỡng cư, 336 loài bướm, 358 loài chim, 92 loài cá và 83 loài động vật có vú. Ngoài ra, dọc bờ biển các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung có 12 đầm, phá ven bờ nước lợ, trong đó đầm phá Tam Giang - Cầu Hai ở TT-Huế rộng khoảng 22.000ha. Đây cũng là điểm dừng chân của hơn 30 loài chim nước di trú, trong số đó có nhiều loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và danh mục các loài chim được bảo vệ nghiêm ngặt của Cộng đồng Châu Âu. Là khu vực có các thảm cỏ biển tập trung rậm rạp như những khu rừng dưới nước với diện tích lên đến 1.000ha, lớn thứ hai ở Việt Nam sau đảo Phú Quốc...

Cuối năm 2013, Sở KH&CN TT-Huế, đơn vị được giao thực hiện BTTN của vùng duyên hải miền Trung đã công bố quy hoạch chi tiết tại P. An Tây (TP Huế) với diện tích gần 100ha. BTTN chia nhiều khu vực như khu trung tâm, khu rừng mưa nhiệt đới, khu nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực, bãi đỗ xe, vườn thú... với hạ tầng kỹ thuật kết hợp các cụm di tích lịch sử văn hóa hiện có, đảm bảo yếu tố cảnh quan, môi trường.

Ông Hồ Thắng - Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TT-Huế cho biết, từ khi Sở được giao thực hiện BTTN đến nay đã triển khai dự án Rừng mưa nhiệt đới (DA RMNĐ) với 70ha ở P. An Tây, TP Huế và xã Thủy Bằng, TX Hương Thủy. Ông Tôn Thất Ái Tín - Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiền Phong, đơn vị triển khai DA RMNĐ cho biết: Hiện nay, Cty đã trồng 28ha rừng bản địa bao gồm các ưu hợp kiền kiền, ưu hợp gụ huỷnh và ưu hợp táu. Ngoài ra, có 1,35ha rừng tre, trúc đặc trưng đã được trồng xung quanh hồ Châu Chữ để tạo cảnh quan đẹp cho khu rừng mưa. Phần diện tích còn lại của RMNĐ, Cty sẽ tiếp tục triển khai trồng trong năm 2017 và 2018. Trong tương lai, khu RMNĐ được xem như một mô hình mô phỏng khu rừng tự nhiên thu nhỏ nhằm lưu giữ, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gene các loài thực vật rừng đặc trưng và tiêu biểu cho hệ sinh thái RMNĐ nằm trong dãy Trường Sơn dọc các tỉnh duyên hải miền Trung.

Vẫn còn nhiều thách thức

Theo bà Lê Thị Tố Nga - Phó Giám đốc phụ trách BTTN, ngoài việc thực hiện DA RMNĐ, đến nay BTTN đã sưu tập được các bộ mẫu vật, gồm bộ mẫu gỗ rừng, gồm 15 loài: Kiền kiền, gõ lau, lim xẹt, huỷnh, trường mật, dẻ đỏ, tường chua, chò đen, gội nếp... Ngoài ra, đã sưu tập bộ mẫu cá gồm 2.000 mẫu; trong đó, năm 2016 đã xử lý, phục hồi 800 mẫu, bao gồm những mẫu đặc hữu, quý hiếm như cá dầy, cá chát lào, cá chình hoa, cá mòi cờ chấm... Sắp tới, khi được bố trí vốn sẽ xây dựng khu trung tâm gồm các nhà điều hành, hệ thống hạ tầng giao thông, cấp nước, điện; khu thế giới côn trùng (vườn bướm) khoảng hơn 3,26ha do Viện Hàn lâm KHCN xây dựng. Bên cạnh đó, thời gian qua, cán bộ BTTN thường xuyên có những buổi giới thiệu về đa dạng sinh học rừng, đa dạng sinh học đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, giáo dục cộng đồng cho học sinh của TT-Huế.

Nói về những khó khăn, ông Hồ Thắng nhìn nhận, quá trình triển khai thực hiện xây dựng phát triển BTTN đang gặp một số khó, nhất là về kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ. “Trong điều kiện mới thành lập, các hoạt động khoa học và công nghệ của Bảo tàng đòi hỏi người thực hiện có trình độ cao và kỹ năng tốt về kiểm kê, phân loại, giám định, phục chế mẫu vật; trình độ sắp xếp và xây dựng kịch bản trưng bày mẫu vật, trong khi đội ngũ cán bộ của bảo tàng còn thiếu kinh nghiệm và trình độ chuyên môn” - ông Thắng lo lắng. Cái khó nữa là việc sưu tập, bảo quản, trưng bày mẫu vật của BTTN sẽ được thực hiện thu thập từ 14 tỉnh duyên hải miền Trung, với số lượng mẫu vật lớn, trong khi việc sưu tầm cần có thời gian nghiên cứu, sưu tầm; cần đáp ứng kỹ thuật chế tác và bảo quản một cách tiên tiến và hiện đại, đảm bảo tính khoa học, tính đại diện đặc trưng và tính thẩm mỹ để trưng bày. Nhưng Bảo tàng chưa có đủ trang thiết bị cũng như các giải pháp kỹ thuật để thực hiện. Và cái khó nữa là nguồn vốn đầu tư: BTTN vừa mới thành lập, mặc dù đã được hình thành và triển khai nhiều nhiệm vụ, nhưng chưa được huy động đủ nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị, trong khi khả năng bố trí vốn của Nhà nước khó khăn, là một thách thức không nhỏ.

Theo quy hoạch của Chính phủ, năm 2020 sẽ đưa vào sử dụng, khai thác BTTN, nhưng với những gì đang triển khai, kế hoạch rất khó đạt được.

H.Lan