Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Cor
Tam Trà là xã miền núi nằm về phía tây H. Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) có diện tích tự nhiên 9.712 ha. Toàn xã có 8 thôn với hơn 852 hộ, 3.030 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Cor có 315 hộ với 1.997 nhân khẩu sinh sống chủ yếu tại các thôn Phú Thọ, Phú Tân, Phú Tứ.
Đồng bào Cor ăn Tết ngã rạ. |
Thời gian qua, địa phương luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Cor nơi đây. Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, xã Tam Trà đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Cor. Cùng với nguồn ngân sách của Nhà nước, hằng năm xã Tam Trà đều hỗ trợ để đồng bào Cor mua trang phục truyền thống, cồng chiêng, khôi phục lễ hội cầu mùa, cầu bông, Tết ngã rạ, múa cheo, múa thanh la, đánh cồng chiêng, xây dựng nhà rông… Theo phong tục truyền thống, hằng năm đồng bào Cor nơi đây thường tổ chức lễ cầu mùa, đặc biệt là vào tháng 10 âm lịch là Tết ngã rạ, đây là Tết cổ truyền của người Cor, sau phần lễ là múa cheo truyền thống. Bên cạnh đó, bà con còn tổ chức lễ cầu an sinh vào tháng 5, tháng 6. Được sự hỗ trợ này, bà con rất phấn khởi, đoàn kết một lòng chung tay khôi phục các điệu hát múa, đánh cồng chiêng, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa- thể thao phong phú, đậm đà giá trị bản sắc truyền thống của dân tộc Cor. Điều ý nghĩa hơn nữa là đồng bào Cor càng nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng thời trao truyền lại cho thế hệ mai sau tiếp nối.
Ông Châu Cao Cường- cán bộ phụ trách văn hóa xã Tam Trà, là người dân tộc Cor đã nhớ lại và chia sẻ: “Với nhiều cố gắng trong việc phục hồi, tập luyện, dàn dựng, đội nghệ nhân cồng chiêng đồng bào Cor ở hai thôn Thuận Tân và Tứ Mỹ đã tham gia Liên hoan văn nghệ quần chúng H. Núi Thành lần thứ III - năm 2018 với số lượng nghệ nhân và diễn viên 30 người, đoạt giải B. Tại Ngày hội văn hóa- thể thao miền núi H. Núi Thành năm 2019 và tôn vinh gia đình văn hóa tiêu biểu lần thứ VI, đội nghệ nhân cồng chiêng đồng bào Cor xã Tam Trà đoạt giải A, sau đó được mời tham gia công diễn tại nhiều nơi. Không những vậy, trong các ngày hội văn hóa– thể thao các xã miền núi H. Núi Thành và tại các sự kiện văn hóa hằng năm, các đội nghệ nhân đồng bào Cor ở xã Tam Trà tham gia múa cheo, múa thanh la và các hoạt động này thường xuyên diễn ra tại các nhà rông ở thôn nóc trong các dịp lễ, tết, ngày hội đại đoàn kết hằng năm”.
Ngoài ra, tại các thôn bản của đồng bào Cor cũng duy trì các nghi thức trong trồng tỉa lúa rẫy, tổ chức Tết ngã rạ sau mùa thu hoạch mùa lúa rẫy. Đây là dịp để các gia đình, bà con xóm làng gặp mặt thăm hỏi, đoàn kết xây dựng các danh hiệu Văn hóa như Gia đình Văn hóa, Thôn Văn hóa, bàn bạc chuyện làm ăn, xây dựng nông thôn mới… Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Cor luôn được địa phương quan tâm, đưa vào giáo dục cho thế hệ trẻ để tiếp nối truyền thống. Cụ thể, các học sinh đồng bào Cor tại Trường THCS bán trú Nguyễn Duy Hiệu được giáo viên giảng dạy chương trình bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Cor và tổ chức cho các em tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số dành cho học sinh THCS tỉnh Quảng Nam theo định kỳ 3 năm một lần. Đây là những hoạt động góp phần vào việc giáo dục cho thế hệ trẻ, tiếp nối truyền thống và từ đó càng có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Cor nơi đây.
Ông Nguyễn Thanh Bình- Chủ tịch UBND xã Tam Trà cho biết: Với sự quan tâm và nỗ lực của địa phương, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào Cor ở đây đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần vào việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên, công tác này hiện nay có một số khó khăn như do bận rộn công việc làm ăn, một bộ phận đồng bào Cor chưa tích cực tham gia bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Bên cạnh đó, do tác động phần nào của cuộc sống hiện đại khiến việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số ít được quan tâm. Vì vậy, trong thời gian đến, UBND xã Tam Trà sẽ tập trung tăng cường công tác tuyên truyền về việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Cor, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện công tác này. Đồng thời, xã Tam Trà sẽ phục dựng một số lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào Cor như lễ rước hồn lúa, phục dựng cây nêu, sưu tầm hiện vật về bản sắc văn hóa của đồng bào Cor để lưu giữ, trưng bày tại nhà rông truyền thống; hỗ trợ kinh phí cho công tác tuyên truyền và có chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân đồng bào Cor. Đồng thời xã Tam Trà có kế hoạch lựa chọn các thôn có phong cảnh thiên nhiên đẹp như Tú Mỹ, Thuận Tân để lập dự án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Cor miền núi Tam Trà gắn với hoạt động du lịch văn hóa sinh thái…
THẢO NGUYÊN