Bắt cá giữa đường nước lũ
(Cadn.com.vn) - Đứa con gái của tôi bỗng dưng hỏi cắc cớ: “Mùa lụt nước lũ bắt cá giữa đường là sao hả ba?”. Cháu đang học nhạc, thấy trong bài hát “Quê hương tuổi thơ tôi” của cố nhạc sỹ Từ Huy có ca từ “Mùa lụt nước lũ, bắt cá giữa đường” nên “théc méc”. Tôi giải thích, mùa lụt nước lũ tràn lên đường, cá theo con nước lên theo nên người ta bắt cá... giữa đường.
Tôi đã kể cho con nghe nhiều chuyện về mùa lũ quê nghèo bên sông. Những chuyện mà bất cứ đứa trẻ nào ở quê tôi thời ấy cũng háo hức. Có lũ tức là được nghỉ học để bày trò con trẻ, đóng bè chuối bơi đi chơi, theo người lớn qua nà đất bên sông bắt dế, “săn” chuột đồng... Vui và nhớ nhất là thời điểm nước lũ vừa tràn qua đường cái giữa đồng ruộng với xóm làng, lũ cá rô, cá diếc, cá tràu, cá ngạnh, cả những con cá chép to bự... lách mình theo con nước vọt lên. Dân làng và lũ trẻ chúng tôi dùng nơm, rập, lưới, thau chậu hoặc tay không hè nhau bắt. Ký ức ấy giờ vẫn còn náo động trong ký ức tuổi thơ tôi về những cơn lũ quê nhà. Tôi cũng không quên tải những hình ảnh “bắt cá giữa phố” ở Hà Nội và TPHCM từ các trang báo mạng để “minh họa” cho con hiểu. Nghe và thấy những hình ảnh liên quan đến những chuyện như thế, trẻ con ở phố hay quê đều rất thích.
Cầu được ước thấy. Tôi đưa con gái về quê đúng những ngày mưa to dai dẳng. Mẹ tôi chép miệng, nói lũ đầu mùa chuẩn bị lên rồi. Thế là tất tả dọn đồ đạc trong nhà để tránh lũ. Mà lũ ở quê thời gian gần đây lên nhanh một cách lạ thường. Mới sáng, nước còn mấp mé ngoài bãi, dự báo thời tiết trên đài lũ đang báo động cấp I, vậy mà quá trưa nước đã trắng xóa ruộng đồng... Ngồi nghỉ sau khi dọn dẹp nhà cửa, bỗng nghe tiếng cô Bốn ở ngoài ngõ kêu cá cá, tôi và con gái cùng một số người dân trong xóm chạy ra đường cái, đúng lúc những con cá rô và cá sặc đồng theo con nước lách mình vượt lên.
Ôi, cá, cá kìa ba! Con gái tôi kêu lên đầy phấn khích. Chỉ vài con cá rô đồng, mấy con cá sặc bụng căng đầy trứng nhưng con gái tôi cũng vô cùng thích thú, bởi chính tay nó cũng bắt được một con cá rô nhỏ hơn 2 ngón tay đang “bò” trên bờ cỏ bên mép nước. Bị ngạnh cá đâm vào tay tấy đỏ nhưng nó mải vui, cứ lách chách đòi các anh chị trong xóm dẫn đi bắt cá giữa đường mùa lũ, áo quần lấm lem bùn nước.
Chú cá nhỏ này là thành quả bắt cá giữa đường nước lũ. |
Ngay chiều hôm ấy, cô Bốn mang sang cho bố con tôi thêm chục con cá rô mà cô vừa bủa lưới bắt lúc trưa. Cá rô đầu mùa lũ màu vàng chái, mỡ màng thật bắt mắt. Tôi lựa những con cá rô to, trứng đầy bụng rồi dùng que tre xiên ngang đem nướng lửa than hồng. Số còn lại và nhúm cá sặc thì lặt vây, làm sạch ruột rồi kho rim với lá nghệ. Hình như đã rất lâu rồi, tôi mới được thưởng thức lại một bữa cá đồng thơm ngon, trong tiếng ếch nhái kêu rang và hương phù sa mùa lũ ngai ngái khắp xóm thôn. Con gái tôi vui lắm. Lần đầu tiên cháu biết được cái thú bắt cá giữa đường mùa lũ, và thích nhất là được thưởng thức “chiến lợi phẩm” trong lũ đầu mùa trên quê nội thân thương.
Hồi nhỏ, tôi đã từng nghe cô Bốn giải thích về tập tính của loài cá đồng (cá sông) ở vùng đồng bằng, khi gặp mùa lũ thì hay ngược con nước vượt lên. Những người ở quê có kinh nghiệm chài lưới như cô Bốn gọi đó là những con cá “ức nước”. Mưa lũ đầu mùa chính là mùa ức nước của lũ cá. Mùa ức nước là mùa cá sinh sản. Lũ cá sau những tháng hè nóng nực, đồng khô nứt nẻ, ao hồ, nước khe cạn kiệt, nhưng khi có mưa đầu mùa là chúng “phỡn” ngay. Những con cái bụng mang đầy trứng, gặp lúc lũ lên, nước mưa trong khe suối, ao hồ tràn ra là lũ cá cái và cá đực ngược nước vượt lên tìm nơi đẻ trứng.
Đó là cuộc “vượt vũ môn” thăng hoa để duy trì nòi giống nhưng cũng đầy bất trắc. Cá lên đường bị người ta bắt trong mùa lũ hầu hết là cá “ức nước”, một số loại khác theo con nước lũ kiếm ăn. Đó là cá ngoài đồng ruộng, ngoài sông vào. Những cơn mưa lớn đầu mùa, cá ở các ao hồ trong xóm cũng “ức nước”, cứ theo dòng nước mưa tràn qua đường, hồn nhiên “như đi hội”, không biết những nguy hiểm chực chờ.
Bắt cá giữa đường mùa lũ. |
Cô Bốn, người hàng xóm ở quê, là người làm nghề sông nước. Mẹ tôi kể, trước giải phóng, cô thuộc diện không có mảnh đất “cắm dùi”. Cả ngày quanh quẩn trong chiếc thuyền trên sông làm nghề chài lưới, kiếm mớ cá mớ tôm đổi gạo ăn. Sau này, gia đình cô mới dọn lên bờ làm nhà, rồi được cấp đất làm ruộng để cấy lúa. Nhưng từ đó đến nay, những lúc nông nhàn hay thời gian rảnh buổi tối, cô cùng chồng hoặc con cái vẫn tiếp tục chài lưới bên sông, có thêm đồng ra đồng vào. Gia đình tôi và gia đình cô Bốn là chỗ láng giềng thân thiết, có gì ngon hay... ốm đau bất chợt cũng ới nhau.
Tôi còn nhớ những năm còn nhỏ, mỗi khi gặp lũ lớn là vợ chồng cô thường qua phụ giúp dọn nhà, dùng ghe đưa anh em chúng tôi cùng mấy con heo, con gà trong nhà chạy lũ. Trong những gói cơm tiếp tế cho cháu con trú lũ như chúng tôi, thế nào cũng có món cá đồng do vợ chồng cô đánh bắt. Hiểu được quy luật của lũ trên sông và tập tính của nhiều loài cá, nên khi người làng tưởng như mùa lũ đã hết, thì cô Bốn vẫn quả quyết ít nhất cũng có một cơn lũ nữa tràn vào đồng ruộng. Mà đúng thật! Hóa ra cô Bốn đánh lưới bắt được nhiều con cá bụng còn mang đầy trứng, kinh nghiệm cho cô biết cá vẫn còn “ức nước”.
Viết những dòng này lại nhớ đến Từ Huy - người nhạc sỹ tài hoa quê Điện Bàn (Quảng Nam) với ca khúc "Quê hương tuổi thơ tôi" nổi tiếng. Bài hát với những hình ảnh thực tế, mang nhiều hoài niệm tuổi thơ mà cũng “lạ” với nhiều người: “Mùa lụt nước lũ, bắt cá giữa... đường”. Chính vì thế mà không ít ca sỹ (người hát) lại hát sai, hoặc cố ý sửa lời, rằng “Mùa lụt nước lũ, bắt cá giữa đồng”, vì “bắt cá giữa đường” thì... quá vô lý (!?).
Thạch Hà