Hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em:

Bảo vệ trẻ em trong thế giới công nghệ số (Kỳ 1: Con dao hai lưỡi từ thế giới ảo)

Thứ sáu, 29/06/2018 12:03

Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 với chủ đề "Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số" thực sự mang ý nghĩa rất lớn, đặc biệt trước sự bùng nổ của công nghệ Internet như hiện nay. Không ai phủ nhận, mạng Internet mang lại những tính năng ưu việt, nhưng đằng sau những giá trị tích cực ấy, môi trường mạng cũng tiềm ẩn những rủi ro, tác động tiêu cực đến trẻ em...

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là việc làm cần thiết.

Theo thống kê, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tính đến tháng 1-2017, có 50.05 triệu người dùng Internet chiếm 53% dân số. Việt Nam có đến 63 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó số tài khoản Facebook là 48 triệu. Hơn một phần ba trong số người sử dụng internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên. Thực tế cho thấy, cách mạng công nghệ số đang làm cho thế giới thay đổi từng ngày và như vậy đồng nghĩa với việc trẻ em đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Trong đó, các em có cơ hội được khai thác, tiếp nhận thông tin và tri thức vô tận nhưng lại đứng trước thách thức của việc dễ bị ảnh hưởng của thông tin không lành mạnh, nhiều nguy cơ bị bóc lột, xâm hại trong thế giới công nghệ số.

Hiện nay số trẻ em mắc phải chứng nghiện mạng, nghiện game online, nghiện smartphone ngày càng tăng. Quá trình tiếp cận, hiểu biết và sử dụng công nghệ thông tin của trẻ em còn nhiều hạn chế trong khi những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng internet lại vô cùng cao. Chính vì vậy, việc bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng là việc làm cần thiết. Thời gian qua, nhiều vụ án đau lòng xâm hại đến trẻ em được thông tin trên các trang báo. Trong số đó, có nhiều vụ án xuất phát từ thế giới mạng, làm quen qua mạng rồi bước ra đời thực làm chuyện "người lớn" để lại hậu quả nặng nề. Số khác, những vụ dâm ô, hiếp dâm trẻ em được phát hiện đều có nguyên nhân xuất phát từ việc các đối tượng phạm tội vì tiếp cận những trang web "đen" nên nổi thú tính. Đâu đó, hằng ngày chúng ta thấy một số trang báo đưa tin với tiêu đề: "Hàng xóm nhiều lần hiếp dâm bé gái bị động kinh", "Bé gái 14 tuổi mang thai, nghi phạm là hàng xóm", "Bi kịch gia đình bé gái bị ông lão 69 tuổi hại đời"... điều này cho thấy thực trạng tội phạm xâm hại trẻ em rất phức tạp và nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, hơn 800 vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên toàn quốc. Trong số 1.000 vụ xâm hại tình dục, số trẻ em gái ở độ tuổi 12-15 chiếm tới 57,46%, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm tới 13,2%, trong số đó nhiều vụ xác định nguyên nhân xuất phát từ thế giới mạng.

Trên thực tế cho thấy nhiều vụ án đau lòng mà đối tượng là trẻ em liên quan đến môi trường mạng. Trước đó, CAQ Thanh Khê (Đà Nẵng) đã bắt đối tượng Nguyễn Hữu Nghĩa (1987, Bình Định) liên quan đến vụ án dàn cảnh "cứu nét" để cướp tài sản và hiếp dâm. Trước đó, nạn nhân X. (2003, TT -Huế) có quen với Nghĩa qua mạng Zalo. Sau khi chơi ở quán Internet, gần 9 giờ tối, X. nhờ Nghĩa đến quán chở về nhà, trên đường về Nghĩa rủ X. qua công viên chơi rồi dùng dao khống chế nhằm mục đích cưỡng hiếp và cướp tài sản, may mắn X. đã kịp thời bỏ chạy. Hay như vụ án "Hiếp dâm trẻ em" tòa án đã xét xử, bị cáo và bị hại đều là hàng xóm của nhau. Điều đáng nói bị hại trong vụ án chỉ mới là đứa trẻ lên 10, trong khi bị cáo cũng vừa ở độ tuổi thành niên, trong một lần không kiềm chế được dục vọng do xem trang "web đen", bị cáo đã có hành vi đồi bại... Đó chỉ là một trong số nhiều vụ án đau lòng cho thấy mối nguy hại bắt nguồn từ thế giới mạng là vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, với thế giới mạng khi tiếp cận đòi hỏi phải biết chọn lọc, trẻ em bắt buộc cần có sự hỗ trợ, quản lý của người lớn là điều vô cùng cần thiết để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra.

Ông Trần Đình Cảnh- nguyên giáo viên (trú Q.Thanh Khê) cho rằng, chính công nghệ số đã thay đổi đời sống và cơ hội sống của thế hệ trẻ, làm cho cuộc sống trở nên gần gũi hơn, thân thương hơn. Đặc biệt, nó tạo điều kiện sống tốt hơn cho trẻ em vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận mạng internet từ đó thay đổi chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế, việc quá phổ biến các thiết bị di động như hiện nay khiến việc truy cập trực tuyến của trẻ em ít được giám sát hơn vì vậy tiềm năng rủi ro cao hơn. Vì thế, muốn bảo vệ trẻ em trước sự bùng nổ của công nghệ số như hiện nay, cần phải có sự chung tay từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Qua tham khảo một số ý kiến của các chuyên gia và giới luật sư, họ đều có chung quan điểm: Cần có luật và các chế tài xử phạt đủ mạnh mới mong hạn chế được những hệ lụy từ thế giới mạng đem lại. Thực tế, Việt Nam đã và đang nỗ lực giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng thông qua việc ban hành và thực thi hệ thống pháp luật, chính sách nhằm phòng ngừa, giải quyết tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em... Các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin cũng có quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Cụ thể, Luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em đã quy định rõ về việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Theo Nghị định 56, cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông; về giáo dục, đào tạo; về giáo dục nghề nghiệp; về trẻ em; các tổ chức hoạt động vì trẻ em; tổ chức hoạt động trên môi trường mạng có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, phổ biến kỹ năng cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên, trẻ em và cơ quan, tổ chức có liên quan về lợi ích, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em; về việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, an toàn thông tin và các lĩnh vực có liên quan. Cụ thể, cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng; trẻ em có bổn phận tìm hiểu, học kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải hướng dẫn việc sử dụng dịch vụ, sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, tiếp cận thông tin để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng...

Việc để trẻ em tiếp cận với công nghệ số là việc cần thiết, tuy nhiên cần phải có giải pháp song song để bảo vệ trẻ em. Phải thừa nhận, bên cạnh những mặt ưu mà thế giới ảo mang lại thì nỗi đau và những tổn thương mà các em đã, đang và sẽ gánh chịu lại hoàn toàn thật. Chính vì vậy, để bảo vệ trẻ em trong thế giới công nghệ số, cần tạo điều kiện cho tất cả trẻ em truy cập vào nguồn tài nguyên trực tuyến chất lượng cao. Ngoài ra, cần dạy kỹ năng công nghệ số để trẻ có thông tin, được tham gia và an toàn trên mạng, nâng cao chuẩn mực và thực tiễn đạo đức giúp bảo vệ và mang lại lợi ích cho trẻ em...

 (còn nữa)

TRANG TRẦN