Bất cập tuyến y tế cơ sở (2)
* Bài cuối: Nghịch lý y học cổ truyền
(Cadn.com.vn) - Nhu cầu khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT) tại các trạm y tế (TYT) của Đà Nẵng luôn tăng cao trong những năm qua, song mức độ đầu tư về vật chất cũng như nhân lực còn nhiều hạn chế. Xem ra mục tiêu khám chữa bệnh bằng YHCT cho hơn 30% bệnh nhân của Đà Nẵng khó mà thực hiện.
Xu hướng tìm về đông y để khám chữa bệnh của người dân, nhất là người lớn tuổi ngày càng tăng. |
Xu hướng tìm về đông y
4 năm qua, bà Nguyễn Thị Sen (55 tuổi) phải sống chung với bệnh đau lưng dữ dội. Mỗi lần đau, bà Sen lại tìm tới TYT xã Hòa Tiến để châm cứu, chữa bệnh bằng đông y. Sau mỗi lần điều trị, bà Sen thấy lưng hết đau, cảm giác rất thoải mái. Bà Sen cho biết, nhiều người lớn tuổi như bà thường mắc các bệnh xương khớp, đi bệnh viện tuyến trên thì xa xôi mà điều trị bằng tây y chỉ cắt được cơn đau, sau thời gian ngắn sẽ đau lại. Khi biết TYT xã Hòa Tiến khám chữa bằng đông y bà Sen và nhiều người dân khác rất mừng.
* "Khám chữa bệnh ban đầu tại TYT chủ yếu bằng thuốc Nam - châm cứu vốn là truyền thống được đa số bệnh nhân ưa chuộng do tính an toàn, giá thành rẻ mà hiệu quả cao, sẽ là lối thoát để giảm thiểu tình trạng quá tải bệnh viện hiện nay, cũng như góp phần giảm thiểu bội chi ngân sách BHYT", lương y Phan Công Tuấn nói. |
Trạm trưởng y tế xã Hòa Tiến Đinh Thị Hương cho biết, trạm rất chú trọng tới công tác khám chữa bệnh bằng YHCT. Ngoài việc tiến hành trồng vườn mẫu cây thuốc nam với hơn 40 loại, trạm còn hợp đồng với một lương y làm công tác YHCT thường xuyên hướng dẫn nhân dân cách chế biến, sử dụng và chữa một số bệnh thông thường.
Trạm cũng được đầu tư thiết bị để điều trị không dùng thuốc như máy điện châm, đèn hồng ngoại để phục vụ châm cứu. Nhờ đó, số lượng người dân tới trạm khám bằng YHCT không ngừng tăng lên. Năm 2014, hơn 5,5 ngàn lượt người dân đã tới trạm để khám, điều trị bằng đông - tây y kết hợp, chiếm khoảng 30% tổng số lượt người dân tới trạm khám chữa.
Không chỉ Hòa Tiến mà xu hướng muốn được chữa trị bằng đông y của người dân tại hầu hết các TYT đều tăng liên tục. Đơn cử tại 6 trạm y tế của Q. Cẩm Lệ, trong năm 2014 có trên 8 ngàn lượt người khám đông y, số liệu tương tự là hơn 12 ngàn lượt người ở 4 trạm của Q. Ngũ Hành Sơn, ở Q. Thanh Khê là hơn 8,3 ngàn lượt người…
BS Trần Quốc Thái- phụ trách phòng khám và điều trị YHCT- BV Đa khoa Hòa Vang cho biết, xu hướng người dân tới khám đông y ngày càng tăng, hiện mỗi ngày có trên 50 người tới khám, điều trị. Sở dĩ người dân có nhu cầu khám đông y cao vì điều trị đông y, thuốc nam ít có tác dụng phụ, người dân có cảm giác an toàn hơn. Đặc biệt với người lớn tuổi bị các bệnh xương khớp, việc châm cứu, phục hồi chức năng mang lại hiệu quả rõ rệt.
Người bệnh tin tưởng dùng thuốc nam vì chữa trị hiệu quả lại ít có tác dụng phụ. |
Lương y ở đâu?
Theo BS Nguyễn Út- Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng thì Đà Nẵng đặt ra lộ trình tới năm 2020 sẽ có 56/56 TYT đạt tiêu chí quốc gia về xã tiên tiến về y dược cổ truyền. Theo tiêu chí này, các trạm đảm bảo có cán bộ chuyên trách y dược cổ truyền; có phòng khám, chữa bệnh YHCT riêng biệt; có các trang thiết bị y tế về y dược cổ truyền; có vườn thuốc mẫu… Đặc biệt, công tác khám chữa bệnh bằng YHCT hoặc kết hợp với y học hiện đại phải đạt trên 30% số bệnh nhân đến khám chữa tại trạm; phương pháp điều trị là không dùng thuốc: châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt…
Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh - Giám đốc TTYT H. Hòa Vang nói, muốn đạt mục tiêu khám YHCT cho hơn 30% bệnh nhân đòi hỏi trước tiên phải có y sỹ chuyên khoa YHCT. Tuy vậy, nguồn nhân lực này lại rất thiếu. Hiện tại, 11 TYT của Hòa Vang chỉ có 3 người có bằng cấp YHCT, còn lại hầu hết kiêm nhiệm. Hòa Vang có Hội đông y, có nhiều phòng mạch, điều này rất tốt cho các trạm có thể phối hợp với các lương y tới trạm để khám.
Tuy vậy cái khó ở chỗ những lương y này không có giấy phép hành nghề, mà muốn có phải đi học YHCT 2 năm, lúc đó các trạm mới có thể hợp đồng với lương y. Nhưng, các lương y này hầu hết đã lớn tuổi, đã làm việc ở các phòng khám đông y bao nhiêu năm nay dựa vào kinh nghiệm, việc phải đi học 2 năm là điều rất khó khăn.
Lương y Phan Công Tuấn- Trưởng Đơn vị Thừa kế ứng dụng Thuốc Nam- Bệnh viện YHCT Đà Nẵng cho biết, việc thực hiện các mục tiêu cụ thể về khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền phải đạt 30% ở tuyến xã/ phường vào năm 2015, đạt 40% vào năm 2020, cũng như mục tiêu "100% phòng khám đa khoa và TYT xã, phường có tổ y, dược cổ truyền do thầy thuốc y, dược cổ truyền của trạm y tế phụ trách" tại Đà Nẵng đều khó có khả năng thực hiện được.
Hiện tại, việc kết hợp khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền ở các TYT chủ yếu là sử dụng một số thành phẩm thuốc Đông dược đã được đưa vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế, chứ chưa khai thác sử dụng bào chế nguồn dược liệu thuốc nam tại địa phương; các tổ chẩn trị y dược cổ truyền nếu có chỉ thuê khoán các lương y ở ngoài vào đặt cơ sở hoạt động theo nguyên tắc cho hoặc thuê mặt bằng hoạt động tự thu tự chi chứ không phải "do thầy thuốc y, dược cổ truyền (trong biên chế) của TYT phụ trách".
Lương y Phan Công Tuấn cho rằng, để thực hiện được mục tiêu khám YHCT cho hơn 30% bệnh nhân cần xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền cho các TYT cần đào tạo huấn luyện các y bác sĩ đa khoa hiện có trong biên chế của trạm có đủ kỹ năng khám bệnh, châm cứu, kê đơn theo phác đồ điều trị khoảng 10-12 chứng bệnh thường gặp bằng các chế phẩm thuốc Nam. Giải pháp này giúp giải bài toán đầu tiên chính là nhân lực khám YHCT vốn đã rất khó khăn hiện nay.
Hải Quỳnh