Bất cập trong việc tận thu tài nguyên ở lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 (2)
Kỳ cuối: Hệ lụy từ việc tận thu
(Cadn.com.vn) - Cũng với danh nghĩa "tận thu", tình trạng khai thác vàng ở lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 (TĐSB4) (dù cấp huyện, tỉnh không có quyền cấp phép) diễn ra khá phức tạp. Tại đây, các đối tượng khai thác vàng đã mở một con đường rộng gần 5m, dài hơn 5km kéo dài đến tận những cánh rừng đầu nguồn của Dự án TĐSB4, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Hai bên đường, những cây cổ thụ nằm la liệt. Dưới lòng hồ, những hầm hố bị khoét sâu vào vách núi để khai thác vàng mà nhiều đơn vị có chức năng không biết...
"Không ảnh hưởng đến rừng"?
Là lãnh đạo đơn vị chủ quản cũng như thực thi pháp luật, ông Nguyễn Trí, Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đồng thời là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm RĐD Sông Thanh, nhưng ông Trí không lý giải được tại sao lại xuất hiện con đường rộng lớn được mở trên lâm phận do đơn vị mình quản lý. Ông Trí cho rằng: "Việc đó không ảnh hưởng đến rừng, vì nơi mở đường không có cây! Chỉ cho họ đem mấy cái máy làm vàng vào đó thôi". Một diện tích đường lớn được mở chạy ngang trong một khu rừng đặc dụng mà ông Trí nói không có cây thật khó hiểu (?).
Để "né" trách nhiệm, ông Trí cho biết thêm: "Mình là chủ rừng, nhưng chỉ là danh nghĩa thôi chứ đâu có giấy tờ hợp pháp. Chủ rừng thì phải có quyết định giao đất, giao rừng, đằng này đơn vị không có quyết định nào chứng minh là chủ dù đang quản lý hơn 75.000ha rừng. Bên cạnh đó, diện tích 65ha trên UBND tỉnh đã bàn giao cho BQL TĐSB4 rồi", ông Trí nói.
Thế nhưng, ông Trí cũng "bật mí", cơ quan chức năng đã xác định được đối tượng gây ra "vụ phá rừng trên", và đối tượng đã ký vào hồ sơ vi phạm. "Ngày 3-10-2014, CAH Nam Giang đã kiểm tra và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Trần Công Viên (trú H. Đông Giang, Quảng Nam) về hành vi phá rừng trên. Từ đó đến nay cơ quan chức năng chậm xử lý, vì còn phải xác định con đường đó nằm ngoài hay trong vùng ngập nước. Do sơ đồ ngập nước trong lòng hồ so với thực tế có sai lệnh. Con đường trước đây đo đạc có diện tích hơn 7.000m2, giờ đã bị ngập chỉ còn nhô lên khoảng 1.800m2. Tuy nhiên gần đây, tỉnh đã có chỉ đạo xử lý nghiêm. Do vậy hiện cơ quan chức năng đang phối hợp củng cố hồ sơ để có hướng xử lý thích hợp"- ông Trí lý giải.
Con đường được mở ngang qua Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đồng nghĩa với việc cây rừng bị đốn hạ. |
Nói như ông Trí thì việc "vàng tặc" mở con đường trên sẽ không có chuyện gì nếu người dân không phản ánh, báo chí không lên tiếng và con đường sẽ "biến mất" khi nước lòng hồ dâng ngập. Và lúc đó thì "chuyện đã qua", không ai chịu trách nhiệm cho hành vi phạm pháp trên (?).
Trước sự việc trên, ông Alăng Mai, Chủ tịch UBND H. Nam Giang khẳng định, nói thế là thiếu trách nhiệm, vì ranh giới, diện tích quản lý đã được xác định rõ. Nếu chưa có những giấy tờ hợp pháp có liên quan thì chủ rừng phải báo cáo, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh đó, nói về việc khu rừng đầu nguồn TĐSB4 bị tàn phá, ông A Lăng Mai thừa nhận chính quyền địa phương cũng có một phần trách nhiệm. Song cũng như ý kiến của Kiểm lâm, ông Mai cho rằng diện tích 65ha này đã bàn giao cho thủy điện nên BQL TĐSB4 cũng có một phần trách nhiệm.
Sẽ xử lý nghiêm
Thực tế trong thời gian qua, trên danh nghĩa "khai thác tận thu khoáng sản vàng trong lòng hồ các thủy điện", các doanh nghiệp, đơn vị đã ầm ầm đưa thiết bị, máy móc vào các khu vực lòng hồ. Việc trên diễn ra công khai đến nỗi đại diện BQLDA TĐSB2 phải lên tiếng.
Chỉ tính riêng cuối tháng 12-2014, lực lượng Kiểm lâm và CA tỉnh Quảng Nam đã phát hiện, bắt quả tang 3 vụ vận chuyển trái phép gỗ nhóm I, II với khối lượng lên đến gần 20m3. Được biết, số gỗ trên nguồn gốc xuất xứ từ các lòng hồ thủy điện Sông Bung. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh, nhất là những địa phương thường xuất hiện điểm nóng về khai thác lâm sản trái phép có kế hoạch tuần tra, kiểm soát nạn khai thác trái phép lâm sản trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. P.V |
"Việc khai thác vàng, khoáng sản trái phép một cách rầm rộ diễn ra trong thời gian dài vừa qua tại khu vực lòng hồ của các dự án thủy điện trên Sông Bung không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường, an ninh xã hội, mà còn làm biến đổi dòng chảy, gây sạt lở, xói mòn, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến quá trình thi công và vận hành thủy điện, xả lũ sau này. Bên cạnh đó, không ít đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây không những hiểu sai về mục đích tốt đẹp khi xây dựng thủy điện, mà còn nhầm lẫn rằng, những người làm thủy điện đã tiếp tay cho việc khai thác vàng, lâm khoáng sản trái phép", ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban QLDA TĐSB2 cho biết.
Trước sự việc trên, đại diện BQL thủy điện đã nhiều lần làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam, CA tỉnh, CAH Nam Giang kiến nghị để các cơ quan chức năng cùng vào cuộc giải quyết tận gốc vấn đề này. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị, cá nhân nào bị xử lý.
Về trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm RĐD Sông Thanh và BQL khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh để "vàng tặc" mở con đường trong lâm phận mình quản lý, bảo vệ, ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam thẳng thắn: Việc con đường trên mở trong lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh là trái phép. Trách nhiệm thuộc về Hạt Kiểm lâm RĐD Sông Thanh và BQL khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. "Không thể nói họ mở đường chạy vô nhà anh mà anh nói không biết là không được. Chúng tôi đang xem xét xử lý kỷ luật đối với những tổ chức, cá nhân trên, sai phạm đến đâu xử lý đến đó", ông Đức khẳng định.
Bão Bình