Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông

Thứ năm, 16/07/2020 16:24

Vừa qua, tại Trụ sở UNESCO ở Paris, Pháp, Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 209 đã thông qua Quyết định của Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu công nhận Công viên Địa chất Đắk Nông là công viên địa chất toàn cầu. Với sự công nhận này, Công viên địa chất Đắk Nông trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ ba ở Việt Nam, sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Công viên địa chất Đắk Nông có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước...

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về quyết định của UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho Công viên địa chất Đắk Nông?

Ông Mai Phan Dũng: Công viên Địa chất toàn cầu là một trong những danh hiệu di sản cao quý và có ý nghĩa của UNESCO. Danh hiệu này vinh danh những giá trị về khoa học địa chất, địa mạo theo những tiêu chí khắt khe, qua đó đóng góp cho nghiên cứu khoa học về những biến đổi của vỏ trái đất, của hệ sinh thái, khí hậu... Bên cạnh đó, danh hiệu này còn vinh danh vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh, kỳ quan thiên nhiên, văn hóa và đa dạng về sinh học của địa phương. Việc được UNESCO công nhận danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu mang lại nhiều ý nghĩa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây là niềm vinh dự, tự hào của chính quyền, người dân tỉnh Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung.

Phóng viên: Trong quá trình Việt Nam triển khai hồ sơ đệ trình lên UNESCO xét duyệt đối với Công viên địa chất Đắk Nông, có những khó khăn và thuận lợi gì, thưa ông?

Ông Mai Phan Dũng: Trong suốt quá trình xây dựng, đệ trình và vận động cho hồ sơ, Việt Nam đã có một số thuận lợi như: Có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và chính quyền nhân dân các cấp; sự quan tâm ủng hộ, hỗ trợ về chuyên môn từ các bộ, ngành và cơ quan Trung ương, đặc biệt là Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, các chuyên gia trong và ngoài nước. Cùng với đó là sự chủ động, tích cực của UBND tỉnh Đắk Nông trong việc bảo vệ, gìn giữ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa trong tỉnh. Đồng thời, sau khi phát hiện những giá trị độc đáo về địa chất, văn hóa, tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu và quyết tâm xây dựng hồ sơ Công viên địa chất Đắk Nông. Trước khi Công viên địa chất Đắk Nông được công nhận là công viên địa chất toàn cầu, Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng, vận động để UNESCO công nhận Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và Non nước Cao Bằng. Chúng ta đã tích lũy được một số kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và vận động cho các hồ sơ công viên địa chất toàn cầu.

Đồng thời, vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam hiện nay ngày càng cao trên trường quốc tế nói chung và tại UNESCO nói riêng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có mạng lưới các chuyên gia trong nước có uy tín, trình độ chuyên môn tốt và có quan hệ tốt trong mạng lưới các chuyên gia trong lĩnh vực di sản địa chất. Đây là những điểm thuận lợi cơ bản giúp cho Hồ sơ Công viên Địa chất Đắk Nông được công nhận như ngày hôm nay. Tuy nhiên, việc xây dựng hồ sơ và đệ trình UNESCO cũng gặp nhiều khó khăn.

Phóng viên: Những công việc sau khi Công viên Địa chất Đắk Nông được công nhận danh hiệu sẽ được Ủy ban Quốc gia UNESCO và tỉnh Đắk Nông tiến hành ra sao, thưa ông?

Ông Mai Phan Dũng: Để được công nhận Công viên Địa chất toàn cầu, tỉnh Đắk Nông đã có những cam kết với UNESCO trong quá trình xây dựng và phát huy giá trị danh hiệu. Do vậy, trong thời gian tới, việc thực hiện các cam kết của tỉnh với UNESCO bao gồm công tác xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế một cách rõ ràng, dành các nguồn lực để đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc. Việc thực hiện các cam kết trong quá trình vận hành Công viên Địa chất toàn cầu sẽ là đóng góp quan trọng vào quy hoạch phát triển chung của tỉnh theo hướng bền vững.

Phóng viên: Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản sẽ được tiến hành như thế nào để vừa đem lại nguồn lợi du lịch cho địa phương nhưng vẫn giữ được những giá trị quý báu của di sản, thưa ông?

Ông Mai Phan Dũng: Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan, di sản có giá trị. Chính những di sản văn hóa, thiên nhiên, di sản phi vật thể, di sản địa chất, tư liệu... đã góp phần đưa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần thu hút đông đảo khách du lịch. Việt Nam đã có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên, di sản tư liệu được UNESCO vinh danh. Đây là sự ghi nhận của quốc tế đối với Việt Nam nhưng cũng đặt ra một số vấn đề trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các danh hiệu quý báu này. Để cân bằng giữa việc bảo vệ danh hiệu di sản và phát triển di sản một cách bền vững, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong cả nước, cần tiếp tục thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước phát triển văn hóa và bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị các di sản.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông.

Thu Phương
(thực hiện)