Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội quận Cẩm Lệ

Thứ bảy, 26/10/2024 09:00

Ngày 25-10, UBND quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội quận Cẩm Lệ". Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông, Bảo tàng Đà Nẵng, Viện Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, Trường Chính trị Đà Nẵng, Quận ủy, các tổ chức ban, ngành đoàn thể của quận cùng các nhà khoa học, nghiên cứu, chuyên gia uy tín trong và ngoài địa bàn thành phố.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Tại hội thảo, PGS.TS, Tiến sĩ Phạm Trung Lương đến từ Viện du lịch bền Vững Việt Nam trình bày về định hướng và phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội quận Cẩm Lệ. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Quốc Thiện trình bày về hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn quận Cẩm Lệ trong đời sống văn hóa cộng đồng hiện nay - thực trạng và giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị. Tiến sĩ Lê Đình Phụng đến từ Viện khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thảo luận về việc bảo tồn phát huy giá trị lịch sử văn hóa di tích Chămpa vùng Cẩm Lệ (Xứ Quảng). Thạc sĩ Võ Văn Thắng - nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng gợi mở một số giải pháp phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử văn hóa Khuê Trung (Di tích quốc gia Nghĩa Trủng Hòa Vang).

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh- Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, hội thảo lần này nhằm tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý… về thực trạng, tiềm năng trên lĩnh vực văn hóa của quận để trên cơ sở này đề ra các giải pháp nâng cao công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống, đồng thời nhận diện những thế mạnh trong quá trình phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của quận trong thời gian tới. Cũng theo ông Nguyễn Quang Vinh, trên địa bàn quận Cẩm Lệ hiện có 3 di tích cấp quốc gia, 8 di tích thành phố và 3 di tích trong danh mục kiểm kê của thành phố với nhiều loại hình phong phú đa dạng: Lịch sử, lịch sử - văn hóa, di chỉ khảo cổ. Ngoài ra, trên địa bàn quận còn có nhiều cơ sở thờ tự, các chùa, đình có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa. Với những giá trị cũng như sự ảnh hưởng trực tiếp của các di sản văn hóa đến đời sống người dân, hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này luôn được các cấp quan tâm, chỉ đạo; tập trung ở việc bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản; trong đó có việc đề xuất trùng tu, tôn tạo các di tích…

Chủ tịch quận Cẩm Lệ cho biết, thời gian đến, UBND quận Cẩm Lệ sẽ tiếp tục chủ động, quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, doanh nghiệp, người dân địa phương để triển khai hiệu quả đề án, kế hoạch trọng tâm về bảo tồn, phát huy giá trị di tích, phát triển du lịch trên địa bàn quận. Tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn, trùng tu các công trình di tích, lịch sử trên địa bàn quận; đồng thời tập trung xây dựng kế hoạch khai thác giá trị di tích gắn với du lịch và đầu tư kết nối, hình thành các cụm, điểm du lịch đặc trưng, chuyên nghiệp phục vụ khách. Cùng đó, tiếp tục nâng tầm chất lượng các lễ hội để trở thành các sản phẩm du lịch văn hóa thu hút khách. Truyền thông, giới thiệu, quảng bá các giá trị của di tích văn hóa - lịch sử của quận trên các phương tiện truyền thông để người dân và du khách biết, tạo động cơ thôi thúc đến tham quan, tìm hiểu thêm về các di tích, đặc biệt là kết nối với các trường học để các em tham gia chương trình ngoại khóa tìm hiểu các di tích lịch sử. Quan tâm sưu tầm và bảo tồn các địa danh cổ; có sự liên kết giữa các địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa; việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa cần được bắt đầu từ sớm, từ trên ghế nhà trường.

Đinh Nga