Bất cập trong việc quy định mã hồ sơ tại các loại giấy phép

Thứ hai, 15/03/2021 13:30

Hiện nay, không khó để bắt gặp những con số như: HS 3304.99, HS 3401.30.00 trong các giấy phép (GP) của nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) thực hiện quyền xuất nhập khẩu (XNK). Những con số này được gọi là mã HS (HS code), là mã phân loại hàng hóa được quốc tế quy chuẩn, nhằm đảm bảo việc phân loại có hệ thống, thống nhất cho các loại hàng hóa ở tất cả các quốc gia và được dùng để xác định thuế suất XNK hàng hóa.

 Tuy nhiên, việc quy định mã HS trong các loại GP hiện nay đang gây cản trở cho sự phát triển sản xuất kinh doanh của DN. Cụ thể như sau: Một hàng hóa có thể được xác định ở nhiều nhóm mã HS khác nhau và mỗi nhóm mã HS lại có nhiều mã HS chi tiết khác nhau. Do đó, một mã HS chi tiết sẽ làm thu hẹp nguồn hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và việc kê khai danh mục hàng hóa mà DN đang thực hiện quyền XNK theo mã HS chi tiết trong các loại GP sẽ khiến cho DN rơi vào tình trạng bị động trong việc chuyển đổi các loại sản phẩm hay nâng cấp dây chuyền sản xuất. Tất cả mã HS đối với hàng hóa XNK đều đã được DN kê khai và được cấp phép trên các loại GP. Tuy nhiên, khi tiến hành XNK hàng hóa, các cơ quan hải quan (CQHQ) đều kiểm tra, xác định lại mã HS của từng mặt hàng XNK để áp thuế suất phù hợp. Tuy nhiên, trường hợp mã HS được CQHQ xác định khác với mã được thể hiện trên các GP, khi đó việc thông quan hàng hóa và áp thuế suất sẽ gặp khó khăn, trong khi các mã này đều cùng áp dụng cho một mặt hàng. Ví dụ: mặt hàng đèn pha thuộc chương 85 và 94 của Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, tại chương 85: đèn pha gắn kính có phân loại dùng cho xe có động cơ thuộc mã HS 85391010, thuế nhập khẩu ưu đãi là 20%, trong khi đó "loại khác" với mã HS 85391090 lại chỉ có mức thuế nhập khẩu ưu đãi là 0%; tại chương 94 quy định "đèn pha" với mã HS 94054020 có mức thuế nhập khẩu ưu đãi là 25%. Vậy tại sao lại phải bắt buộc quy định chi tiết mã HS của từng hàng hóa XNK trong các GP, trong khi các CQHQ đều phải tiến hành kiểm tra và xác định lại khi áp thuế và thông quan hàng hóa. Ngoài ra, việc xác định mã HS không phải việc đơn giản, ngay cả các cán bộ hải quan cũng có sự không thống nhất khi xác định mã số này.

Nhằm hạn chế tình trạng trên, Bộ Công Thương đã tiên phong trong vấn đề này khi hướng dẫn DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động bán lẻ thực hiện thủ tục thông quan, khai thuế phù hợp dựa trên cơ sở tự cân đối nhu cầu và kế hoạch kinh doanh mà không bắt buộc kê khai danh mục hàng hóa theo mã HS trong GP kinh doanh và GP lập cơ sở bán lẻ. Hành động này không những đem lại lợi ích cho DN mà còn mang lại sự thuận tiện cho CQHQ bởi thời gian xử lý sẽ không bị trì hoãn khi có sự khác nhau của mã HS đã đăng ký và mã HS hải quan áp dụng. Ngoài ra, cần có sự thống nhất trong việc ghi mã HS từ trung ương đến địa phương. Thực trạng hiện nay cho thấy, nhiều cơ quan cấp phép địa phương (như: Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Công Thương) vẫn chưa thực sự tạo điều kiện cho DN. Thậm chí, cơ quan các tỉnh còn không thực sự nhất quán trong quá trình cấp phép. Điều này tất yếu dẫn đến mất tính linh hoạt cho DN khi cứ phải thay đổi một loạt các GP trong mỗi lần áp dụng công nghệ mới. Do đó, để tạo sự thuận tiện và tháo gỡ khó khăn cho DN, hướng đến hoàn thiện về cách hiểu và áp dụng trong việc phân loại mã HS, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cần có những điều chỉnh linh động trên tinh thần quan điểm của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, cần có các phương án, đề xuất kiến nghị điều chỉnh luật để thống nhất cách giải quyết từ trung ương đến địa phương.

Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138