Bảo vệ hạnh phúc gia đình

Thứ bảy, 27/06/2020 07:00

Mấy chục năm trước, ba mẹ tôi lấy nhau rồi mà vẫn... chưa biết yêu là gì! Nghe đâu, có ông chú họ mai mối, tác hợp thế mà ông bà sống với nhau có đến tám người con, trải qua thử thách thời gian, kể cả chiến tranh loạn lạc, tình yêu cứ lớn dần theo năm tháng.

Có riêng gì gia đình tôi, trong làng xóm, thôn quê tôi thời ấy chưa bao giờ chứng kiến gia đình ai ly hôn, ly tán vì vợ chồng không hợp nhau, mâu thuẫn thì nhiều, khó khăn vô kể nhưng đều được giải quyết êm ấm. Thế hệ cha mẹ chúng tôi quan niệm, nhân duyên là do Trời định nên hôn nhân phải dựa vào mai mối. Họ luôn trân trọng những ưu điểm của bạn đời và bao dung các khiếm khuyết của nhau, cộng hưởng với sự thăng hoa về tinh thần mà đạt tới sự viên mãn của tình yêu, tâm đầu ý hợp. Thế rồi theo thời gian “ông Tơ, bà Nguyệt” cũng ít việc dần. Thế hệ sinh sau ngày thống nhất đất nước như chúng tôi ít chứng kiến sự mai mối. Có chăng chỉ là giới thiệu làm quen, se duyên tác hợp nhưng không đến mức can thiệp, áp đặt ý chí của người lớn theo kiểu “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” như thế hệ ông bà ta ngày trước.

Gia đình ngày nay được xây dựng trên cơ sở có thể nói là tiến bộ hơn, bền vững hơn bởi xuất phát từ tình yêu đôi lứa. Các đôi có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn trước khi tiến đến hôn nhân, nhưng vì sao vẫn không bền vững hơn gia đình mà thế hệ thời ông bà ta ngày xưa. Nguyên nhân do đâu? Có nhiều người cho rằng, do chuẩn mực xã hội ngày xưa với phong tục, tập quán, lễ giáo, gia phong… khắt khe làm cho con người sống lễ nghĩa, đạo đức hơn; trong khi đó xã hội khép kín nên không có quá nhiều cơ hội để người đã có gia đình bị cám dỗ. Mặt khác, gia đình ngày xưa với cấu trúc nhiều thế hệ sống cùng mái nhà đã tạo sự gắn kết bền vững dựa trên mối quan hệ nghĩa tình nơi mà các thành viên sống và yêu thương, gắn bó với nhau bằng tình thân, sự đồng cảm và thấu hiểu. Ở đó có tình nghĩa vợ chồng sâu nặng, có tình yêu thương giữa cha mẹ với con cái, sự hiếu thảo, tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái, cháu chắt đối với ông bà, cha mẹ. Chính mối quan hệ nghĩa tình ấy đã góp phần tác động đến việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân trong gia đình, tạo nên nền nếp, gia phong, lối sống của gia đình.

Sau khi đất nước được thống nhất, đời sống kinh tế lúc bấy giờ còn muôn vàn khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Bao nhiêu gia đình đói ăn phải lam lũ chạy gạo từng bữa, nhiều trẻ em thất học, phải lao động sớm phụ giúp gia đình. Nhưng trong ký ức “tuổi thơ dữ dội” của thế hệ như chúng tôi vẫn sự “giàu có” đáng tự hào đó là mâm cơm gia đình lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, mặc cho bữa ăn chỉ có sắn, khoai, rau, mắm. Bây giờ xã hội phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, không còn phải lo thiếu đói, thiếu mặc, nhu cầu hưởng thụ và khả năng đáp ứng nhu cầu của xã hội là khá tốt. Con người có nhiều điều kiện để tiếp cận các dịch vụ tiên tiến, từ học hành, chăm sóc sức khỏe đến việc khám phá và thưởng thức các dịch vụ tiện ích cuộc sống đem lại. Thậm chí việc đi du lịch nước ngoài giờ đây không còn là vấn đề khó khăn đối với bộ phận người dân có điều kiện. Việc làm cũng đa dạng hơn, thu nhập cũng tốt hơn... nhưng các điều kiện đó có là nền tảng để thế hệ các gia đình trong thời hiện đại được bền vững hơn? Theo thời gian tỷ lệ ly hôn của gia đình thời hiện đại không ngừng tăng lên.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ ly hôn/kết hôn ở Việt Nam là khá cao chiếm 31,4%, tức là cứ 03 cặp kết hôn lại có 01 cặp ly hôn. Có nhiều lý do dẫn đến việc các cặp vợ chồng hiện nay không giữ được hạnh phúc gia đình và ly hôn ở những tình trạng khác nhau: mới kết hôn - ly hôn; kết hôn một vài năm chưa kịp có con - ly hôn; có 01 con - ly hôn; có 02 con - ly hôn; có con một bề - ly hôn; gia đình khó khăn, không có điều kiện - ly hôn; gia đình có điều kiện cũng ly hôn; không hợp, không cùng quan điểm - ly hôn.

Gia đình là tế bào của xã hội, tế bào khỏe mạnh xã hội mới khỏe mạnh, phồn thịnh, phát triển. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng ly hôn ở thế hệ trẻ gia tăng như hiện nay? Phải chăng tình yêu chưa đủ lớn để các cặp vợ chồng vượt qua khó khăn, hay việc chuẩn bị tâm lý tiền hôn nhân chưa được tốt? Gia đình một thế hệ có là nguyên nhân làm cho các đôi vợ chồng trẻ không thể vượt qua bão tố của cuộc đời? Có người còn cho rằng, do tác động mặt trái của cơ chế thị trường khiến áp lực cuộc sống và công việc gia tăng; kể cả khát vọng và cái tôi cá nhân của người chồng hoặc vợ quá lớn trong khi họ chưa đủ bản lĩnh, không có sự bao dung đủ lớn, ít thông cảm và chia sẻ dẫn đến mâu thuẫn gia đình và ly hôn.

Dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa, việc ly hôn đều để lại hệ quả rất lớn cho xã hội, cho gia đình và đặc biệt cho chính gia đình vợ chồng xin ly hôn và con cái của họ. Chấn thương, tác động tâm lý lâu dài hậu ly hôn, không phải ai cũng dễ dàng vượt qua, kéo theo đó là sự bi quan, thiếu niềm tin vào cuộc sống. Nhất là con cái sẽ sống thiếu thốn tình thương của ba hoặc mẹ, có khả năng học hành sa sút, khả năng đảm bảo về giáo dục, đảm bảo an toàn về bản thân thấp khiến các em dễ vướng vào tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật. Không những thế sang chấn tâm lý sau khi cha mẹ ly hôn cũng sẽ khiến một bộ phận giới trẻ khi lớn lên có xu hướng ngại, né tránh việc kết hôn. Do đó, hệ quả của việc ly hôn đáng để mọi người phải suy ngẫm và có trách nhiệm với chính mình.

Mặc dù xã hội có biến đổi như thế nào thì chức năng tâm lý, tình cảm của gia đình vẫn còn nguyên giá trị. Khi gặp khó khăn, đau buồn, mỗi người lại tìm về những người thân trong gia đình để bày tỏ tâm tư, tình cảm như nhiều người thường nói “Chúng ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để trở về”. Đây cũng chính là “mảnh đất” để ươm mầm và phát huy giá trị gia đình, cũng là yếu tố cơ bản để bảo vệ gia đình. Vì vậy nếu phát huy tốt vai trò của gia đình sẽ góp phần cải tạo xã hội, đưa xã hội phát triển theo hướng văn minh, lịch sự, tiến bộ. Vậy nên các thành viên trong mỗi gia đình hãy yêu thương, tôn trọng, bao dung hơn nữa để bảo vệ tổ ấm của chính mình.

TRẦN NGỌC ĐỒNG