Barack Obama trước chuyến "làm ăn lớn"

Thứ tư, 23/04/2014 09:38

(Cadn.com.vn) - Trong khi bị cho là đang thua trong cuộc chiến với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Ukraine, Tổng thống Obama đang thực sự rất trông đợi vào chuyến công du Châu Á lần này.

Đây là chuyến thăm Châu Á thứ 5 của Tổng thống Obama kể từ khi lên nhậm chức. Những tín hiệu chào đón ở các quốc gia Châu Á về chuyến công du lần này từ Nhật, Hàn, Malaysia và Philippines đang gửi đi một thông điệp rất quan trọng: ông chủ Nhà Trắng nên nỗ lực để giành mọi cơ hội ở Châu Á trong chuyến đi "làm ăn lớn" này, đặc biệt là vì chiến lược tái cân bằng đối với Châu Á.

Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Hàn lần đầu tiên kể từ khi hai nước có chính quyền mới, diễn ra đầu tháng này là minh chứng rõ ràng, mặc dù tuyên bố sẽ không theo đuổi vai trò trung gian trong việc giải quyết các vấn đề song phương giữa Seoul và Tokyo, nhưng Nhà Trắng thật sự có lợi trong việc tạo ra môi trường ổn định hơn cho hai đồng minh thân cận ở Châu Á. Đó chính là nền tảng cho một sợi xích chắc chắn, kết nối Mỹ với các nước Châu Á quan trọng khác.

Đó là lý do vì sao mà  ông Obama thậm chí còn mở rộng quan hệ với những quốc gia vốn không phải là những đồng minh truyền thống ở Đông Nam Á, đó là Malaysia. Sau khi đến Nhật và Hàn, Tổng thống Obama  sẽ thăm quốc gia Hồi giáo này, sự kiện chưa từng xảy ra từ năm 1966. Rõ ràng, ông Obama ý thức được rằng củng cố quan hệ với Kuala Lumpur sẽ phục vụ quyền lợi của Mỹ trong vùng Đông Nam Á không chỉ trong hiện tại mà còn cả cho mai sau.

Điều người ta ngạc nhiên là Thái Lan không có tên trên chặng dừng chân lần này của ông chủ Nhà Trắng. Có thể, Mỹ sẽ hối tiếc khi lơ là với quốc gia đang dần hướng về Bắc Kinh này. Thái Lan và Philippines đều từng là những đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trong khi Manila dựa vào Washington để hiện đại hóa hệ thống phòng thủ và có hẳn một chiến lược quốc phòng riêng biệt thì  Bangkok vẫn chỉ "ở vòng ngoài". Tại sao vậy? Trên thực tế, những cuộc khủng hoảng chính trị liên miên ở quốc gia Chùa Vàng chính là câu trả lời cho câu hỏi này. Người ta cho rằng, chính Bangkok đã bỏ lỡ những cơ hội của chính mình.

Trong gần 2 năm qua, tình hình khu vực Châu Á và toàn cảnh thế giới có nhiều thay đổi cùng với việc Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng ngoại giao và quân sự, thuyết phục các đối tác của Trung Quốc trong vùng về một "trật tự mới" cho khu vực. Đã đến lúc Mỹ cần quyết tâm hơn với những chính sách đã đề ra ở khu vực này.

Thanh Văn