Bảo tồn và khai thác Di sản văn hóa Hội An: Thành công nhờ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa"
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị cổ hiện còn nhiều vấn đề thách thức, đối mặt nhiều khó khăn do tác động của thiên tai, áp lực đô thị hóa, nhu cầu cải tạo cơ sở hạ tầng... Những nhận định trên được các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra tại buổi Tọa đàm "Những vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn di sản Đô thị cổ - Làng cổ Việt Nam" do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (Quảng Nam) tổ chức vào giữa tháng 8-2018. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức gặp phải trong quá trình quản lý cũng như bài toán giữa bảo tồn trùng tu và phát triển gắn với nhu cầu thiết yếu của người dân bản địa và lợi ích cộng đồng.
Phố cổ Hội An đang đối mặt với nhiều thách thức trong công tác bảo tồn. |
Kinh nghiệm từ "di sản sống" Hội An
Hội An là một di sản do cha ông để lại, trong suốt chặng đường dài, trải qua nhiều năm tháng thăng trầm của thời gian và chiến tranh nhưng đã không bị tàn phá. Hội An cũng không bị đô thị hóa như Đà Nẵng hay các thành phố lớn khác của nước ta. Đặc biệt, Hội An may mắn sở hữu một Di sản thế giới, vừa nhận được sự ủng hộ của người dân, sự hỗ trợ giúp đỡ của các chuyên gia trong và ngoài nước trong việc gìn giữ và bảo tồn, phát huy tốt các giá trị của di sản.
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Hội An cho rằng, Hội An đã tận dụng tốt 3 yếu tố nêu trên để phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản trên địa bàn. Sự nỗ lực của các cấp chính quyền, ngành chức năng và sự ủng hộ, đồng thuận của người dân, TP Hội An đã xây dựng nên những quy chế mới, rất riêng, dựa trên những quy ước, hương ước cộng đồng để người dân thực hiện, đóng góp vào quá trình gìn giữ, bảo tồn Hội An trở thành một "Di sản sống". Những kết quả có được trong công tác quản lý, bảo tồn các di sản đã giúp Hội An giữ được hệ thống các di tích, di sản để trở thành điểm đến tham quan của du khách. Để từ đó người dân Hội An đã được hưởng lợi từ di tích và thấy được lợi ích thực sự mà di tích mang lại mà cung tay gìn giữ. Tuy nhiên vấn đề quản lý "di sản sống" Hội An chịu sự chi phối của nhiều yếu tố pháp luật có liên quan như: Luật di sản, Luật đất đai, Luật cư trú, Luật xây dựng... Do đó Hội An phải đặt ra những quy chế trong từng lĩnh vực cụ thể để người dân tham gia, như: Quy chế về quản lý, tu bổ, sử dụng khu phố cổ; Quy chế về trật tự kinh doanh; Quy chế về biển hiệu quảng cáo; Quy chế về tham quan, du lịch; Quy chế về hoạt động du lịch trên sông; Quy chế về các cơ chế phối hợp quản lý di sản. Các quy chế này chi phối cơ chế quản lý, sử dụng di tích; quy định việc buôn bán, làm du lịch trong di tích; quy định các hạng mục sửa chữa, thời gian cho phép sửa chữa các di tích, nhất là những di tích hạng 1, hạng 2 và cả hạng đặc biệt...
Theo ông Trung, để đưa các quy chế đi vào cuộc sống, nhiều năm qua chính quyền TP Hội An đã ban hành "cẩm nang" chi tiết từng nội dung, lĩnh vực, đặc biệt là chi tiết từng ngôi nhà cổ thuộc hạng nào, khu vực nào, khi muốn sửa thì được sửa những gì, hạng mục nào; thời gian sửa chữa; thời gian cấp phép bao lâu... để các chủ di tích căn cứ thực hiện. Trong khi đó, ở góc độ quản lý nhà nước, quy chế quy định cụ thể các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý với cơ quan chuyên môn, với các cấp chính quyền, các đội quy tắc đô thị. Trên cơ sở đó có những biện pháp giải quyết phù hợp với lợi ích người dân, đảm bảo nguyên tắc công bằng và bảo tồn di tích.
Bảo tồn và chia sẻ lợi ích cộng đồng
Một vấn đề quan trọng khác trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, chính quyền TP Hội An rất chú trọng đến việc chia sẻ lợi ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, Hội An cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, lo lắng liên quan giữa bảo tồn, phát huy di sản với mặt trái của kinh tế thị trường, nhất là xu thế nhập cư ngày càng đông từ khắp mọi nơi về Hội An làm ăn, buôn bán, du lịch...
"Với lượng người đến Hội An ngày một đông sẽ tạo nên nhiều áp lực về giao thông; nơi ở và sinh hoạt, buôn bán, môi trường sinh thái... Điều đó cũng kéo theo những nguy cơ làm nhiều nét truyền thống của Hội An xưa bị phai nhòa, một số di tích quá tải, hư hỏng, xuống cấp...", ông Nguyễn Chí Trung nói. Do đó, theo ông Trung, hiện Hội An đang tập trung nghiên cứu để có cơ sở ban hành một số quy định về ứng xử nhằm dung hòa các lợi ích của cộng đồng và xã hội, đặc biệt tạo một ứng xử hài hòa giữ người Hội An bản xứ với người nhập cư, tạm cư. Chỉ có vậy mới khơi dậy và phát huy vai trò chung tay của xã hội để giữ gìn, xây dựng và phát huy các giá trị di sản ở Hội An nói chung và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của Hội An hiện đại nhưng giàu yếu tố truyền thống.
Cùng với những nhiệm vụ trên, Hội An tiếp tục lắng nghe, tiếp thu và học tập kinh nghiệm từ các tổ chức, các chuyên gia quốc tế về bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị di sản. Địa phương cũng tiếp tục đưa du lịch vào khai thác hệ thống di tích trên địa bàn, đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế chủ yếu của địa phương, góp phần thúc đẩy, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn TP. Ngoài ra, TP Hội An cũng đang đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, tiếp tục xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn về công tác quản lý, bảo tồn, khai thác các di tích, di sản trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển của Hội An hiện nay và có tầm nhìn lâu dài hơn.
QUANG PHÚC