Bất cập trong việc tận thu tài nguyên ở lòng hồ thủy điện Sông Bung 4

Thứ tư, 07/01/2015 11:01

* Kỳ 1: Liệu có "dâng rừng" cho lâm tặc?

(Cadn.com.vn) - Thực tế khai thác gỗ tận thu tại các lòng hồ thủy điện trên địa bàn Quảng Nam đã và đang bộc lộ nhiều bất cập: lợi dụng khai thác gỗ trái phép; gỗ được tận thu bị thất thoát lớn... Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng vừa có chuyến thực tế tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 (xã Tà Pơơ, H. Nam Giang, Quảng Nam) và ghi nhận lại những bất cập của thực trạng trên.

Mở rừng tận thu gỗ

Ngày 1-8-2014, thủy điện Sông Bung 4 (TĐSB4) chính thức tích nước, làm ngập hơn 65ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trong phạm vi lòng hồ. Để tận dụng tài nguyên rừng, chính quyền tỉnh Quảng Nam cho phép UBND H. Nam Giang tận thu gỗ trong lòng hồ. Được sự ủy quyền của UBND tỉnh, ngày 14-8-2014, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam có quyết định cho phép Cty TNHH SX-TM&DV Xuân Chí được khai thác tận dụng gỗ trên diện tích đã chuyển mục đích sử dụng đất rừng để xây dựng lòng hồ TĐSB4 (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh). Theo đó, diện tích được khai thác là 65,5ha với tổng sản lượng gỗ tận dụng 1.889,969m3, trong đó sản lượng gỗ lớn có đường kính trên 25cm là 1.184,055m3, thời gian khai thác đến hết ngày 20-11-2014. Đến ngày 21-11-2014, các ngành chức năng tiến hành lập biên bản kiểm tra quá trình khai thác gỗ vừa qua và xác định số gỗ đã khai thác được hơn 503m3, còn lại hơn 680m3.

Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng yêu cầu đơn vị khai thác dừng mọi hoạt động chặt hạ theo đúng thời hạn được quy định, đồng thời thực hiện việc vận chuyển toàn bộ số gỗ đã khai thác ra khỏi hiện trường. Theo các ngành chức năng thì quy trình khai thác, kiểm tra, giám sát tận thu gỗ rất chặt chẽ. Mỗi đợt khai thác, doanh nghiệp báo cáo cho chính quyền H. Nam Giang (thông qua các Phòng Tài chính, Nông nghiệp, Kiểm lâm) đến kiểm tra số gỗ tận thu đã được đưa ra khỏi lòng hồ. Sau đó, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh đến hiện trường kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đóng dấu búa. Doanh nghiệp nộp ngân sách, đóng các khoản phí theo số lượng gỗ đã nghiệm thu.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đến hiện trường lòng hồ TĐSB4, khó phân biệt đâu là gỗ tận thu và đâu là gỗ khai thác trái phép. Thời điểm hiện tại, giấy phép tận thu đã hết, nhưng ít nhất có 50m3 gỗ tròn có dấu đỏ nằm rải rác, chưa di chuyển ra ngoài. Dưới lòng hồ thì hàng chục phương tiện lợi dụng chở củi lén lút chở gỗ khai thác trái phép. Tiếp tục đi sâu hơn vào Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, chúng tôi tận mục nhiều lán trại được dựng lên khắp nơi, hàng chục cây gỗ lớn nằm cách xa và trên cao trình mực nước trong lòng hồ thủy điện cũng bị đốn hạ... Dù khu vực này được bảo vệ nghiêm ngặt bởi các lực lượng như: BQL khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Hạt Kiểm lâm RĐD Sông Thanh, BQL rừng đặc dụng nam Sông Bung... (?).



Gỗ khai thác trái phép và gỗ được tận thu nằm lẫn lộn dọc bờ lòng hồ TĐSB4.

Nước dâng, rừng mất

Làm việc với chúng tôi, các đơn vị chức năng thừa nhận, từ ngày thủy điện tích nước, tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp do có đường thủy nên các đối tượng dễ tuồn gỗ đem tiêu thụ. Người dân địa phương thì cho biết, thời gian qua lợi dụng doanh nghiệp dừng tận thu, lâm tặc khắp nơi đổ về triệt hạ rừng, sau dùng thuyền máy vận chuyển, hoặc cho gỗ chìm dưới nước chờ cơ hội đưa về xuôi.

Tại khu vực lòng hồ TĐSB4, dân cư đã được di dời đi những nơi khác, thế nhưng theo thống kê của Hạt Kiểm lâm RĐD Sông Thanh, hiện nay có trên 35 thuyền máy hoạt động trong lòng hồ. Cũng như các hồ thủy điện khác tại Quảng Nam, phần lớn các phương tiện này dùng để vận chuyển gỗ trái phép. Rõ ràng, tình trạng khai thác gỗ trái phép đã tái diễn nhưng việc xử lý của các ngành chức năng thì còn lỏng lẻo, thậm chí lơ là.

Ghe thuyền hoạt động trái phép trên lòng hồ TĐSB4.

Về tính hiệu quả việc khai thác gỗ tận thu tại các dự án thủy điện, chính lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng tỏ ra hoài nghi: "Quan điểm của Sở là phải vì lợi ích chung. Việc tận thu gỗ phải xem xét lại nhiều góc độ. Thực tế tận thu có đem lại được hiệu quả không, hay tạo kẽ hở cho lâm tặc, vàng tặc trà trộn khai thác trái phép. Thực tế kiểm tra tại lòng hồ TĐSB4 vừa qua, tôi thấy vai trò kiểm tra, giám sát của kiểm lâm và cán bộ lâm nghiệp chưa làm tròn trách nhiệm"- ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam nhận định.

Về số gỗ tận thu còn lại chưa được khai thác, ông Alăng Mai, Chủ tịch UBND H. Nam Giang  cho biết: Địa phương đã có văn bản gửi lên Sở NN&PTNT và UBND tỉnh Quảng Nam xin gia hạn giấy phép tận thu gỗ ngập trong lòng hồ TĐSB4. Tuy nhiên, ngày 6-1, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Đức cho biết: Về việc gia hạn giấy phép tận thu gỗ trong lòng hồ TĐSB4 cần phải xem xét thận trọng. Vấn đề đặt ra là cần giám sát không để xảy ra những hệ lụy như khai thác gỗ trái phép lồng ghép với khai thác gỗ tận thu, hoặc đào đãi vàng trái phép sau khi khai thác gỗ... Quan điểm của Sở chỉ cho phép gia hạn để đưa những cây đã bị đốn hạ ra khỏi lòng hồ và những cây đang nằm dưới lòng hồ đã bị ngập nước. "Sắp tới sở sẽ làm việc lại với UBND H. Nam Giang nhằm xem xét, tổng hợp, đánh giá lại trữ lượng gỗ tận thu còn lại, nếu số lượng còn lại trên thực tế nhiều thì cho gia hạn, còn ít thì không nên cho"- ông Đức khẳng định.

Bão Bình
(còn nữa)